01/08/2023 16:33 GMT+7

Từ bệnh viện huyện đến tỉnh quá xa, có nơi 200km người bệnh phải đi ô tô mất 5 giờ

Thực tế này là ở tỉnh Điện Biên, khoảng cách từ Bệnh viện huyện Mường Nhé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 200km, người bệnh phải mất 5 giờ đi ô tô.

Theo khuyến cáo, các bệnh viện tuyến tỉnh cần được phân bố để người dân lâu nhất cũng chỉ mất 1 giờ đi ô tô đến được bệnh viện - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo khuyến cáo, các bệnh viện tuyến tỉnh cần được phân bố để người dân lâu nhất cũng chỉ mất 1 giờ đi ô tô đến được bệnh viện - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bất cập khiến người bệnh phải di chuyển quá xa này được Bộ Y tế nêu trong báo cáo tổng hợp Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Y tế trình thẩm định.

Di chuyển quá xa, người bệnh mất cơ hội 

Theo Bộ Y tế, hiện ở một số tỉnh người dân tiếp cận từ bệnh viện, trung tâm y tế huyện đến bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh vẫn còn khó khăn do khoảng cách quá xa. Trên thực tế, có những nơi khoảng cách từ bệnh viện huyện đến bệnh viện đa khoa tỉnh xa hơn 100km và thời gian để người dân tiếp cận được dịch vụ y tế là hơn 2 giờ đi bằng ô tô.

Ví dụ điển hình như tỉnh Điện Biên. Khoảng cách từ Bệnh viện huyện Mường Nhé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 200km, người bệnh phải mất 5 giờ đi bằng ô tô. Tại tỉnh Bình Định, khoảng cách từ Bệnh viện huyện An Lão đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 130km và người bệnh phải mất hơn 2 giờ đi bằng ô tô. Tại tỉnh Đắk Lắk, khoảng cách từ Bệnh viện huyện M'Drak đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 90km, người bệnh phải mất 2 giờ đi bằng ô tô.

Đặc biệt như TP.HCM - một "siêu đô thị" ở khu vực phía Nam nhưng theo khảo sát của phóng viên Tuổi Trẻ Online, khoảng cách mà người dân từ xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) đến các bệnh viện tuyến TP và trung ương gần 90km, chưa kể việc người dân phải di chuyển nhiều chặng, mất nhiều ngày từ đảo vào đất liền bằng ghe, đi phà... 

Trong khi kinh nghiệm quốc tế cho thấy khoảng thời gian tiếp cận bệnh viện ở mức trên 30 phút sẽ làm giảm tỉ lệ bệnh nhân nội trú và những người sống cách cơ sở y tế hơn 45 phút có nhiều khả năng bị thiệt thòi. 

Theo khuyến cáo, các bệnh viện tuyến tỉnh cần được phân bố để người dân lâu nhất cũng chỉ mất 1 giờ đi ô tô để đến được bệnh viện.

Bảng thống kê của Bộ Y tế về khoảng cách trung bình từ bệnh viện đa khoa tỉnh đến bệnh viện đa khoa tuyến trung ương ở các vùng - Ảnh: H.L. chụp lại

Bảng thống kê của Bộ Y tế về khoảng cách trung bình từ bệnh viện đa khoa tỉnh đến bệnh viện đa khoa tuyến trung ương ở các vùng - Ảnh: H.L. chụp lại

Có vùng không có bệnh viện chuyên khoa nào

Ngoài vấn đề nêu trên, báo cáo của Bộ Y tế còn cho thấy khả năng tiếp cận đến bệnh viện tuyến trung ương hạn chế ở một số vùng.

Chẳng hạn như vùng Tây Nguyên không có bệnh viện tuyến trung ương nào. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh nhưng chỉ có một bệnh viện tuyến trung ương, tương tự vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 14 tỉnh nhưng cũng chỉ có một bệnh viện tuyến trung ương.

Đặc biệt về nguyên tắc, các bệnh viện tuyến trung ương cần phải đảm nhiệm vai trò của bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, nhưng Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam vẫn là bệnh viện hạng II.

Một vấn đề được Bộ Y tế nêu ra là khả năng tiếp cận các bệnh viện chuyên khoa cũng có sự bất cập ở một số vùng. 

Đơn cử như các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng, còn lại các vùng: Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long không có bệnh viện chuyên khoa nào.

Từ thực tế bất cập, trong quy hoạch tổng thể lần này, Bộ Y tế nhấn mạnh việc ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng mới một số bệnh viện cấp quốc gia và cấp vùng. Đồng thời, nâng cấp thêm một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh có khả năng phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu để đảm nhận chức năng vùng, thực hiện khám chữa bệnh cho các tỉnh lân cận trong vùng.

Phân bố cơ sở khám chữa bệnh ban đầu chưa phù hợp

Sự phân bố của các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu theo địa bàn dân cư chưa phù hợp ở một số địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh trạm y tế xã sẽ thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân và quản lý bệnh không lây nhiễm.

Theo Bộ Y tế, các trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực phục vụ địa bàn dân cư từ khoảng 5.000 dân, có xã lên đến hơn 100.000 dân. Trong khi đó, khảo sát tại các quốc gia thành viên trong khu vực Tây Thái Bình Dương cho thấy các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu thường phục vụ một cộng đồng từ 5.000 đến 10.000 dân.

Tỉnh "cầu cứu" chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinhTỉnh 'cầu cứu' chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

TTO - Nhiều năm qua, hàng chục trường học ở tỉnh Ninh Thuận không chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh mặc dù các trường đã thu đủ tiền bảo hiểm y tế ngay từ đầu năm học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên