27/03/2019 09:20 GMT+7

100 năm Bà Nà - Kỳ 3: Bí ẩn Bà Nà

ĐOÀN CƯỜNG - TRƯỜNG TRUNG
ĐOÀN CƯỜNG - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Bà Nà giờ đã là một điểm du lịch nhộn nhịp khách thập phương. Vậy nhưng ít ai biết rằng Bà Nà - Núi Chúa còn ẩn chứa những câu chuyện huyền hoặc mà tới nay vẫn chưa có lời giải đáp.

100 năm Bà Nà - Kỳ 3: Bí ẩn Bà Nà - Ảnh 1.

Lá thư ông Cao Đắc Ẩn gửi ông Ngô Đình Diệm năm 1957 nói về kho báu ở Bà Nà - Ảnh: L.A.RÔ

Chưa thấy ai tìm ra một cục vàng nào do người Pháp để lại nhưng thông tin giấu vàng ở Bà Nà thì hầu như vị cao niên nào cũng tỏ tường.

Ông Hồ Văn Ánh

Linh thiêng miếu Bà

Kế bên con đường bộ lên Bà Nà có một con dốc dựng đứng tức ngực dẫn lên miếu Bà. Ngôi miếu uy nghiêm trên đỉnh núi vẫn ngày ngày nghi ngút khói hương. Những nhân viên ở đây cho biết ngôi miếu này rất linh thiêng và bất cứ nhà thầu, công ty nào trước khi "động thổ" đều đến đây để thắp hương. 

Nơi đây còn tấm bia ghi rõ năm 1931 những người ở sở Dương Sanh đứng ra lập miếu. Đặc biệt, có cả tên các quan Tây là ông Laborde - quan công sứ, ông Spick - quan đại lý.

Khi bác sĩ Pháp Albert Sallet đặt chân đến Bà Nà gần trăm năm trước, ông đã có nghiên cứu công phu về nơi này. Sallet đã nói rằng Núi Chúa yên tĩnh là thế nhưng đêm đến thì trở thành một thế giới huyền bí. Có một vị thần thiện nữ mà mọi người đều công nhận được gọi là Đức Bà. Bà có quan hệ bà con hoặc trùng hợp với Phật Bà. 

"Trong tất cả mọi trường hợp, từ Đức Bà tỏ ra mọi sự tốt lành và tin tưởng. Mọi người tôn kính bà" - Sallet viết. Miếu thờ Đức Bà ở một cái động được trang trí một bàn cờ bằng cẩm thạch trắng...

Cũng theo bác sĩ Sallet, truyền thuyết kể lại thời kỳ chiến tranh, lúc Gia Long đánh nhau với quân Tây Sơn, ông đã có tiếp xúc với Núi Chúa. Cư dân bản địa đã chỉ cho Sallet một chỗ khuyết trên đỉnh Núi Chúa, một chóp nhọn hình Kim tự tháp. 

Truyền thuyết cho rằng trên đỉnh chóp này có một khoảng đất trống, chính giữa có bàn bằng cẩm thạch, bốn ghế đá bốn góc và một con đường chạy bao quanh sườn. Chính nơi đây Gia Long thu tô, thuế của những "bộ tộc mọi" trung thành với ông.

Sallet cũng cho biết qua một cuộc điều tra trong những làng xóm cuối cùng nằm ở các triền dốc, được biết Nguyễn Ánh khi bị truy kích đã rút lui về Bà Nà và ra lệnh trồng mít, trồng chè. Một người tên Mạc ở làng Hội Vực đã cung cấp trâu, nếp cho quân đội của Nguyễn Ánh. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua đã phong cho người này phẩm tước Bình hương xử sĩ...

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, truyền thuyết dân gian ở trên núi Bà Nà có miếu Đức Bà thờ một nữ thần núi. Và còn có di tích liên quan đến chúa Nguyễn Ánh ẩn tránh ở đây thời kỳ chống Tây Sơn. "Có lẽ vì vậy mà Bà Nà có tên gọi Núi Chúa" - ông Tương đặt giả thuyết.

100 năm Bà Nà - Kỳ 3: Bí ẩn Bà Nà - Ảnh 3.

Miếu Bà hiện vẫn còn lưu tấm bảng ghi tên những người tham gia lập miếu, trong đó có hai quan Tây - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Bí ẩn kho báu vàng

Ông Hồ Văn Ánh - nguyên trưởng BQL khu du lịch Bà Nà, Suối Mơ (1997-1999) - chia sẻ rằng sau khi tách tỉnh, chủ trương của lãnh đạo Đà Nẵng là "vực dậy" khu nghỉ dưỡng bậc nhất Trung Kỳ này. Vậy là ông Ánh cùng các cộng sự trong Sở Du lịch tiến hành khảo sát lại núi Bà Nà. Họ tiếp xúc với rất nhiều bà con sinh sống dưới chân núi và cư dân bản địa đều cho rằng dưới núi có vàng. 

Theo ông Ánh, từ năm 1997 và những năm sau đó, khi con đường lên Bà Nà đã có cầu qua suối An Lợi là lúc nhiều người đổ về vùng núi này để tìm vàng. "Ai cũng biết ngày xưa ở đây từng có mỏ vàng non người Trung Quốc làm thế kỷ 19 và tin đồn người Pháp cất vàng dưới chân núi sau khi tháo chạy vì Việt Minh chiếm cứ Bà Nà" - ông Ánh cho biết.

Còn theo nhà nghiên cứu lịch sử Lưu Anh Rô, trong một lần đi sưu tầm tư liệu về Đà Nẵng ông cũng tình cờ tiếp cận những thông tin về "kho báu Bà Nà". Trong chuyến công tác tại TP.HCM, ông tìm đến thăm giáo sư Trần Kim Thạch - một nhà địa chất học. 

Khi đề cập đến truyền thuyết "kho báu Bà Nà", vị này cho biết: "Kho vàng đó mình có nghe song không biết thực hư thế nào. Tuy nhiên, nguồn Lỗ Đông của Đà Nẵng có trữ lượng vàng rất lớn, từng được người Pháp khám phá và khai thác... Tại Đà Nẵng, những nơi nào anh thấy trồng "3 cây thông" chụm nhau hình tam giác là nơi người Pháp đánh dấu có vàng...".

"Chưa thấy ai tìm ra một cục vàng nào do người Pháp để lại, nhưng thông tin giấu vàng ở Bà Nà thì hầu như vị cao niên nào cũng tỏ tường" - ông Ánh nói.

100 năm Bà Nà - Kỳ 3: Bí ẩn Bà Nà - Ảnh 4.

Con đường bộ đi Bà Nà qua cầu An Lợi nay đã bỏ hoang. Nơi đây hơn chục năm trước nhiều người đã đổ về vùng Bà Nà - Núi Chúa để tìm vàng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Cũng theo ông Rô, một trung tâm lưu trữ có lưu lá thư của dân biểu Quảng Nam là Dư Phước Thuận gửi cho Ngô Đình Diệm, tổng thống Việt Nam cộng hòa, có đoạn: "Ở Sông Vàng thuộc quận Hòa Vang, cách núi Bà Nà 40km (phải đi đến đấy mất hai ngày đường) có một mỏ vàng từ rất lâu không được khai thác. Trong một lần tiếp xúc với dân địa phương gần núi Bà Nà, tôi gặp ông Cao Đắc Ẩn. 

Sau đó vài hôm, ông Ẩn trao cho tôi một bức thư nhờ tôi kính trình lên tổng thống mà tôi xin đính kèm theo đây. Tôi xin thưa thêm rằng người Pháp trong bức thư của ông Cao Đắc Ẩn chính là Meitel, rể của viên cảnh sát trưởng người Pháp thời bấy giờ ở Đà Nẵng tên là Chevalier. Meitel là một kỹ thuật gia về hầm mỏ, là đại diện của một công ty Pháp khai thác vàng ở Sông Vàng...".

Lá thư tay của ông Cao Đắc Ẩn gửi cho ông Ngô Đình Diệm có ghi: "...Trong thời kỳ Pháp thuộc năm 1942, tôi có làm công dẫn đường cho một người Pháp để mở xưởng làm vàng tại xứ Sông Vàng. 

Sau khi thành lập cơ xưởng làm vàng được ba năm, số vàng rất nhiều, gặp phải Việt Minh cướp chính quyền thì người chủ tôi đem số vàng trên 100kg đi chôn giấu. Một thời gian sau ông ấy biệt tích. Từ lâu nay, nhiều người tìm hỏi nhưng tôi không dám hở môi...".

Tuy nhiên tung tích về chiếc vali vàng hay "kho báu Bà Nà" vẫn là một bí ẩn huyền bí như cánh rừng già Núi Chúa.

Vì sao có tên gọi Bà Nà?

Tên gọi Bà Nà hiện cũng có nhiều cách lý giải. Có người cho rằng khi người Pháp đặt chân đến vùng này thấy có rất nhiều cây chuối nên gọi là núi Banane, lâu dần người Việt đọc chệch thành Bà Nà.

Còn nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng chữ Bà Nà là tiếng người Ka Tu nghĩa là "núi của tui". Cũng có ý kiến rằng đây là tên viết tắt của Bà Ponagar hay bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Kỳ tới: Bà Nà được đánh thức

ĐOÀN CƯỜNG - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên