19/10/2016 18:40 GMT+7

Greenwich, không chỉ có đường kinh tuyến gốc

KIM NGÂN
KIM NGÂN

TTO - Khi bạn rủ đến Greenwich, tôi chỉ nghĩ sẽ được xem đài quan sát thiên văn hoàng gia, nơi có đường kinh tuyến gốc nổi tiếng thế giới. Thế nhưng có rất nhiều điều để khám phá ở vùng đất này.

Đài quan sát thiên văn hoàng gia - Ảnh: KIM NGÂN

Ngồi ngay hàng ghế đầu ở tầng trên của chiếc xe buýt hai tầng, tôi có dịp quan sát phố xá London lướt ngang qua thật rõ nét. Mới đó xe đã dừng lại, ngay trước mắt là chợ phiên Vintage Greenwich.

Chợ mở cửa 5 ngày trong tuần, 40 gian hàng với khá nhiều mặt hàng đa dạng, dễ thương, từ đồ trang sức, quần áo phong cách Vintage và Retro, sách, đĩa nhạc than...

Được ngồi giữa chợ cắn một miếng bánh, nhâm nhi ly cà phê và thưởng thức âm nhạc do các nghệ sĩ biểu diễn ở xứ lạ thì thật chẳng còn gì hạnh phúc bằng.

Thế nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một ngày mới, vì từ chợ Vintage dạo bước đến khu công viên Greenwich chỉ mất có vài phút đi bộ.

Greenwich là một trong 8 công viên hoàng gia của Vương quốc Anh và cũng là công viên lâu đời nhất. Đây là di sản thế giới nổi tiếng với quần thể đài quan sát thiên văn hoàng gia Greenwich, Bảo tàng Hàng hải quốc gia, Trường cao đẳng Hải quân và Nhà nữ hoàng.

Công viên Greenwich rộng 73ha, có từ thời La Mã, từng là mảnh đất thừa kế của anh trai vua Henry V là công tước Humphrey xứ Gloucester vào năm 1427. Ban đầu vùng đất tuyệt đẹp này được dùng làm nơi săn bắn cho giới quý tộc thời bấy giờ.

Greenwich đặc biệt ghi dấu ấn dưới triều đại Tudors. Vua Henry VIII được sinh ra và đã dành phần lớn thời gian sống ở đây. Greenwich cũng chính là nơi mà hai công chúa của ngài là Mary và Elizabeth đã cất tiếng khóc chào đời.

Thế kỷ 17 Greenwich thuộc về nhà Stuarts, vua James I đã tặng cung điện và công viên cho vợ mình là hoàng hậu Anne. Có vẻ như món quà đó là một lời xin lỗi vì đức vua đã mắng hoàng hậu trước đông người khi bà lỡ bắn một trong những con chó yêu thích của mình.

Kiến trúc sư Inigo Jones đã thiết kế Nhà nữ hoàng theo phong cách Palladiannism. Tuy nhiên hoàng hậu Anne đã mất 3 năm trước khi có cơ hội chiêm ngưỡng món quà của mình vào ngày hoàn thành.

Tôi đến nơi đúng thời điểm Nhà nữ hoàng đóng cửa để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 400 năm được tổ chức vào năm 2016, nên chỉ thưởng thức kiểu kiến trúc của tòa nhà cổ điển đầu tiên ở nước Anh và nuối tiếc không có cơ hội được ngắm 400 hiện vật quan trọng được trưng bày trong 22 căn phòng.

 London hiện đại bên dòng sông Thames nhìn từ đài quan sát thiên văn hoàng gia - Ảnh: KIM NGÂN
Chợ Vintage ở Greenwich - Ảnh: KIM NGÂN
Bảo tàng Hàng hải quốc gia 
Tượng những thuyền trưởng vĩ đại của nước Anh bên trong Bảo tàng Hàng hải quốc gia - Ảnh: KIM NGÂN

Đến năm 1600, dưới thời vua Charles II, công viên Greenwich được cải tạo theo phong cách Pháp của vua Louis XIV và cho đến nay vẫn còn dấu ấn. Vua Charles II có mối quan tâm đặc biệt dành cho khoa học, vì thế ông đã thành lập Hiệp hội Hoàng gia vào năm 1661.

Ngài Christopher Wren được giao nhiệm vụ xây dựng đài quan sát thiên văn hoàng gia, sau đó đổi thành Nhà Flamsteed theo tên nhà thiên văn học hoàng gia đầu tiên là John Flamsteed.

Hiện đài quan sát thiên văn hoàng gia là một phần thuộc Bảo tàng Hàng hải quốc gia, vốn nổi tiếng với múi giờ GMT (Greenwich Mean Time) và đường kinh tuyến gốc đi ngang qua.

Từ trên đồi, nơi du khách tấp nập ghé thăm đài thiên văn có thể nhìn xuống bao quát cảnh quan bên dưới với khu công viên rộng lớn, Nhà nữ hoàng, Bảo tàng Hàng hải quốc gia, Học viện Hải quân hoàng gia và ngắm London với những tòa nhà hiện đại nổi bật bên dòng sông Thames.

Vương quốc Anh luôn là cường quốc trong lịch sử hàng hải thế giới với những thuyền trưởng nổi tiếng như James Cook - người đầu tiên đặt chân lên châu Úc, hay đô đốc hải quân Horatio Nelson với chiến thắng lẫy lừng trong trận Trafalgar chỉ huy hải quân Anh đánh bại liên quân Pháp - Tây Ban Nha.

Do đó, nổi bật ở Greenwich là Bảo tàng Hàng hải quốc gia được mở cửa từ năm 1937, bảo tàng hàng đầu của Vương quốc Anh và có thể của cả thế giới.

Bên trong bảo tàng trưng bày rất nhiều hiện vật quý giá từ những bức tượng bán thân được gắn trước mũi tàu, mô hình tàu và tàu ngầm, lịch sử của ngành hàng hải Vương quốc Anh…

Đặc biệt, tôi may mắn được dự triển lãm với các hình thức sống động về cuốn nhật ký của Samuel Pepys trong khoảng thời gian 1660-1669 với những sự kiện lịch sử không thể nào quên của London: bùng nổ bệnh dịch hạch năm 1665, trận hỏa hoạn năm 1666 và cuộc chiến Anh - Hà Lan năm 1667.

Đường từ Bảo tàng Hàng hải quốc gia lên đài quan sát thiên văn hoàng gia - Ảnh: KIM NGÂN
Thuyền trưởng James Cook và bản viết tay của ông - Ảnh: KIM NGÂN
Múi giờ Việt Nam tại Greenwich - Ảnh: KIM NGÂN

Thêm một nơi cần phải ghé qua khi đến Greenwich là khu vực Trường đại học Greenwich và một phần tòa nhà dành cho khoa âm nhạc sáp nhập lại từ năm 2005 từ hai học viện cũ là Cao đẳng âm nhạc Trinity và Trung tâm khiêu vũ Laban.

Tòa nhà được ngài Christopher Wren thiết kế theo phong cách Barboque, du khách có thể vào ghé thăm bức tranh trần nhà nổi tiếng. Nơi từng là lâu đài Placentia được công tước Humphrey tiến hành xây dựng năm 1443 và là nơi cư ngụ của các triều đại vua.

Tuy nhiên tòa lâu đài bị đổ nát trong cuộc nội chiến Anh nên vua Charles II đã cho phá hủy và tiến hành xây dựng lại nhưng không hoàn thiện.  

Đến năm 1694 công trình mới được xây dựng lại trên chính nền đất cũ chuyển giao thành Bệnh viện Hoàng gia hải quân, rồi Trường cao đẳng Hải quân hoàng gia (1873-1998).

Cách đó không xa là con tàu Cutty Sark hiện là bảo tàng. Được đặt theo ý tưởng từ bài thơ Tam’Oshanter của nhà thơ người Scotland nổi tiếng Robert Burns, Cutty Sark từng là con tàu mái chèo nhanh nhất trong thời mình vì đã phá kỷ lục về tốc độ.

Cutty Sark là từ cổ của tiếng Scot, có nghĩa “váy ngủ ngắn” mà phù thủy Nannie mặc. Con tàu được đóng từ năm 1869, chuyên chở trà từ Trung Hoa về Anh, đã ghé qua hầu hết các bến cảng quan trọng của thế giới.

Trận hỏa hoạn vào năm 2007 đã phá hủy một phần cấu trúc gỗ bên trong nhưng Cutty Sark đã được tu sửa lại và du khách có thể tham quan tìm hiểu về lịch sử huy hoàng của con tàu.

Trước mũi tàu có một hình điêu khắc bán thân phù thủy Nannie trong chiếc váy ngủ Cutty Sark một tay cầm túm đuôi ngựa.

Bên trong bảo tàng tàu Cutty Sark - Ảnh: KIM NGÂN
Kiến trúc Nhà nữ hoàng - Ảnh: KIM NGÂN
Học viện Hải quân hoàng gia - Ảnh: KIM NGÂN
Một góc Greenwich - Ảnh: KIM NGÂN

Rời Greenwich, tôi biết mình đã có thu hoạch thêm khá nhiều điều bổ ích để xóa tan đi ý nghĩ ban đầu: Greenwich chỉ là nơi có đường kinh tuyến gốc. 

Bài thơ Tam’Oshanter của nhà thơ nổi tiếng Robert Burns dựa trên một truyền thuyết của người Scotland.

Sau khi rời quán pub lúc đã khuya, người nông dân Tam cưỡi chú ngựa Meg về nhà. Trên đường đi, ông sững sờ khi thấy 6 phù thủy cả nam lẫn nữ đang nhảy nhót xung quanh đống lửa bên trong một nhà thờ.

Dù sợ hãi nhưng Tam vẫn quan sát họ. Phù thủy trẻ Nannie chỉ mặc chiếc váy ngủ khiêu vũ khiến Tam say mê và hét lên “Tuyệt lắm”. Vậy là đám phù thủy do Nannie dẫn đầu đã đuổi theo Tam.

Tam biết phù thủy không vượt qua được nước nên đã thúc Meg chạy về sông Doon, cuối cùng Nannie bất lực chỉ giật được chỏm đuôi của Meg và Tam thoát nạn trong gang tấc.

KIM NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên