20/11/2020 15:52 GMT+7

20-11, nhớ những đồng nghiệp ở xa

HOÀNG THỊ THU HIỀN (cựu giáo viên Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
HOÀNG THỊ THU HIỀN (cựu giáo viên Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

TTO - Ở TP.HCM tấp nập, ngày 20-11 nhiều trường tràn ngập hoa. Các cô giáo trong tà áo dài bay bay, gương mặt rạng ngời, trên tay hoa tươi thắm. Cảnh tấp nập của đô thị làm tôi chạnh lòng nhớ tới những người bạn đồng nghiệp ở xa...

20-11, nhớ những đồng nghiệp ở xa - Ảnh 1.

Đường đến điểm trường Huồi Pủng xã An Khương, huyện Tương Dương (Nghệ An) - Ảnh: THU HIỀN

Nhóm thiện nguyện về giáo dục "Sách hay cho học sinh tiểu học" của chúng tôi đã đến cực nam đất mũi Cà Mau, Lủng Cú (Hà Giang) và nhiều tỉnh biên cương của Tổ quốc. Ở những nơi ấy chúng tôi đã chứng kiến biết bao những khó khăn của đồng nghiệp. Để bám trụ được với nghề họ phải chịu thiệt thòi rất nhiều.

Hiu quạnh mênh mông buồn vắng

Thương nhất là các bạn phải dạy ở những điểm trường lẻ. Những điểm trường này thường là những nơi heo hút, ít học sinh phải dạy lớp ghép 4-5; 3-2; 2-1. Có những trường hợp cô giáo phải dạy ba lớp ngồi chung một phòng. Những điểm trường thường ở trên núi đá chênh vênh hoặc đi vào trong rừng sâu, lối nhỏ. 

Một căn nhà lá, một mái nhà đất hoặc một cái chòi được bao quanh bằng những thân cây nhỏ. Xung quanh thưa thớt dân cư, chỉ có vài nóc nhà. Từ nhà này qua nhà khác phải nửa quả đồi. Hiu quạnh mênh mông buồn vắng. Nhưng thầy cô phải bám trụ để cùng dân giữ đất cho quê hương.

Cao nguyên đá Đồng Văn ai đến cũng mê, ai về cũng nhớ. Nhưng thầy cô dạy ở đó khổ hết biết. Những bạn dạy điểm lẻ ngày đi bộ vài ba chục cây số. Mỗi tháng chỉ được tắm hai lần. Muốn có nước phải đi lấy rất xa. 

Khổ nhất là chuyện đi vệ sinh của thầy cô và học sinh. Nước không có. Cầu tự hoại không xài được. Xung quanh trường các chỗ trống trở thành nhà vệ sinh bất đắc dĩ. Mùi khai thối lấn át tất cả mùi khác. Nhà vệ sinh trường bán trú trở thành nỗi ám ảnh của tất cả mọi người. 

Học sinh đến trường trong giá rét che tấm lưng còm trong chiếc áo mỏng manh, đôi chân trần đen nhẻm hoặc đi đôi dép đứt sứt mõm đen thui. Cô dẫu có thương trò đứt ruột nhưng cũng đành lực bất tòng tâm. Ngó xung quanh đều núi đá và học trò đứa nào cũng nghèo như nhau, khổ như nhau không biết làm sao.

"Đến đây thì ở lại đây" 

Tôi gặp một cô giáo người Thái Bình trắng trẻo xinh lắm. Cô lên đây công tác khi mới ra trường, giờ đã 10 năm, giờ đã là hiệu trưởng. "Đến đây thì ở lại đây " - cô bảo. Cô lấy chồng và có hai con. Chồng cô là người Péo Pú.

"Ai cũng nghĩ chồng em là trưởng bản hay phải rất giỏi giang. Không. Chồng em chỉ là người rất bình thường thôi cô ạ. Em đi dạy phải lội qua suối, những lần suối nước đổ về anh ấy đã giúp em, lâu dần chúng em nên duyên". Giọng cô man mác trong nắng chiều trong núi rừng trùng điệp.

Cô giáo Trang là người dân tộc Kinh nhà gần thị trấn của huyện Tương Dương ở Nghệ An. Cô nói được tiếng Thái và tiếng Khơ Mú. Ra trường được phân công lên dạy ở bản Huồi Pủng. Đây là bản 4.0 (không điện, không wifi, không giao thông thủy bộ, không sóng truyền hình) dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. 

Theo quy chế, cứ nghĩ sau vài năm cô sẽ được chuyển đi nơi khác khi xong nghĩa vụ ở vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng ai lên rồi cũng về. Người thì nghỉ luôn sau chỉ một năm. Phòng GD-ĐT cũng đã có biện pháp cho một cặp đôi lên thay thế để các bạn đỡ buồn và bám trụ lâu hơn. Nhưng rồi cũng không được.

Thương trò, cô ở lại từ khi còn con gái, đến khi lấy chồng rồi có con. Đến khi ông chồng chịu không nổi ly dị vợ, cô trở thành mẹ đơn thân, phải gởi con nhờ ông bà ngoại cũng là giáo viên nuôi hộ. Thay vì hai năm cô phải ở tới bảy năm mới được về - vừa đúng đầu năm học này. 

Xa con nhỏ khi con chỉ được mấy tháng, cả tuần không biết tin con đau ốm thế nào. Có những lúc cuối tuần muốn về cũng không được vì trời động dông thuyền dễ bị lật không ai dám chạy. Có lúc cả tháng mới gặp con một lần. Về ôm con một lúc rồi phải đi ngay. Có lúc con ốm, bà ngoại vừa đi dạy vừa trông cháu cũng ốm nốt. Thương bà, thương cháu, thương mình mà chẳng biết làm sao…

Mỗi nơi một hoàn cảnh, một cái khổ riêng. Nhưng dù ở đâu trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn thấy ở các bạn sự nhiệt huyết tận tâm với nghề. So với các bạn ở những vùng xa ấy, ở những nơi khó khăn ấy, chúng tôi ở thành phố mọi thứ tốt hơn nhiều. 

Đồng nghiệp của chúng tôi ơi, chúng tôi khâm phục các bạn. Mọi danh hiệu của nghề giáo các bạn là người xứng đáng được trao tặng nhất. Xin được gởi tới các bạn đóa hoa lòng đẹp nhất của ngày 20-11!

Yêu nghề dạy học - Kỳ 1: Ba thế hệ cùng làm nhà giáo Yêu nghề dạy học - Kỳ 1: Ba thế hệ cùng làm nhà giáo

TTO - Điều gì níu giữ những người thầy ở lại với nghề dù phải vượt qua nhiều khó khăn? Chỉ có tình yêu được thắp lên từ thời thanh xuân chưa đủ, mỗi người thầy sẽ phải cố gắng rất nhiều để giữ cho tình yêu ấy luôn ấm nóng.

HOÀNG THỊ THU HIỀN (cựu giáo viên Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên