31/03/2017 19:30 GMT+7

Tokyo có 26 thành phố trong lòng một thành phố

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Theo thông tin đăng tải trên cổng thông tin của chính quyền thành phố metro.tokyo.jp, Tokyo gồm có 23 đặc khu, 26 thành phố, 5 thị trấn và 8 ngôi làng.

Một du khách tạo dáng bên hoa anh đào tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo ngày 25-3-2016 - Ảnh: Reuters

Thành phố Tokyo có tên gọi chính thức là Tokyo Metropolis (Đô thị Tokyo), là thủ đô của Nhật Bản và là một trong 47 tỉnh của nước này.

Vẫn thường được biết đến là một thành phố, tuy nhiên Tokyo chính thức được quản lý như là một “tỉnh đô thị”, mang nhiều yếu tố khác biệt với các thành phố hay tỉnh khác của Nhật, nhưng đồng thời cũng có những đặc điểm kết hợp giữa tỉnh và thành phố.

Đô thị Tokyo hiện nay là kết quả của sự sáp nhập thành phố Tokyo cũ và tỉnh Tokyo vào năm 1943.

Thành phố trong thành phố

Khu vực phía tây Tokyo được gọi là khu vực Tama, với 26 thành phố, 5 thị trấn và 8 ngôi làng chịu sự quản lý về mặt hành chính và tài chính của chính quyền Tokyo, tương tự như cách các tỉnh khác quản lý địa phương của mình.

Cụ thể, chính quyền Tokyo quản lý công việc hành chính trên diện rộng còn địa phương chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương.

Tuy nhiên, cũng có một số điểm không giống các nơi khác, ví dụ như vấn đề phòng cháy chữa cháy và cấp thoát nước, những lĩnh vực thường được luật pháp quy định thuộc trách nhiệm của địa phương.

Còn tại Tokyo, với quan điểm cho rằng những việc này có thể được quản lý hiệu quả hơn ở cấp trên, cùng mục đích giảm gánh nặng tài chính cho địa phương, chính quyền Tokyo chịu trách nhiệm về các dịch vụ này.

Ngoài ra, các địa phương liên quan có quyền thành lập các hiệp hội khu vực theo Luật tự chủ địa phương cho những việc có thể được giải quyết ở cấp địa phương,.

Hiện nay có khoảng 29 “hợp tác xã” như vậy quản lý một số vấn đề như thiết lập và quản lý các địa điểm xử lý chất thải và lò đốt, hoạt động của các bệnh viện công và các dự án kiếm lời cho địa phương.

Các đặc khu Tokyo

23 đặc khu của Tokyo tọa lạc ở khu vực trước kia là thành phố Tokyo và hiện tại đều được quản lý như một thành phố riêng lẻ.

Các khu này cũng dùng từ “city”, có nghĩa là thành phố, trong tên tiếng Anh chính thức của mình, ví dụ như Chiyoda City.

Sơ đồ phân bổ hành chính của Tokyo, màu tím là các đặc khu, màu hồng là các thành phố và màu kem là các thị trấn - Ảnh: Wikipedia

Theo thống kê năm 2016, dân số của các đặc khu này là hơn 9 triệu người trên tổng dân số hơn 13 triệu người ở Tokyo.

Điểm khác biệt ở khu vực này là hệ thống hành chính đặc biệt được thiết lập giữa chính quyền đô thị và 23 đặc khu, giúp cân bằng nhu cầu quản lý thống nhất phạm vi khu vực với nhu cầu về chính quyền địa phương của đặc khu trong việc giải quyết những vấn đề hằng ngày tại địa phương.

Cũng như ở khu vực Tama, chính quyền đô thị Tokyo cũng quản lý chuyện cấp thoát nước và phòng cháy chữa cháy.

Trong khi đó, các đặc khu có quyền tự chủ để giải quyết các vấn đề dân sinh như phúc lợi, giáo dục và nhà ở.

Trong quá trình cải cách để có được mức độ tự chủ như hiện này, một hội đồng đô thị - đặc khu đã được thành lập, liên tục tổ chức các cuộc thảo luận về các vấn đề trong công tác quản lý.

Về mặt tài chính, chính quyền đô thị Tokyo cũng có sự điều chỉnh giữa đô thị và các đặc khu, cũng như giữa các đặc khu với nhau.

Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản cố định và thuế sở hữu đất đai đặc biệt được chính quyền đô thị thu, và một phần trong số đó sẽ được cấp lại cho chính quyền đặc khu theo một tỉ lệ nhất định.

Việc điều chỉnh tài chính giữa 23 đặc khu này nhằm khắc phục sự mất cân bằng trong thu nhập tài chính do các đặc khu do có sự phân bố không đều các nguồn tài chính.

Khi nhu cầu tài chính cơ bản của một đặc khu vượt quá các khoản thu ngân sách cơ bản, chính quyền đô thị sẽ điều chỉnh để cân bằng.

Các đặc khu Chiyoda, Chuo và Minato được xem là trung tâm kinh doanh của thành phố. Đặc biệt, khu Chiyoda nằm ở trung tâm của thành phố Tokyo là một trong những khu có dân số ít nhất nhưng lại sở hữu nhiều công ty lớn của Nhật Bản.

Đây cũng là nơi có trụ sở của cơ quan chính phủ quốc gia và là nơi ở của Hoàng gia Nhật, nên cũng được gọi là "trung tâm chính trị" của đất nước này.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên