19/08/2017 17:51 GMT+7

Venice - khi giọt nước tràn ly!

TUẤN SƠN (Theo The Guardian)
TUẤN SƠN (Theo The Guardian)

TTCT - Thành phố lãng mạn nhất nước Ý không thể tồn tại mà không có du lịch, nhưng cũng chính du lịch đang là thứ khói độc bức tử cuộc sống của con người nơi đây.

Venice - khi giọt nước tràn ly! - Ảnh 1.

Du lịch tăng trưởng không phanh cùng chất lượng sống đi xuống theo tỉ lệ nghịch là giọt nước tràn ly khiến dân bản xứ tại thành phố lãng mạn bậc nhất nước Ý phải khăn gói ra đi và hàng nghìn người dân kéo xuống đường biểu tình phản đối khách du lịch.

Venice, thành phố thuộc vùng Veneto trải dài trên nhiều đảo nhỏ trong khu vực phá Venezia dọc theo biển Adriatic ở đông bắc nước Ý, vẫn được biết đến với tên gọi La Serenissima - nơi thanh bình nhất. 

Đây từng là nơi mà nhịp sống bản địa giao thoa hài hòa với dòng chảy của du khách thập phương, vốn phần nhiều vẫn là giới trí thức, văn hào và họa sĩ đến đây tìm cảnh sinh tình. Nhưng bây giờ thật khó để hình dung bức tranh yên ả đã từng hiện hữu trên mảnh đất này khi ta dạo quanh những con ngõ nhỏ hay ngồi trên thuyền lướt đi trên hệ thống kênh đào chằng chịt của thành phố và bắt chuyện cùng người dân nơi đây. 

Dân số giảm và tăng trưởng nóng của du lịch từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của cư dân Venice. Mùa du lịch năm nay, có vẻ như giọt nước đã tràn ly.

Venice - khi giọt nước tràn ly! - Ảnh 2.

Ảnh: Telegraph

Khi người dân bỏ đi

Đầu tháng 7, khoảng 2.000 người dân Venice đã xuống đường biểu tình phản đối ngành du lịch quê nhà mà họ cho rằng là nguyên nhân gây suy giảm chất lượng sống, hủy hoại môi trường và khiến cho ngày càng nhiều người bản xứ phải rời bỏ quê hương đi nơi khác sinh sống. 

Những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, dân số Venice vào khoảng 175.000 người. Hiện tại, con số này là 55.000.

Carlo Beltrame, một trong những người khởi xướng cuộc biểu tình, đồng thời là nhà nghiên cứu nhân văn tại ĐH Ca’ Foscari (Venice), cho biết ông ao ước về một ngày mà người dân thành phố mình có thể chu du trên những kênh đào mà không phải lo lắng về nạn... kẹt thuyền. 

"Mỗi năm có khoảng 2.000 người dân Venice khăn gói ra đi. Nếu hiện trạng này tiếp diễn, chỉ trong vài năm nữa thôi Venice sẽ chỉ còn toàn khách du lịch. Đây sẽ là một thảm họa cả về mặt xã hội, nhân chủng học và lịch sử" - ông Carlo nhấn mạnh.

Nhưng chừng đó là chưa đủ với ông Luciano Bortot, một người bản xứ sinh ra và lớn lên tại đây. "Bạn hỏi tôi cảm thấy thế nào khi sống trên đống rác rưởi này ư? - ông vặn lại câu hỏi của chúng tôi - Đây từng là một thành phố tuyệt vời với vô số nghệ nhân... Vấn đề bây giờ là du lịch đại trà, những người chỉ lưu lại đây vài tiếng và không tham quan được gì cả. Cơn ác mộng này không chỉ của chúng tôi mà còn của khách du lịch nữa".

Cũng như những người hàng xóm của ông, Luciano đặc biệt căm ghét những chiếc du thuyền hạng sang khổng lồ ra vào bốn năm lượt mỗi ngày trên dòng kênh Giudecca xuyên qua lòng Venice, nhả ra những cuộn khói cùng hàng nghìn du khách xuống trung tâm thành phố. 

Vào mùa cao điểm, lượng du khách đến Venice trên những chiếc du thuyền này có thể lên đến 44.000 người/ngày. Ông cũng ghét luôn những dịch vụ lưu trú ngắn hạn tại nhà dân mọc lên như nấm sau mưa để phục vụ du khách, khiến cho khả năng thuê được một chỗ trọ lâu dài của cư dân địa phương gần như bằng không. 

Với những đặc sản du lịch như lễ hội carnival đầy màu sắc, Liên hoan phim quốc tế Venice danh tiếng hay triển lãm ảnh Biennale diễn ra hai năm một lần, du lịch đã trở thành một phần không thể tách rời trong lịch sử lâu đời của Venice. 

Thành phố lãng mạn nhất nước Ý không thể tồn tại mà không có du lịch, nhưng cũng chính du lịch đang là thứ khói độc bức tử cuộc sống của con người nơi đây.

"Người dân Venice ngày nay không còn quá tự hào về truyền thống như cha ông của họ nữa. Họ không quan tâm đến nghệ thuật hay văn hóa, họ lái những chiếc canô cao tốc và ngấu nghiến thức ăn nhanh. Venice giờ đây chẳng khác nào thành phố Miami Beach của Mỹ" - anh Michelangelo Adamo (23 tuổi), một nhân viên nhà hàng tại Venice, cho biết. Anh đang học nghề lái tàu với mong ước thoát khỏi cuộc sống ồn ào nơi đây và tìm đến một hòn đảo yên tĩnh hơn ở Ý làm nơi định cư mới.

Venice - khi giọt nước tràn ly! - Ảnh 4.

Và... thỏa hiệp cùng chung sống

Còn đối với Galliano di Marco, cuộc sống ở Venice không có gì phải chê. Galliano là CEO của VTP, một doanh nghiệp chuyên cung cấp và quản lý các dịch vụ liên quan đến du thuyền tại Venice. Ông là đối tượng thường xuyên của những nhóm hoạt động nhằm phản đối du thuyền tại thành phố này. 

Hồi tháng 6, một nhóm có tên gọi "Nói Không Với Tàu Lớn" đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân không chính thức, theo đó người dân Venice đã bỏ phiếu ủng hộ việc cấm cửa những chiếc du thuyền khổng lồ. 

Theo họ, khách du lịch từ du thuyền là nguyên nhân chính gây xáo trộn cuộc sống của dân địa phương, khi mà họ chỉ xuống tham quan trong vỏn vẹn vài tiếng, không chi tiêu gì mấy rồi lại "cất bước ra đi", bỏ lại phía sau bao nhiêu là rác thải.

Ông Galliano không đồng tình với ý kiến này. Ông chỉ ra rằng trong số 28 triệu lượt khách mà Venice đón nhận hằng năm chỉ có 1,5 triệu khách là đến bằng đường du thuyền, còn lại tuyệt đại đa số vẫn là khách đến bằng đường bộ hoặc đường hàng không.

 Ông cũng cho rằng với độ tuổi trung bình của khách du thuyền là 65 tuổi và mặt bằng chung là những người thành đạt, họ chi tiêu từ 120-160 euro (3,2 - 4,3 triệu đồng) trên một đầu người, đem đến nguồn thu khoảng 250 triệu euro (6.700 tỉ đồng) mỗi năm cho thành phố. Những dịch vụ kèm theo cũng tạo công ăn việc làm cho xấp xỉ 5.000 người.

Mặc dù vậy, hồi tháng 12 năm ngoái Galliano cũng đã quyết định nhượng bộ để đổi lấy làm ăn lâu dài khi đồng ý cho du thuyền cập cảng Venice theo đường kênh đào Vittorio Emanuele thay vì đi theo con kênh Giudecca xuyên qua lòng thành phố như từ trước đến nay. 

Quyết định này sẽ làm du thuyền tốn thêm 1,5 giờ để ra vào cảng, nhưng bù lại người dân Venice sẽ không còn phải thấy cảnh "chướng tai gai mắt" khi hằng ngày có một chiếc du thuyền to bằng cả tòa nhà choán hết tầm nhìn thành phố. 

Đề xuất này vẫn cần phải được Chính phủ Ý thông qua, nhưng nó đã cơ bản nhận được sự ủng hộ từ các công ty kinh doanh dịch vụ du thuyền.

Nhưng còn một yêu sách khác của các nhóm phản đối du thuyền, đó là di dời bến du thuyền từ vị trí hiện tại đến cảng Marghera, một khu công nghiệp xấu xí nằm trong phần lãnh thổ trên đất liền của Ý, bị chia cắt với thành phố đảo Venice bởi một phá nước.

 "Họ đang muốn xây dựng một khu ổ chuột dành cho du khách, và tôi sẽ chiến đấu đến cùng để điều đó không thành hiện thực - ông Galliano nhấn mạnh - Hiện tại du khách đến Venice được tiếp đón trong phòng khách, nếu dời sang Marghera sẽ giống như khách đến nhà lại mời vào nhà vệ sinh vậy".

Venice - khi giọt nước tràn ly! - Ảnh 5.

Những người biểu tình phản đối khách du lịch tại Venice hồi tháng 7 mang theo biểu ngữ với những dòng chữ "Tôi sẽ không ra đi", nhưng trên thực tế thì sự lạc quan của người dân địa phương về tương lai của Venice đang dần cạn kiệt.

Họ đã hi vọng UNESCO sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến chính quyền thành phố bằng cách đưa Venice vào danh sách các di sản văn hóa thế giới đang bị đe dọa như những cảnh báo trước đó mà tổ chức này đã đưa ra. 

Nhưng thay vào đó, UNESCO mới đây lại gia hạn cho Venice thêm 1 năm để đề ra các biện pháp bảo tồn các công trình tượng đài và môi trường thiên nhiên.

"Có cảm giác như chúng tôi không còn đường lùi, vì mọi thứ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát" - ông Carlo nói. Ông cho biết mình muốn số khách du lịch đến Venice bị hạn chế để thành phố có thể tập trung vào công tác cải thiện môi trường sống, đồng thời quảng bá hình ảnh của một trung tâm nghiên cứu khoa học và thủy văn thế giới.

 Còn đối với ông Luciano, ao ước của ông là biến Venice trở thành một khu tự trị tương tự như vùng Trentino-Alto Adige ở miền bắc nước Ý, vốn là một phần lãnh thổ của Áo cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ nhất. 

Theo ông, câu trả lời cho bài toán hài hòa các lợi ích du lịch và cuộc sống ở Venice chính là đấu tranh đòi độc lập một phần hay hoàn toàn cho vùng Veneto, một trong những đơn vị hành chính giàu có nhất nước Ý. 

Tháng 10 tới, một cuộc trưng cầu ý dân không ràng buộc về mặt pháp lý sẽ được tiến hành để lấy ý kiến người dân địa phương về vấn đề này.

 "Venice sẽ được điều hành tốt hơn bởi những nhà lãnh đạo người Venice, chứ không phải người La Mã - ông Luciano nói - Nếu có một cuộc trưng cầu ý dân, chắc chắn người dân Veneto sẽ lựa chọn ra đi".

TUẤN SƠN (Theo The Guardian)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên