20/02/2024 09:15 GMT+7

3 cách giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả

Giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ hàng đầu của năm 2024.

Gói thầu XL3 dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cơ bản đã hoàn thành kè bờ, tương lai đường giao thông sẽ chạy dọc theo kênh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Gói thầu XL3 dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cơ bản đã hoàn thành kè bờ, tương lai đường giao thông sẽ chạy dọc theo kênh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Nó không chỉ góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm mà còn tạo nền tảng cho một tương lai dài hạn hơn, nhất là mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Để có thể giải ngân một cách hiệu quả số tiền đã được phân bổ theo kế hoạch và tạo ra cách làm mới, ba vấn đề sau đây nên được thực hiện.

1. Thứ nhất, xác định ưu tiên theo nguyên tắc Pareto.

Nhà kinh tế người Ý Pareto đã chỉ ra nguyên tắc khoảng 20% đầu mối công việc sẽ tạo ra 80% kết quả. Đây là tiếp cận nên được áp dụng để xác định các dự án cần ưu tiên, tập trung và những công việc cần làm đối với từng dự án.

Ví dụ, giao thông, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, hai đường vành đai, các tuyến tàu điện ngầm ở hai đô thị trung tâm (Hà Nội và TP.HCM) và sân bay Long Thành cần được ưu tiên. Thêm vào đó, cần xác định những việc có tính chất quyết định đến việc triển khai các dự án ưu tiên.

Chỉ cần phân tích và xếp thứ tự ưu tiên Pareto vài lần thì sẽ thấy rằng khi tập trung vào chưa đến 40% các đầu việc sẽ tạo ra gần như toàn bộ kết quả mong đợi. Điều này là hết sức hữu ích cho việc thực thi.

2. Thứ hai, lên kế hoạch thực thi cụ thể, chi tiết và có tính khả thi cao. Đây là bước quan trọng tiếp theo sau khi ưu tiên đã được xác lập.

Tổng tư lệnh NATO trong Thế chiến thứ hai, sau đó trở thành tổng thống , Dwight Eisenhower đã đưa ra ma trận sắp xếp công việc với bốn ô gồm: Quan trọng - Cấp bách, Quan trọng - Không cấp bách, Không quan trọng - Cấp bách và Không quan trọng - Không cấp bách.

Chìa khóa nằm ở việc tập trung vào nhóm công việc quan trọng nhưng không cấp bách, giảm thiểu tối đa nhóm việc vừa không quan trọng vừa không cấp bách và giao quyền cho nhóm công việc cấp bách nhưng không quan trọng.

Ví dụ, lập kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể mang tính khả thi cao là việc rất quan trọng nhưng không cấp bách nên thường bị trôi qua. Hậu quả của việc không lập kế hoạch triển khai một cách cẩn thận là phát sinh vô số các cuộc họp rất mất thời gian, không giải quyết được vấn đề.

Trên thực tế nếu bỏ những cuộc họp như vậy sẽ tốt hơn cho việc triển khai. Rất nhiều cuộc họp hay hoạt động tương tự vừa không quan trọng vừa không cấp bách, tiêu tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực.

Thực tế thường xuyên khác với kế hoạch. Do vậy, việc điều chỉnh là cần thiết. Tuy nhiên để có thể đạt được mục tiêu thì các công việc được triển khai phải dựa vào kế hoạch.

Khi đó lập kế hoạch - việc quan trọng nhưng không cấp bách này trở thành kim chỉ nam trong quá trình triển khai.

Theo thời gian, khi việc này trở nên thành thục và được chuyển sang ô quan trọng và cấp bách thì việc triển khai công việc sẽ đạt các kết quả rất tốt.

3. Thứ ba, đúng người, đúng việc với tất cả các việc đều có đầu mối và người chịu trách nhiệm cụ thể.

Tất cả các công việc của cả hệ thống cũng như từng tổ chức cần phải có địa chỉ và tuyệt đối không để bất cứ đầu việc nào mà không có người chịu trách nhiệm.

Nhân sự ở mỗi tổ chức có bốn nhóm gồm: thông minh nhưng không cần cù, thông minh và cần cù, không thông minh nhưng cần cù, không cần cù và không thông minh. Đây chính là ma trận chọn người và phân công công việc được dạy ở những trường kinh doanh hàng đầu thế giới.

Các tổ chức cần biết từng cán bộ thuộc diện nào để có thể bố trí cho phù hợp. Trong đó, đội ngũ cán bộ có trí tuệ là hết sức quan trọng, nếu thiếu sẽ rất khó có thể triển khai.

Điều quan trọng là động lực làm việc, tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm của cán bộ. Có trí tuệ, muốn làm mà không dám làm, dám dấn thân do sợ sai, sự chồng chéo của cơ chế thì kết quả cũng rất hạn chế.

Đây là nút thắt quan trọng cần gỡ hiện tại và thông điệp rõ ràng từ lãnh đạo cao cấp của quốc gia là hết sức quan trọng.

Tóm lại, khi ba vấn đề nêu trên được triển khai một cách khoa học và nghiêm túc thì mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt được. Cách làm này có thể áp dụng cho tất cả các công việc, các tổ chức và cá nhân.

TP.HCM dự kiến vốn đầu tư công năm 2024 hơn 79.000 tỉ, đặt mục tiêu giải ngân trên 95%TP.HCM dự kiến vốn đầu tư công năm 2024 hơn 79.000 tỉ, đặt mục tiêu giải ngân trên 95%

Dự kiến vốn đầu tư công năm 2024 của TP.HCM là hơn 79.000 tỉ, trong đó từ ngân sách địa phương 75.577 tỉ, ngân sách trung ương phân bổ 3.686 tỉ. TP đặt mục tiêu giải ngân trên 95%

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên