15/03/2015 14:58 GMT+7

​Kuta không phải là “nàng thơ” ở Bali

ĐÀO NƯƠNG
ĐÀO NƯƠNG

TT - Những ngày tết, trong khi mọi người đang bận rộn đón chào năm mới, chúc tết, thăm viếng người thân, bạn bè, chúng tôi lại sắp xếp lịch trình và lên đường đến Indonesia.

Bãi biển Kuta không đẹp như quảng cáo - Ảnh: Đào Nương

Hành trình của chúng tôi là khám phá đảo Bali, nơi được mệnh danh là “đảo thiên đường” nổi tiếng với các ngôi đền linh thiêng, các bãi biển, khu rừng tuyệt đẹp... 

Từ sân bay Ngurah Rai về Kuta, chúng tôi nhận phòng khách sạn vào lúc tờ mờ sáng. Cảm giác sáng sớm tinh mơ đặt chân đến Bali thật tuyệt vời, hòn đảo cứ như vừa tắm gội sạch sẽ và bừng tỉnh sau một cơn mưa đêm. Không hổ danh là trung tâm mua sắm ở Bali, phố xá ở đây khá nhộn nhịp, với rất nhiều quán bar, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, siêu thị mini, shop quần áo, bán đồ lưu niệm... nên sẽ không khó để sắm cho mình một món đồ, từ bình dân đến cao cấp.

Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi đến đây là giá cả hàng hóa, dịch vụ đều quá đắt đỏ. Dừng chân ăn sáng trong một quán ăn nhỏ trong hẻm, hai bánh burger được tính với giá 250.000 rupiah (khoảng 20 USD), quá sức đắt đỏ cho chất lượng bình dân ở nhà hàng này. Một nhà hàng khác gần đó cũng khiến chúng tôi phải trả 100.000 rupiah cho một dĩa “Vietnamese spring roll” (chả giò Việt Nam) với bốn cuốn bánh tráng mỏng (chưa rán), bên trong gồm miến cứng đông lạnh, vài cọng giá thiu và cà rốt.

Ở đây họ không hề biết làm món ăn Việt Nam, nhưng họ vẫn ghi chúng trong các thực đơn và “chặt chém” khách du lịch.

Chúng tôi đến Kuta vào chủ nhật, các ngân hàng đóng cửa nên đành đi tìm các cửa hàng nhỏ để đổi tiền. Kuta có hàng trăm shop quần áo lớn nhỏ, đan xen vào đó cũng là hàng trăm cửa hàng nhỏ đổi tiền cho khách. Tuy nhiên, tại các điểm đổi tiền khu vực này, bạn phải chấp nhận mức quy đổi thấp hơn nhiều so với tỉ giá tại ngân hàng, trung bình 10-15%. Chưa hết, sau khi đổi 100 USD để lấy 1.200.000 rupiah tại một điểm trong khu vực này, chúng tôi đã có được “bài học”, về đếm lại chỉ có 800.000 rupiah.

Sau khi lượn quanh Langian và mua vài món đồ, chúng tôi đi bộ ra biển Kuta. Đúng như một vài lời cảnh báo từ trước đó, biển Kuta không như quảng cáo, nước biển không trong xanh và cát không trắng mịn như lời hứa về hòn đảo thiên đường. Vào buổi chiều, bãi biển đông đúc khách du lịch và người dân địa phương. Dọc bãi biển đầy rác và nước biển đục tới mức chúng tôi không muốn chạm chân vào làn nước. Bỏ luôn kế hoạch đi bộ dọc bãi biển vì không muốn giẫm chân lên rác, thay vào đó chúng tôi thuê ghế nằm và uống bia chờ ngắm hoàng hôn trên biển.

Thấy chúng tôi phân vân với rất nhiều câu hỏi khi mua “snack fruit” - loại trái cây da rắn chỉ có riêng ở Bali, Annie - một phụ nữ bán trái cây dạo ở Kuta - phân trần Kuta trước đây vốn xinh đẹp nhưng tất cả đã không còn như xưa nữa, bởi lượng khách du lịch đổ về quá đông. Hằng năm, có hàng triệu khách du lịch tới Bali và luôn chọn Kuta làm điểm dừng chân để tham quan mua sắm và nhất là để chơi lướt sóng. Rác thải và tình trạng lộn xộn, “chặt chém” du khách cũng đang là vấn đề nhức nhối ở đây từ bao lâu nay.

ĐÀO NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên