11/09/2019 08:25 GMT+7

13 cán bộ Bộ GD-ĐT không được thông báo việc hủy xem xét kỷ luật?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Khi thu hồi văn bản xem xét kỷ luật với 13 cán bộ, Bộ GD-ĐT không có giải thích chính thức với dư luận xã hội, cũng không thông báo công khai việc hủy bỏ xem xét kỷ luật với 13 cán bộ này.

13 cán bộ Bộ GD-ĐT không được thông báo việc hủy xem xét kỷ luật? - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng GD, Bộ GD-ĐT, trong buổi trao đổi với báo chí ngày 11-5-2019 về kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: VĨNH HÀ

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã ký quyết định thành lập hội đồng kỷ luật và thông báo xem xét kỷ luật với 13 cán bộ chủ chốt liên quan tới vụ gian lận chưa từng có ở kỳ thi THPT quốc gia 2018. Nhưng các văn bản này lại được thu hồi sau 20 ngày. Vì sao như vậy?

Người bị xem xét kỷ luật: không rõ vi phạm gì

Quyết định 245/QĐ-BGDĐT về việc thành lập hội đồng kỷ luật công chức và thông báo số 878/TB-BGDĐT về xem xét kỷ luật với 13 cán bộ đều được ban hành ngày 21-8-2019. Các lý do đều liên quan tới vụ gian lận thi THPT năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Đứng đầu danh sách là ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT. Năm 2018, ông Trinh là người trực tiếp dẫn đoàn kiểm tra lên các điểm nóng Hà Giang, Sơn La và trải qua những ngày "đấu trí" để có thể công khai kết luận, xác thực việc đã xảy ra gian lận nâng điểm ở mức độ nghiêm trọng với hàng trăm trường hợp.

Ở phần mô tả "hành vi sai phạm" được đính kèm theo thông báo xem xét kỷ luật ban hành ngày 21-8 nêu: "Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc để xảy ra những thiếu sót trong tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi, công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi".

Trong số các cán bộ từng trong danh sách trên cũng có một số lãnh đạo đứng đầu vụ, cục bị "xem xét" với lý do "trách nhiệm của người đứng đầu" như ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, ông Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, bà Lê Thị Kim Dung - vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Nguyễn Sơn Hải - cục trưởng Cục CNTT. Đây là những đơn vị đã tham mưu, tư vấn xây dựng quy chế thi, thanh tra thi, tổ chức thi.

Liên quan tới việc xây dựng hoặc tham mưu xây dựng phần mềm chấm thi có ông Sái Công Hồng - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, ông Hà Xuân Thành - phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo thí quốc gia, Cục Quản lý chất lượng.

Một số cán bộ của Cục Quản lý chất lượng bị xem xét kỷ luật do liên quan tới các khâu tập huấn tổ chức thi, chấm thi. Ông Tống Duy Hiến - phó chánh thanh tra và một số thanh tra của bộ bị xem xét kỷ luật với lý do "thiếu sót trong công tác thanh tra chấm thi".

Những lãnh đạo chủ chốt của các vụ, cục trực thuộc Bộ GD-ĐT cũng từng là những người được phân công rốt ráo giải quyết hậu quả của vụ gian lận thi năm 2018, tham mưu điều chỉnh, trực tiếp kiểm tra để thực hiện kỳ thi THPT năm 2019.

Theo một cán bộ thanh tra của Bộ GD-ĐT, vì thanh tra Bộ GD-ĐT có 6/13 người rơi vào danh sách xem xét kỷ luật, bao gồm cả chánh và phó chánh thanh tra nên họ có kiến nghị bằng văn bản gửi bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Trong bản kiến nghị này họ nêu việc mình bị xem xét kỷ luật nhưng "không rõ hành vi vi phạm là hành vi nào, vi phạm điều nào trong văn bản nào?". Về thủ tục, Bộ GD-ĐT đã không xác minh, đánh giá theo trình tự, quy trình đúng với quy định về xem xét kỷ luật tại nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Vì thế, các cán bộ đề nghị bộ trưởng phải ra quyết định rút lại các văn bản xem xét kỷ luật đối với 13 cán bộ.

Kiểm điểm trách nhiệm, chưa xem xét kỷ luật

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ngày 9-9, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chủ trì cuộc họp liên quan tới 13 cán bộ và quyết định thu hồi các văn bản liên quan đến xem xét kỷ luật đã ban hành ngày 21-8.

Mặc dù danh tính của 13 cán bộ đã được đưa công khai trên báo chí khi Bộ GD-ĐT đưa họ vào quy trình xem xét kỷ luật nhưng khi thu hồi các văn bản cũ, Bộ GD-ĐT không có giải thích chính thức với dư luận xã hội về việc này, cũng không thông báo công khai việc hủy bỏ xem xét kỷ luật với 13 cán bộ.

Ngày 10-9, một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết lý do Bộ GD-ĐT rút lại các văn bản xem xét kỷ luật cán bộ do các văn bản này chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý. Các văn bản bao gồm quyết định thành lập hội đồng kỷ luật và thông báo xem xét kỷ luật được Bộ GD-ĐT xếp vào loại "văn bản nội bộ chưa thực hiện". Vì thế khi thấy chưa hợp lý, Bộ GD-ĐT thu hồi.

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT chỉ tiến hành quy trình xem xét, kiểm điểm trách nhiệm về mặt công tác Đảng với những người có liên quan tới việc tổ chức kỳ thi có xảy ra gian lận - như hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Sau khi có kết quả kiểm điểm trách nhiệm, nếu tổ chức, cá nhân nào có khuyết điểm, vi phạm, Bộ GD-ĐT mới tiếp tục thực hiện quy trình xem xét kỷ luật theo đúng quy định hiện hành.

Ngày 30-8, thông tin về xem xét kỷ luật 13 cán bộ Bộ GD-ĐT lọt ra ngoài và lan rộng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngay sau đó, chiều tối 30-8, Bộ GD-ĐT mới có một bản thông báo chính thức gửi cho báo chí xác nhận sự việc báo chí đã nêu và nhấn mạnh việc 13 người trong danh sách mới chỉ trong quy trình xem xét sai phạm chứ chưa phải có quyết định kỷ luật.

Cách xử lý của Bộ GD-ĐT gây bức xúc cho những người có tên trong danh sách xem xét kỷ luật. Một cán bộ trong số này chia sẻ: "Chỉ trong một ngày, tôi nhận được cả trăm cuộc điện thoại. Gia đình, họ hàng, bạn bè lo lắng, hoang mang. Danh dự, uy tín bị tổn hại nghiêm trọng".

Hủy xem xét kỷ luật 13 cán bộ vụ gian lận thi THPT quốc gia: Bộ GD-ĐT giải thích gì? Hủy xem xét kỷ luật 13 cán bộ vụ gian lận thi THPT quốc gia: Bộ GD-ĐT giải thích gì?

TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã hủy bỏ quyết định xem xét kỷ luật với 13 cán bộ được cho là có trách nhiệm liên quan tới vụ gian lận thi THPT quốc gia năm 2018.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên