14/05/2024 06:33 GMT+7

TP.HCM chuẩn bị trước 'mùa ngập'

Đến mùa mưa, người dân TP.HCM lại lo ngập nước. Thành phố sẽ chuẩn bị những gì để ứng phó mùa mưa sắp tới và các dự án được cho là giải quyết căn cơ đã được làm tới đâu?

Đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức, TP.HCM nước chảy như thác trong một trận mưa vào tháng 5-2021 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức, TP.HCM nước chảy như thác trong một trận mưa vào tháng 5-2021 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM có báo cáo về tình hình ngập do mưa và triều cường tại thành phố. Theo đó, TP.HCM có 18 điểm ngập (13 tuyến đường ngập do mưa và 5 tuyến đường ngập do triều cường).

Ngoài danh sách ngập vẫn bị ngập

Sở này cho biết cách đánh giá điểm ngập dựa theo tiêu chí các đường trục chính. Còn số lượng đường "trục phụ" bị ngập thì Sở Xây dựng không thông tin chi tiết.

Danh sách cụ thể của 13 đường trục chính bị ngập do mưa gồm đường Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm), Hồ Học Lãm, quốc lộ 1, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng. Còn ngập do triều cường gồm đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích và quốc lộ 50.

Thực tế, nhiều nơi không nằm trong danh sách này vẫn bị ngập. Chiều 8-5, sau cơn mưa chỉ khoảng 15 phút, một số tuyến đường ở TP Thủ Đức đã bị ngập.

Trong đó có đường Lê Văn Việt, Tô Ngọc Vân, xa lộ Hà Nội (đoạn hầm chui trước bến xe Miền Đông mới). Các tuyến đường đều đông đúc xe cộ và tình trạng ngập nước diễn ra "như cơm bữa" vào mùa mưa.

Mùa mưa tới, phép thử cho các dự án

Tháng 10-2020, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức, TP.HCM) được khởi công xây dựng. Khu vực này lúc ấy cứ mưa là ngập, có đoạn dốc nước chảy như thác. Đơn vị thi công không đảm bảo tiến độ.

Đến tháng 1-2024, chủ đầu tư tìm được nhà thầu mới và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Ngày 27-4 vừa qua, cơ quan chức năng đã tổ chức buổi khánh thành dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân và dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông, TP Thủ Đức.

Ông Bùi Văn Thanh (ngụ phường Linh Chiểu) chia sẻ: "Chúng tôi mong không còn nước ngập ở đoạn ngã ba đường Đặng Văn Bi đến chợ Thủ Đức".

Ông Trần Nhân, giám đốc điều hành hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, cho biết dự án hoàn thành sẽ giảm ngập cho khu vực. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ ngập nước thì kiến nghị UBND TP.HCM và TP Thủ Đức nghiên cứu, đầu tư thêm để kết nối đồng bộ các công trình, đường ống thoát nước khác trong khu vực

Còn ông Mai Hữu Quyết, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, nhận định đường Võ Văn Ngân là "rốn ngập" của TP Thủ Đức những năm vừa qua.

Sau khi dự án cải tạo đường thoát nước ở đây hoàn thành và kết hợp với dự án giải quyết ngập đường ray xe lửa Linh Đông sẽ giải quyết cơ bản vấn đề ngập ở chợ Thủ Đức. Sắp tới, TP Thủ Đức sẽ có nhiều công trình cải tạo để giải quyết tổng thể bài toán ngập ở địa phương.

Ngoài đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức cho biết trong thời gian tới sẽ phấn đấu khởi công và hoàn thành bảy công trình nâng cấp bờ bao chống ngập, 36 công trình thoát nước, mở rộng 60 tuyến hẻm.

Đường Võ Văn Ngân (đoạn dốc gần chợ Thủ Đức) đã được cải tạo kỳ vọng sẽ không còn cảnh ngập nước. Ảnh chụp sau mưa ngày 7-5-2024 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đường Võ Văn Ngân (đoạn dốc gần chợ Thủ Đức) đã được cải tạo kỳ vọng sẽ không còn cảnh ngập nước. Ảnh chụp sau mưa ngày 7-5-2024 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cải thiện ống thoát nước ở Gò Vấp

Ông Lý Thanh Long, chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết TP.HCM đang chuẩn bị làm ba dự án chống ngập và cải thiện đường ống thoát nước ở quận Gò Vấp.

Đó là cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối - Lê Văn Thọ, đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu) và đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt). Sau khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết được 4/13 tuyến đường trục chính ngập.

Việc ứng phó trong thời gian chờ các dự án được hoàn thành, ông Long cho biết Sở Xây dựng TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, kênh rạch, cửa thu và xả.

Tổ chức kiểm tra việc vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt, vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước, xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều, phối hợp với các đơn vị liên quan đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới…

Sở Xây dựng sẽ thống nhất với các bên liên quan về phương án điều tiết giao thông, đặc biệt tại các khu vực ngập nặng. Kiểm tra, rà soát để tận dụng các trạm bơm nước thải hỗ trợ thoát nước khi mưa lớn: trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Đồng Diều và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa.

Phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động người dân bảo vệ hệ thống thoát nước bằng cách không lấp, bít và bỏ rác thải tại các miệng thu nước, xử lý ngay trường hợp cố tình xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước.

Chờ các dự án kéo dài quá lâu

Ngoài ba dự án chống ngập và cải thiện đường ống thoát nước nêu trên, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng. Nhưng theo thông tin mới nhất mà Sở Xây dựng báo cáo UBND TP, dự án này khó có thể triển khai thi công theo tiến độ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây cũng thừa nhận tiến độ dự án này so với lần tiếp xúc cử tri gần nhất (năm 2023) chưa có tiến triển hơn.

Ông cho rằng không phải TP không quyết tâm nhưng hiện vướng nhiều quy định pháp luật khiến dự án kéo dài. Tiền bố trí cho dự án chưa thể giải ngân.

TP.HCM cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế cho nhà thầu vay 1.800 tỉ đồng từ ngân sách TP để hoàn thành dự án.

Đối với dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang được TP.HCM nỗ lực hoàn thành đưa vào khai thác dịp 30-4-2025. '

Còn dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) dự kiến các đơn vị sẽ triển khai tuyển chọn nhà thầu xây lắp, kịp khởi công đoạn trên địa bàn quận Gò Vấp vào tháng 8-2024.

Bên cạnh đó, dự án vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) nguồn vốn viện trợ phát triển ODA; dự án cải thiện môi trường nước TP nguồn vốn ODA gồm hai dự án thành phần vẫn còn dang dở chưa hoàn thiện.

Chính vì vậy các dự án nhỏ giúp kết nối, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thoát nước vẫn còn chưa thể đồng bộ.

Mùa mưa tới, chạy ô tô qua đường ngập nước phải lưu ý gì?Mùa mưa tới, chạy ô tô qua đường ngập nước phải lưu ý gì?

Đà Nẵng ra cẩm nang hướng dẫn lái xe xử lý tình huống chạy qua đường ngập nước khi mùa mưa đang tới. Từng có 2.000 xe ô tô và 30.000 xe máy ở Đà Nẵng bị ngập trong đợt lụt lịch sử ngày 14-10-2022.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên