15 tỉ đô la và những di chứng thuộc địa

D.K.THOA 26/09/2022 07:15 GMT+7

TTCT - Một vụ kiện cáo kỳ lạ vừa đi tới kết cuộc sơ bộ cho thấy các di sản thuộc địa quá khứ vẫn còn in bóng sâu đậm tại Đông Nam Á. Bên thua kiện, Nhà nước Malaysia, đứng trước nguy cơ mất trắng gần 15 tỉ USD.

Các hậu duệ của cố quốc vương Hồi quốc Sulu đang tìm cách thu giữ tài sản của Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas sau khi phán quyết của tòa trọng tài ở Pháp đứng về phía họ. Theo phán quyết, Petronas phải trả 14,8 tỉ USD cho cháu chắt của hoàng tộc Sulu, vương quốc ở miền bắc đảo Borneo và nam Philippines đã chấm dứt sự tồn tại vào năm 1915. 

Tuân thủ phán quyết đó, tháng 7 vừa rồi, một tòa án ở Luxembourg đã phát trát tạm đóng băng toàn bộ tài sản thuộc 2 công ty con của Petronas có đăng ký hoạt động tại đây là Petronas Azerbaijan và Petronas South Caucasus - tổng giá trị ước tính hơn 2 tỉ USD.

15 tỉ đô la và những di chứng thuộc địa - Ảnh 1.

Vị trí của vương quốc Hồi giáo Sulu trên bản đồ Đông Nam Á ngày nay. Ảnh: Wikipedia

Nguyên đơn "quý tộc sa sút"

Việc tòa Luxembourg tịch thu 2 công ty con của Petronas thuộc về một cuộc chiến pháp lý lớn hơn, dai dẳng hơn, mà các quý tộc "hoàng phái" Sulu nay đã hết thời quyết tâm theo đuổi suốt từ năm 2017. 

Lúc bấy giờ, những người này tập hợp lại, thuê luật sư châu Âu và đệ đơn khởi kiện Malaysia về việc Nhà nước Malaysia không thanh toán tiền thuê đất ở Sabah theo một thỏa thuận đã ký từ năm 1878 giữa tổ tiên họ với công ty khai thác thuộc địa Anh - Công ty Bắc Borneo Anh quốc (tổ chức kiểu như Công ty Đông Ấn Anh khét tiếng, vốn giàu có và hùng mạnh hơn nhiều), tức từ trước khi phát hiện ra những nguồn tài nguyên phong phú ở khu vực này, đặc biệt là dầu mỏ.

Tháng 3-2022, một thẩm phán tại Pháp ra phán quyết yêu cầu Nhà nước Malaysia - quốc gia tiếp nhận các trách nhiệm liên quan thỏa thuận thuê đất ở Sabah sau khi giành được độc lập từ Anh - sẽ phải trả cho các hậu duệ Sulu 14,9 tỉ USD như yêu sách của nguyên đơn. 

Chưa hết, cũng theo thẩm phán tại Pháp, chừng nào Kuala Lumpur còn phớt lờ phán quyết, số tiền nợ của họ với các hậu duệ Sulu còn tăng nữa. Cụ thể, cứ mỗi năm không trả, số nợ của Malaysia sẽ tăng thêm 10%.

Phán quyết của tòa Pháp dễ hiểu là gây bức xúc với Malaysia. Dù cũng là một bên tham gia các thủ tục trọng tài và nhiều tài sản của Malaysia ở nước ngoài, trong phạm vi tài phán của phán quyết kia, có thể bị ảnh hưởng, Kuala Lumpur tới nay vẫn không chấp nhận. Họ lên án và chỉ trích những "hậu quả từ thời thuộc địa Anh" vẫn còn ràng buộc nước họ trong thế kỷ 21 này.

Chính phủ Malaysia cho rằng vì Hồi quốc Sulu trước đây (tồn tại từ năm 1405 đến 1915) đã chuyển nhượng chủ quyền lãnh thổ của họ, nên phán quyết của tòa trọng tài là không hợp pháp. Kualua Lumpur thậm chí cho rằng việc tòa châu Âu hay bất kỳ tòa nước ngoài nào khác ủng hộ "hoàng phái" Sulu trong vụ kiện là hành động can thiệp vào nội bộ Malaysia.

Một nguồn tin từ chính quyền Malaysia nói với trang Daily Sabah: "Đó là một mớ bòng bong mà người Anh bỏ lại ở Malaysia. Các yêu sách quyền lợi của hậu duệ Sulu với Sabah là cơ hội tuyệt vời để các đế quốc châu Âu tiếp tục thực thi những công cụ và định chế pháp luật cũng như tài chính tại Malaysia". 

Người này cũng cho rằng "Malaysia là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, do đó không thể bị bắt phải thực hiện những điều lệ luật pháp của nước ngoài, nhất là những luật lệ của một quốc gia thực dân trước đây".

Lịch sử vấn đề

Theo trang Daily Sabah, năm 1878, quốc vương Hồi giáo Sulu Mohammad Jamalul Ahlam (tức "Jamalul Kiram II") đã tự nguyện chuyển giao các vùng lãnh thổ của vương quốc bên phía đảo Borneo cho ông Gustavus Baron Von Overbeck (tổng lãnh sự Áo tại Hong Kong) và ông Alfred Dent (một thương nhân người Anh) theo thỏa thuận cho thuê, trong đó hai người này là đại diện cho Công ty Bắc Borneo Anh quốc.

Theo thỏa thuận "có hiệu lực vĩnh viễn" này, Sultan Kiram II sẽ cho thuê hơn 73.000km2 lãnh thổ, bao gồm vùng nay là tiểu bang Sabah thuộc Malaysia ở bắc đảo Borneo. Những người thuê đất đồng ý trả cho Kiram II mỗi năm 5.000 đồng bạc Mexico, đồng tiền được sử dụng phổ thông ở cả Đông Nam Á thời bấy giờ. 

Khoản tiền này theo quy đổi khoảng 1.000 USD/năm. Tới năm 1903, Công ty Bắc Borneo Anh quốc thuê thêm một quần đảo nữa của Sulu, tiền thuê đất tăng lên thành 5.300 đồng bạc Mexico một năm.

Khi Malaysia giành độc lập năm 1963 từ Anh, các vùng đất trước kia thuộc quyền cai trị của thực dân Anh, bao gồm Sabah, trở thành một phần lãnh thổ của Malaysia hôm nay. Nhà nước Malaysia thừa kế mọi nghĩa vụ của mẫu quốc cũ, bao gồm khoản tiền thuê đất mà họ vẫn gửi đều đặn hằng năm cho những hậu duệ của Kiram II.

Tuy nhiên, năm 2013, Malaysia ngưng trả tiền thuê đất sau khi một "giả vương" tự xưng mình mới là sultan đích thực của Sulu và tổ chức vụ tấn công vũ trang vào Sabah "để đòi lại đất đai của tổ tiên", với một lực lượng 200 người tự xưng là quân đội hoàng gia Sulu. 

Giao tranh ác liệt nổ ra khiến 60 người thiệt mạng, lực lượng an ninh Malaysia chỉ trấn áp được cuộc tấn công sau gần một tháng chiến đấu. Những người thừa kế Sulu sau đó kiện Malaysia ra tòa. Lúc đầu chính quyền Kuala Lumpur đơn giản phớt lờ và tẩy chay các phiên phân xử, nhưng giờ có lẽ họ không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ nữa.

Hy hữu

Vụ kiện này cho tới nay hầu như không được dư luận bên ngoài Malaysia quan tâm nhiều, song giới chuyên gia luật, đặc biệt là luật pháp quốc tế, rất thích thú với tính "phi tiền lệ" của nó. Họ mô tả đây là một trong những vụ việc có quá trình trọng tài không bình thường nhất trong lịch sử.

Trước tiên cần phải nói thêm về căn cứ pháp lý để Luxembourg có thể thu giữ tài sản của 2 công ty con của Petronas. Lệnh thu giữ này có cơ sở từ Công ước New York năm 1958 mà Malaysia là thành viên. 

Công ước này áp dụng với việc công nhận và thi hành các quyết định trọng tài được ban hành tại lãnh thổ của một quốc gia khác với quốc gia nơi có yêu cầu công nhận và thi hành quyết định trọng tài đó, xuất phát từ tranh chấp giữa các thể nhân hay pháp nhân.

Ông Colin Ong QC, một luật sư không liên quan vụ kiện, bình luận với Financial Times rằng có vẻ như chưa từng có tiền lệ cho vấn đề này trong suốt lịch sử tồn tại của Công ước New York. "Nó rất khác thường… liên quan tới thỏa thuận có từ trước khi thành lập một quốc gia", ông Ong nói.

Còn bà Elisabeth Mason, luật sư của Hãng 4-5 Gray’s Inn Square tại London (Anh) và là luật sư chính đại diện cho 8 nguyên đơn trong vụ kiện (đều đang ở Philippines), cho rằng "vụ việc này là lịch sử của chủ nghĩa thực dân". 

"Không giống rất nhiều người bị cướp đất đai, thân chủ của chúng tôi đang có hợp đồng còn hiệu lực từ năm 1878, và theo đúng nghĩa của những từ này, họ có một lộ trình đi tới công lý mà nhiều người khác không có", bà Mason phân tích.

Vì Nhà nước Malaysia có tài sản ở nhiều nơi trên thế giới, nên không loại trừ khả năng các hậu duệ Sulu có thể đề nghị thực thi phán quyết của tòa trọng tài Pháp ở hơn 160 quốc gia khác cũng tham gia Công ước New York (Việt Nam ký ngày 12-9-1995). 

Các luật sư bên nguyên cho biết nếu không đạt được một giải pháp đồng thuận, ý nói một cuộc dàn xếp ngoài tòa với chính quyền Malaysia, họ sẽ tiếp tục đồng hành với thân chủ trong việc tịch thu tài sản quốc gia của Malaysia.

"Luật pháp quốc tế không phải là chuyện để quý vị lựa và chọn" - ông Paul Cohen, một luật sư chính khác của bên nguyên tại Công ty 4-5 Gray’s Inn Square, nói. "Chúng tôi hy vọng Malaysia sẽ hiểu cái giá của việc là một quốc gia bị ruồng bỏ về pháp lý và đi đến chấp nhận sự thật", ông tiếp.

Còn ngay lúc này, trước sức hút của khoản tiền 15 tỉ USD, ở miền nam Philippines, số hậu duệ tự nhận của hoàng tộc Sulu đã tăng vọt lên cả trăm người. Các luật sư bên nguyên còn nói một người đàn ông đã xuất hiện ở văn phòng họ tại London, phân phát danh thiếp tự nhận ông là "thủ tướng Sulu"!■

Di chứng thuộc địa

Thời kỳ chuyển giao thế kỷ 19 và 20 cũng là giai đoạn khai thác thuộc địa đỉnh điểm ở Đông Nam Á, sau khi các cường quốc châu Âu đã phân chia xong đất đai và ảnh hưởng ở châu Mỹ, châu Phi và Nam Á.

Sinh sau đẻ muộn so với các công ty Đông Ấn (Hà Lan, Anh, Pháp), Công ty Bắc Borneo là một mô hình tương tự bao gồm các nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền để đầu tư, lừa lọc và cả đe dọa nhằm tước đoạt tài nguyên ở các lãnh thổ thuộc địa.

Thành lập năm 1881, công ty này được trao toàn quyền khai thác vùng bắc Borneo, nay là tiểu bang Sabah, Malaysia, cho tới năm 1888, khi vùng này trở thành một lãnh thổ bảo hộ của Đế quốc Anh. Nhưng Công ty Bắc Borneo vẫn hoạt động ở đây tới tận năm 1946.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận