14/12/2020 18:42 GMT+7

'1,3 triệu người Đồng bằng sông Cửu Long di cư là vấn đề rất buồn'

CHÍ QUỐC - SƠN LÂM
CHÍ QUỐC - SƠN LÂM

TTO - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa bày tỏ trăn trở trước thực trạng của ĐBSCL, trong đó có số liệu về di cư mà ông cho rằng “là vấn đề rất buồn”.

1,3 triệu người Đồng bằng sông Cửu Long di cư là vấn đề rất buồn - Ảnh 1.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - phát biểu tại buổi lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL chiều 14-12 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 do Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ở TP Cần Thơ chiều 14-12, ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - bày tỏ một số trăn trở về thực trạng của ĐBSCL, trong đó có vấn đề di cư và chất lượng giáo dục.

"Nói ĐBSCL là trù phú, lao động nhiều, nhưng tổng hợp lại 10 năm di cư trên 1,3 triệu người là vấn đề rất buồn. Đặc biệt nhất là giáo dục, thời gian qua Chính phủ cho ĐBSCL cơ chế sử dụng nguồn xổ số kiến thiết đầu tư cho y tế và giáo dục thì có sự chuyển biến lớn về cơ sở hạ tầng, nhưng chất lượng đào tạo cần có suy nghĩ. Gần 40% lao động không học tiếp phổ thông, trong xã hội hội nhập như hiện nay là điều rất đau đáu", ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa nhận định ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến ĐBSCL thay đổi khác hơn, vì vậy hiện nay vùng này có còn là vùng trù phú của nông nghiệp hay không cần nghiên cứu rõ hơn trong định hướng quy hoạch.

Thứ hai, sự phát triển ĐBSCL có còn phụ thuộc vào TP.HCM và Đông Nam Bộ không. Theo ông Nghĩa, với vai trò tam giác phát triển (TP.HCM - Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ) thì ĐBSCL độc lập, để từ đó hợp tác với TP.HCM, Đông Nam Bộ bởi nếu phụ thuộc thì không có sự phát triển trong định hướng sắp tới.

Ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI - cũng cho rằng ĐBSCL trong tương lai nên là khu vực đi đầu trong liên kết nội vùng và tam giác phát triển vùng với TP.HCM, Đông Nam Bộ, khi đó ĐBSCL là một cực trong tam giác chứ không phải "đi theo đuôi" TP.HCM.

"Phải có khát vọng như thế mới làm được. Phát triển ĐBSCL từ nông nghiệp, công nghiệp, du lịch… là hướng đi có thể tạo nên bản sắc riêng, cụm ngành của khu vực này kết nối với TP.HCM và Đông Nam Bộ", ông Lộc nhận định.

Giao thông ĐBSCL để di chuyển, không phải để phát triển

Đó là nhận định của ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ: "Thời gian qua chúng tôi thấy ĐBSCL ngày càng có nhiều thách thức hơn, rõ nhất là biến đổi khí hậu, gặp nhiều hình ảnh cánh đồng lúa thiếu nước, dòng sông khô cạn, những đô thị đã bị ngập úng.

Chúng tôi cũng thấy hạ tầng giao thông quá rời rạc, chỉ phục vụ di chuyển chứ không phục vụ phát triển. Nguồn nhân lực được cải thiện khá tốt nhưng chỉ so với chính chúng ta, còn so với các địa phương khác thì còn thấp". 

1,3 triệu người Đồng bằng sông Cửu Long di cư là vấn đề rất buồn - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Phương Lam cho rằng giao thông ĐBSCL hiện nay chỉ phục vụ di chuyển, chưa phục vụ phát triển - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bà Trương Lệ Khanh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - cũng cho rằng trong các nút thắt của ĐBSCL thì nút thắt về cơ sở hạ tầng "là điều nhức nhối với doanh nghiệp". Nút thắt này không chỉ là đường cao tốc, cảng nước sâu, mà còn là cơ sở hạ tầng về điện.

"Nếu Nhà nước tập trung, quyết liệt về cơ sở hạ tầng này sẽ giải quyết căn bản những nút thắt còn lại. Cơ sở hạ tầng còn kém là áp lực lên doanh nghiệp và là lực cản thu hút đầu tư FDI vào ĐBSCL.

Tôi tin rằng cảng, đường cao tốc tốt không chỉ giải quyết lưu thông từ TP.HCM về miền Tây mà còn là câu chuyện xuất khẩu. Lúc đó nguyên vật liệu thủy sản, nông sản nhập về Việt Nam với cước phí không cạnh tranh như hiện nay nữa", bà Khanh đề xuất.

15 kiến nghị phát triển ĐBSCL

Trên cơ sở nghiên cứu và đưa ra báo cáo thường niên, VCCI đưa ra 15 kiến nghị cho sự phát triển ĐBSCL trong thời gian tới, trong đó kiến nghị thay vì đi theo lối mòn truyền thống, các tỉnh trong vùng cần kiến tạo môi trường và tạo điều kiện cần thiết để người dân, doanh nghiệp và chính quyền cùng nhau tìm ra giải pháp mới, những lối đi mới cho bài toán phát triển của mình.

Về nông nghiệp, ĐBSCL phải chuyển đổi nông nghiệp một cách cơ bản, trong đó then chốt là phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại thay cho nền sản xuất truyền thống (thị trường hóa hoạt động nông nghiệp, gắn với ổn định đầu ra; công nghiệp hóa và công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng…).

Đặc biệt, về giáo dục, mô hình phát triển mới của ĐBSCL phải tìm cách tháo gỡ nút thắt vùng trũng của cả nước bằng cách thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn và việc theo đuổi lợi ích trước mắt khiến các gia đình cho con cái bỏ học sớm từ THCS và THPT…

Thêm 2 tỉ USD phát triển hạ tầng ĐBSCL Thêm 2 tỉ USD phát triển hạ tầng ĐBSCL

TTO - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm qua 9-11, việc thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL với hạ tầng đồng bộ, có giải pháp ứng phó tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng được đặt ra cấp bách.

CHÍ QUỐC - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên