05/07/2017 14:04 GMT+7

Vấn đề Triều Tiên: tổng thống Trump chỉ 'đáp trả' trên Twitter

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Màn thử nghiệm tên lửa liên lục địa (ICBM) mới đây của Triều Tiên đang đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thế khó với rất ít lựa chọn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Dự kiến rạng sáng mai (6-7, giờ VN), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có cuộc họp khẩn về tình hình Triều Tiên. Cuộc họp này được phía Mỹ kêu gọi sau khi Triều Tiên có hành động thử nghiệm tên lửa mới nhất vào sáng 4-7, mà Washington cho rằng đó là một biểu hiện khiêu khích, gây bất ổn an ninh trong khu vực.

Không thể chờ đợi nữa

“Triều Tiên vừa phóng một tên lửa nữa. Anh chàng này không có gì hay ho hơn để làm trong đời hay sao?”, ông Trump nhắc tới lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong dòng trạng thái trên Twitter ngày 4-7. Tổng thống Mỹ gần như thể hiện sự bất lực tới mức khó hiểu về Triều Tiên.

Tính đến ngày 5-7 theo giờ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vẫn phản ứng... như thường lệ. Họ kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn, thúc giục các nước mạnh tay để bóp nghẹt yết hầu tài chính Triều Tiên.

Trên Twitter, ông Trump lại nhắc tới Trung Quốc: “Thật khó tin Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ nhân nhượng với điều này thêm nữa. Có lẽ Trung Quốc sẽ hành động mạnh mẽ với Triều Tiên và kết thúc câu chuyện phi lý này một lần và mãi mãi”.

Nhưng theo đánh giá của giới quan sát, đây không phải lúc để Mỹ tiếp tục những cách thể hiện cũ, vì thời gian không chờ đợi họ nữa.

Thứ nhất, như lời Ngoại trưởng Rex Tillerson thừa nhận ngày 4-7, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa liên lục địa ICBM. Nếu đúng theo đánh giá của chuyên gia vũ khí David Wright với hãng tin Yonhap, loại tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên hoàn toàn đủ khả năng vươn tới đất Mỹ.

Điều này đồng nghĩa với việc, thời gian cứ trôi qua lặng lẽ, Triều Tiên ngày càng thể hiện những tiến bộ mới trong công nghệ tên lửa - hạt nhân. Và nếu đúng như hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA “khoe”, thì Triều Tiên đã có khả năng gắn đầu đạn “cỡ lớn” vào tên lửa của họ.

Tầm bao phủ của loại tên lửa Triều Tiên thử nghiệm hôm 4-7. Một phần của vùng Alaska phía tây nước Mỹ sẽ bị đặt trong tầm bắn - Ảnh: David Wright
Tầm bao phủ của loại tên lửa Triều Tiên thử nghiệm hôm 4-7. Vùng Alaska phía tây nước Mỹ sẽ bị đặt trong tầm bắn - Ảnh: David Wright

Tiếp nữa, bất kể các nước có lên án cỡ nào, Triều Tiên dưới thời lãnh đạo Kim Jong Un vẫn bỏ ngoài tai và càng thể hiện sự quyết tâm lớn hơn cả thời ông Kim Jong Il và ông Kim Il Sung. Báo Washington Post cho biết với hàng loạt cuộc thử nghiệm gần đây, ông Kim Jong Un chỉ trong vòng một năm đã đưa ra quyết định phóng tên lửa nhiều hơn cả 17 năm cầm quyền của cha mình, ông Kim Jong Il.

Ít lựa chọn

Từng không dưới một lần “đoan chắc” qua Twitter rằng Triều Tiên không đời nào phát triển công nghệ hạt nhân tới mức đáng sợ, nay ông Trump hẳn phải cảm thấy hơi nóng phà phía sau gáy. Báo chí Mỹ dẫn lời các chuyên gia phân tích rằng, lúc này người đứng đầu Nhà Trắng có rất ít lựa chọn đối với Triều Tiên.

Ông Anthony Ruggiero, chuyên gia nghiên cứu về các cuộc xung đột lâu dài về ngoại giao và quân sự tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ, nhận xét trên Washington Post: “Thật không may, chính quyền của ông Trump có quá ít lựa chọn ngoài việc gia tăng áp lực kinh tế lên Trung Quốc và Triều Tiên. Mỹ đã lãng phí 10 năm với hàng loạt cuộc đàm phán bị cho thất bại và chiến lược giữ điềm tĩnh vốn không hiệu quả ngay từ ban đầu”.

Cũng theo ông Ruggiero, vấn đề nằm ở chỗ khi Mỹ hối thúc các nước trừng phạt Triều Tiên, thì họ luôn phải đối diện với ít nhất hai lá phiếu chống từ Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp giữa hai người ở Điện Kremlin hôm 4-7 - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở Điện Kremlin ngày 4-7 - Ảnh: Reuters

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng cực kỳ phức tạp. Tuần trước, chính quyền ông Trump công bố quyết định trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc với cáo buộc rửa tiền cho Triều Tiên. Sau đó Washington lại chọc giận Bắc Kinh bằng việc phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan.

Nói cách khác, sẽ rất khó để Mỹ cậy vào quyết tâm từ Nga và Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp hôm 4-7, ngay trước khi hai vị lãnh đạo này đến dự Hội nghị G20 tổ chức ở Đức.

Ông Putin và ông Tập thống nhất rằng cần phải có biện pháp buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên họ cũng yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận, thể hiện một nỗ lực chung để giảm căng thẳng.

Bên cạnh đó, thậm chí trong nội bộ nước Mỹ, ông Trump cũng khó tìm thấy sự thống nhất. Báo New York Times ngày 4-7 dẫn lại lời Phó Đô đốc James D. Syring thuộc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ nói trong cuộc điều trần Quốc hội tháng trước rằng Mỹ phải “chắc chắn rằng Triều Tiên có thể bắn tên lửa đạn đạo chạm tới chúng ta”. Vấn đề là loại tên lửa mới đây Triều Tiên thử nghiệm có thể đến Alaska - khu vực phía tây nước Mỹ giáp Canada, nhưng không tới... Los Angeles.

Đó là lý do ông Trump chưa thể đưa ra tuyên bố nào về “lằn ranh đỏ” để cảnh báo Triều Tiên không đi quá giới hạn.

Mà nếu Triều Tiên có vượt qua thì sao? Một cuộc xung đột quân sự là “kiểu chiến tranh tồi tệ nhất trong đời nhiều người”, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói với chương trình Face the Nation trên đài CBS hồi tháng 5...

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên