26/03/2024

Việc nuôi chó là thú cưng là một việc bình thường, tuy nhiên, nhiều người lại chọn những giống chó có phần hung dữ, to lớn, nhưng không hề kiểm soát, thả rông. Vậy nếu rơi vào trường hợp chó cắn người, chủ nuôi chó phải đối diện nguy cơ pháp lý nào?

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo nhằm thể chế hóa các chính sách về hoạt động chăn nuôi, quản lý chó, mèo, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân. Quy định này ngay lập tức nhận được nhiều sự đồng tình trước tình trạng nhiều người khi thực trạng con người bị chó, mèo tấn công không còn là chuyện hiếm gặp. 

Cùng quan điểm với việc phải quản lý nghiêm các quy định về nuôi chó mèo, luật sư Phùng Anh Chuyên cũng cảnh báo thêm về các nguy cơ pháp lý mà chủ nuôi chó phải đối diện nếu vô tình hay cố ý để thú cưng của mình tấn công, gây thương tích cho người khác, cụ thể: 

Trong trường hợp chủ nuôi vô ý để chó cắn người nhưng hậu quả nạn nhân chưa thiệt mạng, thương tích chưa tới 31 % thì chủ nuôi phải bồi thường theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015, kể cả trường hợp chủ nuôi không có lỗi.

Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:

"Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội."

Việc bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm tiền chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tiền công người chăm sóc, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại. Mức bồi thường cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể, việc bồi thường do hai bên thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp chủ nuôi không tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn với chó (như không xích, nhốt, không đeo rỏ mõm, không tiêm phòng...) để chó cắn người gây thương tích 31 % thì sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự, mức hình phạt có thể là cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

Trong trường hợp gây thương tích cho nhiều người hoặc tỷ lệ thương tích từ 31% trở lên thì hình phạt sẽ là cải tạo không gian giữ từ 1 năm đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu hậu quả nghiêm trọng hơn thì mức phạt tù có thể lên đến 3 năm. 

Trong trường hợp hậu quả nạn nhân bị chó cắn tử vong, chủ nuôi chó sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo điều 128 bộ luật hình sự với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trong trường hợp chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Điều 138 và 128 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

"Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm."

Việc nuôi chó phải tuân thủ quy định về quản lý chó mèo được quy định tại Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 , cụ thể nội dung như sau:

"Điều 66. Quản lý nuôi chó, mèo

Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;

2. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;

3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;

4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật."

Vì thế trong trường hợp có nuôi chó, mèo. Nhất là với các loài có kích thước lớn, bản tính hung hăn thì người nuôi phải cực kì cẩn trọng, thậm chí phải đảm bảo đủ sức khỏe để khống chế vật nuôi trong trường hợp vật nuôi mất kiểm soát.

*Lưu ý: Câu trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo theo dữ kiện được cung cấp, trường hợp cụ thể bạn đọc nên gặp trực tiếp và tham khảo thêm từ luật sư, các chuyên gia luật.

Xem thêm: Bị nhìn đểu, khiêu khích và những quy định của pháp luật?

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên