10/04/2024 15:00 GMT+7

Xây đường băng mới, cải tạo nhà ga để nâng công suất sân bay Cà Mau

Sân bay Cà Mau sẽ được xây mới đường băng, nâng cấp nhà ga để đón máy bay lớn, tăng công suất sân bay lên 1 triệu khách/năm, thay vì 200.000 khách/năm như hiện nay.

Sân bay Cà Mau hiện chỉ đón được máy bay nhỏ, công suất 200.000 khách/năm - Ảnh: THANH HUYỀN

Sân bay Cà Mau hiện chỉ đón được máy bay nhỏ, công suất 200.000 khách/năm - Ảnh: THANH HUYỀN

Đó là nội dung chính của hồ sơ quy hoạch sân bay Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan.

Sân bay Cà Mau hiện nay là sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Về hạ tầng, sân bay Cà Mau có nhà ga hành khách 2 tầng, công suất thiết kế 200.000 hành khách/năm, phục vụ 150 hành khách/giờ cao điểm; 1 đường băng dài 1.500m, rộng 30m, kết cấu bê tông nhựa đảm bảo khai thác máy bay ATR 72 và tương đương, máy bay Embraer E190 giảm tải; 1 đường lăn nối đường băng và sân đỗ có 2 vị trí đỗ máy bay.

Hiện nay, sân bay Cà Mau khai thác duy nhất 1 đường bay TP.HCM - Cà Mau, nên không đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân và tăng trưởng của ngành hàng không.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, sân bay Cà Mau được mở rộng với quy mô đạt 1 triệu khách/năm trong giai đoạn đến năm 2030, đạt 3 triệu khách/năm trong giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050.

Để đảm bảo quy hoạch sân bay Cà Mau phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải quy hoạch sân bay Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu quy hoạch sân bay Cà Mau giai đoạn đến năm 2030 là sân bay cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất 1 triệu khách/năm và tối thiểu 1.000 tấn hàng hóa/năm; tối thiểu 4 vị trí đỗ máy bay Airbus A320, A321 và tương đương, thay cho 2 vị trí đỗ máy bay ATR72 hoặc tương đương như hiện nay.

Tầm nhìn đến năm 2050: Giữ nguyên cấp sân bay Cà Mau nhưng nâng công suất sân bay này lên 3 triệu khách/năm và tối thiểu 3.000 tấn hàng hóa/năm; số vị trí đỗ máy bay tối thiểu được tăng lên 10 vị trí, khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương.

Để thực hiện mục tiêu quy hoạch trên, giai đoạn đến năm 2030 cần xây dựng mới đường băng dài 2.400m, rộng 45m, xây dựng mới đường lăn nối đường băng và sân đỗ, xây dựng sân quay đầu ở 2 đầu đường băng và xây dựng tối đa 5 đường lăn chờ nối, sân đỗ máy bay có 4 vị trí đỗ.

Tầm nhìn đến năm 2050: Giữ nguyên cấu hình hệ thống đường băng nhưng xây thêm đường lăn song song với đường băng và các đường lăn nối theo nhu cầu, mở rộng sân đỗ máy bay bảo đảm tối thiểu 10 vị trí đỗ máy bay Airbus A321 và tương đương.

Với nhà ga hành khách sân bay Cà Mau, giai đoạn đến năm 2030 sẽ cải tạo, nâng cấp nhà ga hiện hữu đạt công suất 500.000 khách/năm, khi có nhu cầu có thể mở rộng, đảm bảo khai thác công suất 1 triệu khách/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng nhà ga mới phía bắc đạt công suất 3 triệu khách/năm, đảm bảo công suất theo dự báo tầm nhìn tương lai…

Tổng nhu cầu sử dụng đất của sân bay Cà Mau thời kỳ 2021-2030 là 183,51ha. Trong đó cần bổ sung 140,24ha bên cạnh 43,27ha đất nguyên trạng hiện tại. Giai đoạn định hướng đến năm 2050, tổng nhu cầu sử dụng đất của sân bay Cà Mau là 244,43ha.

Bộ Giao thông vận tải ủng hộ Cà Mau huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư sân bay Cà MauBộ Giao thông vận tải ủng hộ Cà Mau huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư sân bay Cà Mau

Sau khi quy hoạch sân bay Cà Mau được điều chỉnh, nếu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam không bố trí được nguồn vốn đầu tư, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ chủ trương tỉnh Cà Mau huy động vốn đầu tư sân bay này theo định hướng xã hội hóa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên