05/01/2024 15:23 GMT+7

Xác tàu nghi tàu cổ thoắt ẩn thoắt hiện ở Hội An từ nhiều năm trước

Thông tin người dân phát hiện hàng cột gỗ nghi là tàu cổ bị đắm ở TP Hội An thu hút nhiều sự quan tâm. Từ mấy ngày qua dấu tích tàu bỗng biến mất làm nhiều người đặt dấu hỏi về sự chậm trễ khai quật.

Hàng cột gỗ nổi lên mấy ngày đầu ở biển Hội An nhưng nay đã biến mất - Ảnh: B.D.

Hàng cột gỗ nổi lên mấy ngày đầu ở biển Hội An nhưng nay đã biến mất - Ảnh: B.D.

Chiều 5-1, ông Nguyễn Văn Lanh - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết vẫn đang theo dõi chặt hiện trường nơi con tàu gỗ nghi tàu cổ nổi lên trước đó.

Tàu gỗ nghi tàu cổ "thoắt ẩn thoắt hiện" từ nhiều năm trước

Tại báo cáo của Bảo tàng Quảng Nam, đơn vị này cho biết khi nắm được thông tin đã cử cán bộ chuyên môn xuống phối hợp với Hội An ghi nhận ban đầu.

Ngoài hiện trạng dấu vết trên bãi biển thì cũng khảo sát, điều tra, phỏng vấn người dân và tìm hiểu về những hiện vật xuất lộ.

Đáng chú ý, người dân địa phương nói rằng khu vực nơi phát hiện dấu vết tàu gỗ trước đây là bãi ngang từng có nhiều tàu đắm.

Nhiều mảnh vỡ gốm sứ như chén, bát vẫn thường bị sóng đánh trôi dạt vào bờ biển. Các mảnh gốm đó chủ yếu được đoán định là gốm Trung Quốc, niên đại thế kỷ 18 - 19.

Cung cấp thông tin cho các nhà khoa học, ông Đinh Xá (51 tuổi) - dân quân tự vệ của phường Cẩm An - nói năm 2022 một số cọc gỗ con tàu cũng đã xuất lộ trong thời gian ngắn rồi bị vùi lấp lại.

Sáng 26-12-2023, các cọc gỗ này xuất lộ lần nữa với hình dáng được phát lộ xếp hình khung giống hình một con tàu gỗ giống hình ghe bầu. Vào buổi chiều những ngày đầu tháng âm lịch, thủy triều lên sẽ che mất dấu những cọc gỗ này.

Bộ đội biên phòng, dân quân túc trực nơi phát hiện dấu tích con tàu đắm - Ảnh: Q.V.

Bộ đội biên phòng, dân quân túc trực nơi phát hiện dấu tích con tàu đắm - Ảnh: Q.V.

Ông Nguyễn Văn Đông (60 tuổi, ngụ khối phố Tân Thành) và ông Nguyễn Thành Công - phó chủ tịch UBND phường Cẩm An - cung cấp thông tin rằng vị trí phát lộ các hiện vật trước đây là đất vườn nhà dân.

Theo thời gian bờ biển Hội An sạt lở, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét nên người dân dời đến nơi ở an toàn. Bão lụt, sóng biển đánh vào làm đất cát trôi ra nên dấu vết xác tàu mới lộ diện.

Đối chiếu với bản đồ của quân đội Đông Dương vẽ Đông Dương năm 1898 cho thấy vị trí xuất lộ các cọc gỗ hiện nay cách khá xa so với đường bờ biển giai đoạn này.

Vì sao chậm trục vớt, khai quật?

Trong báo cáo của các cơ quan chuyên môn xác định dấu vết nghi tàu cổ nổi lên ở biển Hội An hôm 26-12. Ngay lập tức cơ quan di sản Hội An xuống hiện trường, các lực lượng cũng được huy động để bảo vệ an ninh.

Tuy nhiên việc can thiệp vào di vật phải có cơ quan chuyên môn, đầy đủ trình tự thủ tục. Tới ngày 28-12, Bảo tàng Quảng Nam mới tiếp cận.

Lúc này những cọc gỗ xuất lộ trước đó đã bị cát biển vùi lấp. Bề mặt chỉ còn 3 đầu nhọn cọc gỗ nhô lên khoảng 5-10cm.

Từ đó tới nay do biển động, sóng lớn làm dấu vết các cọc gỗ trên bãi biển bị vùi lấp lại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Hội An lẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đều nói rằng việc đánh giá, tác động vào một di vật đều phải hết sức cẩn trọng, có đầy đủ cơ sở khoa học và tuân theo quy trình nghiêm ngặt chứ không thể làm vội vàng.

Hơn nữa, tới nay cũng chưa khẳng định được cọc gỗ ở biển Hội An là tàu hay thuyền, là tàu cổ hay là tàu cũ bị chìm mới đây. Cơ quan chuyên môn chỉ ghi nhận và đưa ra thông tin hiện có dưới dạng "nghi ngờ tàu cổ".

Lực lượng chức năng lập chốt bảo vệ hiện trường dấu vết con tàu đắm những ngày đầu - Ảnh: Q.V.

Lực lượng chức năng lập chốt bảo vệ hiện trường dấu vết con tàu đắm những ngày đầu - Ảnh: Q.V.

Qua hình ảnh tư liệu được người dân địa phương quay, chụp cung cấp thì Bảo tàng Quảng Nam đánh giá rằng các cọc gỗ xuất lộ có kích thước khá lớn, chất lượng gỗ tốt, được cưa cắt, khoan đóng chắc chắn. Phần kích thước khung sườn của các khối gỗ phát lộ lớn.

Việc xác định chính xác loại hình hiện vật ở địa điểm này cần phải chờ vào kết quả khai quật khảo cổ học chính thức, nghiên cứu chất liệu gỗ, cấu trúc, kết cấu và nhiều yếu tố khác.

Lập phương án khai quật khẩn cấp di sản văn hóa dưới nước

Bảo tàng Quảng Nam đề nghị các cơ quan thống nhất để đơn vị này cùng Hội An và Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học) xúc tiến thủ tục pháp lý khai quật khẩn cấp theo Luật Di sản văn hóa, phương án khai quật dưới nước.

"Do tính chất phức tạp của khai quật khảo cổ học dưới nước và bảo quản hiện vật nên sau khi được cấp phép khai quật thì sẽ tổ chức đấu thầu xét chọn các cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thăm dò, khai quật, trục vớt di sản văn hóa dưới nước.

Các đơn vị có đủ chuyên môn kỹ thuật trong bảo tồn di sản, đặc biệt là các hiện vật gỗ sau khi được vớt lên khỏi mặt nước, sẽ được xét chọn" - Bảo tàng Quảng Nam kiến nghị.

Đề nghị khai quật khẩn cấp tàu gỗ nghi tàu cổ nổi lên ở biển Hội AnĐề nghị khai quật khẩn cấp tàu gỗ nghi tàu cổ nổi lên ở biển Hội An

Chiều 4-1, ông Nguyễn Thanh Hồng - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam - cho biết đã đề nghị các đơn vị lập thủ tục khai quật khẩn cấp con tàu đắm nghi là tàu cổ tại biển Hội An.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên