28/02/2015 10:23 GMT+7

Đi "chợ phiên thứ ba" ở đồng bằng sông Cửu Long

HƯNG PHÚ
HƯNG PHÚ

TTO - Miền Tây mà cũng có chợ phiên? Xin thưa là có và đó là chợ phiên tại xã Quới An (Vũng Liêm, Vĩnh Long) - một chợ phiên hiếm hoi tạo nên nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước.

Chợ phiên họp trước cổng UBND xã - Ảnh: Hưng Phú

Qua hơn mười năm qua chợ chỉ nhóm họp vào sáng thứ ba, nên bà con miệt vườn gọi là “chợ thứ ba”.

Xã Quới An là một xã vùng sâu nằm bên trong quốc lộ 53, cặp sông Cổ Chiên. Muốn đến chợ phiên có thể đi bằng hai cách: đi đường bộ theo tỉnh lộ 901 (Mang Thích, Vĩnh Long) trên quốc lộ 53, đến cuối đường quẹo phải 100m là thấy chợ phiên; hoặc đi đường thủy trên sông Cổ Chiên vào đến ngã ba sông là nơi hợp lưu sông Cổ Chiên và sông Mang Thích.

Chợ nhóm lúc 5g sáng trên khoảng đất vài trăm mét thuộc nền đất trống trước UBND xã Quới An, đến khoảng 11g chợ tan. Náo nhiệt nhất là từ 7-8g sáng. Để kịp chợ phiên, các ghe, thuyền của thương nhân phải đi từ 2-3g sáng tùy quãng đường đến chợ.

Tờ mờ sáng các chuyến xe chở đầy hàng tấp nập qua phà Mang Thích để nhóm chợ.

Khu đất của chợ không lớn nhưng trưng bày đầy hàng hóa: giày dép, vải vóc, áo quần, chén bát, thau muỗng, sách vở, thúng rổ tre, kẹp tóc, đồ may mặc, guốc mộc... Tất cả được người bán che nắng bằng những chiếc dù lớn, khách hàng tha hồ lựa chọn.

Vào sâu trong chợ là khô cá biển, cá đồng, mắm… mặt hàng chủ yếu của chợ. Khô mặn, lạt gì cũng có. Tiến sâu hơn nữa là đủ loại cây giống nông sản như xoài, mít, đu đủ, cà, đậu bắp, bí, bầu…

Bạn hàng tranh nhau rao hàng inh ỏi tạo cảnh chợ rộn ràng và sôi động. Điều đáng chú ý là chợ phiên này hàng bán rẻ và không bán hàng dỏm.

Chợ phiên
Một góc chợ phiên đồng bằng - Ảnh: Hưng Phú
Gian hàng bán đồ khô ở chợ phiên - Ảnh: Hưng Phú

Chợ Quới An hình thành rất lạ, như là huyền thoại. Ông Võ Văn Tám (85 tuổi), người kỳ cựu ở Quới An, kể: Vào năm 1997, có chiếc ghe chở mấy tấn khô từ sông Đốc (Cà Mau) đi TP.HCM bán.

Khi đi ngang qua đây đột ngột hư máy. Nhờ thợ máy sửa, thợ máy cho biết phải mất mấy ngày may ra mới sửa được.

Theo hợp đồng ghe phải giao cá khô đúng hẹn, nếu trễ chủ ghe phải ôm hàng. Nghe vậy, chủ ghe liền đem số khô lên khoảng đất trống bày bán.

Khô Cà Mau nổi tiếng, thế là một người mua ăn khen ngon, nhiều người khác xúm lại mua, chẳng mấy chốc khô sạch trơn trong ngày. Đó là ngày thứ ba.

Với tính nhạy bén của thương nhân, cũng vào ngày thứ ba tuần sau chủ ghe lại chở khô, chở mắm lên bán và tiêu thụ hết trong ngày. Từ đó, các lái khô mắm Cà Mau biết được, ùa nhau chở hàng lại đây bán cũng vào ngày thứ ba.

Tiếng lành khô Cà Mau ngon lại bán rẻ, người địa phương gần cận đổ về mua khô, mua mắm ngày một đông, các mặt hàng khác cũng tìm đến bán ngày thứ ba. Thế là Quới An trở thành điểm giao thương lý tưởng, lâu ngày trở thành thông lệ, thành chợ phiên phát triển nhiều mặt hàng đa dạng như bây giờ.

Cô Võ Thị An (xã Tân Quới Trung, Vũng Liêm) cho biết: "Tuần nào cũng vậy, chờ đến ngày thứ ba để đến bán chợ phiên. So với các chợ khác, ở chợ này tôi bán số lượng gấp đôi, dù giá cả thấp hơn chút đỉnh, lời ít nhưng được bà con mua nhiều".

Đa dạng mắm cá
Đa dạng mắm cá ở chợ phiên Quới An - Ảnh: Hưng Phú
Khô - đặc sản Cà Mau được bày bán nhiều trong chợ - Ảnh: Hưng Phú

Bà con ở đây quan niệm chợ thứ ba là dân buôn bán khắp nơi tụ hội trong một buổi nên phải biết chia nhau mà sống, cạnh tranh lành mạnh, không mua giành bán giựt, vả lại chợ này không nói thách và không bán hàng dỏm. Vì chỉ bán một lần hàng dỏm hay giá cao là bị khách hàng tẩy chay liền.

Đặc biệt chợ thứ ba bán nhiều hàng vừa ý lại rẻ nên được bà con rủ nhau đi chợ, mối lái cũng lại đây lấy hàng đem đi các chợ khác.

Anh Lê Văn Liệt (35 tuổi) chỉ lô hàng áo quần được sắp lớp trên tấm bạt trải trên nền ximăng, một số được treo trên khung nhôm, khung sắt bắt mắt nói đó cũng là những loại hàng xịn có nhãn mác đàng hoàng.

Quần áo trải giữa nền ximăng là loại hàng phẩm chất thấp, giá rẻ như áo ngực, áo thun, quần xà lỏn, khăn lông nhiều kích cỡ… Tuy giá rẻ nhưng đây là những mặt hàng được các nhà sản xuất nhỏ lẻ ở TP.HCM làm với tính cách gia đình lấy công làm lời.

Anh Liệt cho biết cái sân này UBND dành cho chợ nhóm mới hơn ba năm nay. Trước kia, chợ nhóm tại nhà lồng bên kia, sau đó UBND cho cất nhà lồng mới bơm cát, lót đan cho người dân ra đây bán.

Chợ được chia ra hai lô, ngoài sân bán đồ khô và trong nhà lồng bán đồ ướt, có một dãy chuyên bán mặt hàng khô mắm như mắm lóc, mắm sặc, mắm trê, mắm cá chốt, mắm cá trèn cá cơm… tỏa thơm cả khu vực.

Còn hàng cá khô thì ôi thôi thứ gì cũng có nào khô cá hố, khô cá trích, khô cá lóc, khô cá đuối, khô khoai, khô lù đù, tôm khô…

Chợ thứ ba ngày càng sung nhờ nổi tiếng bán rẻ, nhiều mặt hàng, các nơi đổ xô về. Đặc biệt thu hút nhiều nhờ số thợ của các lò gạch, lò gốm các vùng xung quanh đến mua sắm.

Ông Bùi Tấn Lộc, chủ tịch xã Quới An, cho biết những năm qua chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho chợ phiên hoạt động cũng như phát huy nét văn hóa truyền thống giao thương hiếm có ở vùng sông nước nông thôn này.

Theo nhận định, trong tương lai đây sẽ là chợ đầu mối. Do đó, xã sẽ quy hoạch dời khu hành chánh, nhường 1,4ha cho việc xây lập chợ, tạo điều kiện phiên chợ thứ ba ngày càng phát đạt, gắn với giao lưu văn hóa, phát triển du lịch.

HƯNG PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên