05/09/2003 14:00 GMT+7

Hàng triệu mét vuông nhà, đất bị thất thoát, lãng phí

(Nguồn: Viện Kinh tế TP.HCM)
(Nguồn: Viện Kinh tế TP.HCM)

TT (TP.HCM) - Có một thực trạng ai cũng thấy: tài sản công thời gian qua không những được sử dụng kém hiệu quả, nhiều nơi còn để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí kéo dài. Hệ thống kho bãi trên địa bàn TP.HCM có tổng diện tích trên 3 triệu m2 (số liệu kiểm tra, kê khai năm 2000). Các kho bãi này đang bị “xà xẻo” không thương tiếc; biến thành nhà ở hoặc bỏ hoang phế, đem bán hoặc cho thuê với giá rẻ...

Vx06uK75.jpgPhóng to
Kho vật tư chưa dời đi hết đã phân lô, xây nhà
TT (TP.HCM) - Có một thực trạng ai cũng thấy: tài sản công thời gian qua không những được sử dụng kém hiệu quả, nhiều nơi còn để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí kéo dài. Hệ thống kho bãi trên địa bàn TP.HCM có tổng diện tích trên 3 triệu m2 (số liệu kiểm tra, kê khai năm 2000). Các kho bãi này đang bị “xà xẻo” không thương tiếc; biến thành nhà ở hoặc bỏ hoang phế, đem bán hoặc cho thuê với giá rẻ...

Xà xẻo tài sản công

Trong vai chủ doanh nghiệp đi tìm thuê mảnh đất trống để làm cơ sở cán kéo dây kẽm, chúng tôi được giới tài xế xe tải chỉ dẫn đến mặt bằng 1361A Âu Cơ. Đây là một khu đất rộng khoảng 4.000m2 với cả nhà kho và bãi trống. Nhà kho đóng cửa im ỉm, nhưng bãi trống bên ngoài chật kín những thứ hàng sắt thép và cao su.

Có một dãy nhà tạm, vách bằng ván ép dựng lên bên trái nhà kho để chứa những loại hàng Trung Quốc không chịu được nắng mưa. Còn ngay trước mặt tiền nhà kho là bãi xe tải hoạt động khá nhộn nhịp.

Chúng tôi gặp ông Tâm, người phụ trách ở đây, thì được biết kho bãi này của Công ty Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Tân Bình. Trước lời đề nghị muốn thuê một khoảnh đất trống, ông Tâm nói bây giờ đã cho thuê kín hết rồi, chừng vài tháng nữa may ra mới có chỗ trống. Về giá thuê kho bãi, ông Tâm nói nếu thuê bãi ngoài trời thì 22.000đ/m2/tháng, còn trong kho 33.000đ/m2/tháng.

Tìm hiểu về nguồn gốc kho bãi này, chúng tôi được biết là tài sản thuộc sở hữu nhà nước trước đây do Công ty Kho bãi TP tiếp nhận quản lý, năm 2002 được UBND TP quyết định giao về thành tài sản cố định cho công ty sử dụng. Thế nhưng, thay vì sử dụng đúng mục đích được giao, ở đây kho bãi đã được xà xẻo từng khoảnh để cho thuê.

Dọc đường Trần Văn Kiểu thuộc địa bàn quận 6 “trên bến dưới thuyền” luôn hoạt động nhộn nhịp chuyển tải hàng hóa xuôi ngược khắp nơi theo qui trình hàng từ thuyền lên bến - vào kho - lên xe tải và ngược lại. Chính vì vậy hệ thống kho ở đây luôn trong tình trạng “hết công suất”, nhưng phần lớn kho đã xuống cấp, hư hỏng nhiều vì sử dụng suốt từ trước giải phóng đến nay.

Đáng kể nhất có lẽ là loạt kho của Tổng công ty Bách hóa với trên 5.000m2. Ở đây, theo điều tra riêng của chúng tôi thì việc sử dụng kho cho nhu cầu của công ty chỉ là việc phụ, cái chính là cho thuê, thậm chí nhiều trường hợp phải thuê lại qua trung gian vì khan hiếm kho. Và tất nhiên ai cũng hiểu đối tượng cho thuê lại kho chính là những đầu nậu có thế lực.

Điều này được thấy rất rõ nếu ai có nhu cầu gửi hàng hóa tại tổng kho Linh Trung và kho 11 Tăng Nhơn Phú thuộc địa bàn quận Thủ Đức. Nguyên hai kho này do các ngành trung ương tiếp quản và giao lại cho Công ty Hóa chất & vật liệu điện và Công ty Thiết bị phụ tùng trung ương, thế nhưng hiện nay mọi hoạt động thuê mướn chứa hàng ở đây đều phải qua một công ty TNHH có tên là Thành Phát.

Kho bãi biến thành nhà

Qua số liệu tổng kiểm kê kho, bãi theo chỉ thị 13 của UBND TP.HCM ngày 1-4-1993 thì quĩ đất được sử dụng cho kho bãi là 2.287.616m2, trong đó 652.479m2 kho và 1.208.138m2 sân bãi, còn lại là đất dùng cho giao thông nội bộ.

Đến năm 2000 Sở Địa chính - nhà đất (nay đã tách ra thành Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - môi trường) đã tiến hành rà soát, kiểm tra và kê khai bổ sung đất đai, trong đó diện tích đất sử dụng vào mục đích kho bãi trên địa bàn của 367 đơn vị là 3.101.373m2, tỉ lệ này theo đánh giá mới chỉ kê khai 93%.

Nếu tính nguyên giá trị tài sản cố định thì tổng giá trị kho bãi ước tính trên 519 tỉ đồng. Từ năm 1995 đến nay, ước tính trung bình mỗi năm kho bãi bị chiếm dụng 16.538m2 tại 24 điểm, ước tính thất thu do chiếm dụng khoảng 2,273 tỉ đồng, tổng cộng trong sáu năm từ 1995-2000 bị thất thu 13,638 tỉ đồng.

Cũng từ 1995-2000, TP đã chuyển giao 58 địa điểm kho bãi thành tài sản cố định cho các đơn vị đang hợp đồng thuê với diện tích 64.429m2 kho và 69.294m2 bãi. Doanh thu kho bãi trong khoảng thời gian này giảm 18 tỉ đồng do chuyển giao tài sản.

Ở khu vực đường Quốc Hương thuộc phường Thảo Điền, quận 2 (đường vào làng báo chí) nhiều căn nhà phố đang được xây dựng trên nền đất mà xung quanh còn lổn ngổn những loại vật tư, thiết bị công nghiệp như cần cẩu, ống thép...

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nền đất này rộng trên 4.000m2 là kho bãi của Công ty Vật tư phế liệu cũ, nay là Công ty Vật tư thép thiết bị công nghiệp. Sau khi con đường Quốc Hương được phóng mở rộng làm đường đi vào khu biệt thự An Phú, xẻ đôi kho bãi thành hai mặt tiền thì một bên khu kho bãi này đã được phân lô bán nền đất cho CB-CNV xây dựng nhà, một bên giữ lại làm nhà xưởng sản xuất. Đến nay đã có vài căn nhà xây dựng hoàn chỉnh, còn lại đã được phân lô kín hết khu đất.

Qua lời kể của một số người dân trong khu vực, lúc mới phân nền bán cho nội bộ giá chỉ chừng 700.000 - 800.000 đồng/m2, hiện nay hầu hết đều đã chuyển nhượng lại cho người khác, có trường hợp chuyển nhượng nhiều đời chủ.

Cũng theo người dân trong khu vực, hiện nay giá thị trường của những lô đất này lên đến khoảng 12 triệu đồng/m2. Những khoản chênh lệch giá khổng lồ này chắc chắn không bao giờ vào được ngân sách nhà nước, mặc dù đó là tài sản nhà nước.

Khu vực bãi 552 Xô Viết Nghệ Tĩnh thuộc quận Bình Thạnh nguyên của Xí nghiệp Lâm sản cũng tương tự như vậy, mảnh đất này còn được giao cho Công ty Quản lý phát triển nhà Bình Thạnh để lập dự án qui hoạch, dự án chưa xong nhưng những căn nhà lấn chiếm đã mọc lên.

Cũng thuộc phường Thảo Điền, quận 2, kho bãi số 20 Nguyễn Đăng Giai của Công ty Cấp nước đã bỏ trống nhiều năm không sử dụng, đất hoang cỏ mọc um tùm, còn nhà kho bằng tôn thì sét gỉ, hoang phế. Với diện tích khá lý tưởng: kho 192m2, bãi 1.746m2, chúng tôi tìm đến đặt yêu cầu muốn thuê, vị thủ kho bước ra cùng một đàn chó gần chục con, không thèm mở cổng, ông ta hỏi: “Có việc gì không?”. Chúng tôi chỉ mới hỏi thấy kho để trống lâu ngày, chưa kịp đặt vấn đề thuê ông ta đã trả lời: “Không cho thuê đâu, đừng hỏi nữa”. Chúng tôi năn nỉ: “Giải quyết đỡ vài tháng thôi có được không?”, ông ta gặng lên: “Công ty Cấp nước mà, thêm mấy chục triệu nữa đâu là cái gì, không cần”. Sau đó bỏ đi vào một nước.

Bán chỉ định nhà xưởng giá rẻ: Nhà nước thiệt - ai lợi?

Thể hiện trên hồ sơ chúng tôi có được, mặt bằng nhà xưởng 206 Lý Thường Kiệt (44,07m x 26,10m) do Công ty Vật tư xây dựng thuộc Tổng công ty Vật liệu xây dựng (VLXD) được Nhà nước giao quản lý sử dụng. Năm 2001, do làm ăn không hiệu quả, Tổng công ty VLXD đề nghị bán các nhà xưởng được giao quản lý (trong đó có nhà xưởng 206 Lý Thường Kiệt), lấy tiền làm vốn lưu động và đầu tư siêu thị VLXD.

Nhà xưởng này sau đó không bán đấu giá mà được phép bán chỉ định cho Công ty Dịch vụ công ích thanh niên xung phong. Một ngày sau khi mua lại nhà xưởng, Công ty Dịch vụ công ích đã phân nhà xưởng này thành 4-5 lô đất và tiếp tục bán lại (số tiền hưởng chênh lệch lên đến hơn 4 tỉ đồng).

Có ít nhất bốn nhà xưởng mà Tổng công ty VLXD được giao quản lý đã được bán như trên. Như tại địa chỉ 252 Lý Chính Thắng (Q.3), với diện tích hơn 1.300m2 nay đang được trổ thành nhiều cửa cho thuê buôn bán, số 90-92 ở mặt tiền đường Lê Thị Riêng (Q.1) rộng 132m2 đang bị bỏ không, số 261 Trần Quang Khải (Q.1) thì người mua lại đang xây nhà và kêu bán với giá 1.500 lượng vàng (chênh lệch so với giá mua gần 3 tỉ đồng).

Nếu như bảng giá đất theo quyết định 05 của UBND TP qui định từ lâu được xem là quá thấp so với giá thị trường thì có một nhà xưởng đã được định giá bán chỉ định thấp hơn cả giá của QĐ 05. Đó là nhà số 31-32 Trần Văn Kiểu (Q.5).

Năm 2001, giám đốc công ty là bà Đỗ Thị Viêng Thảo xin mua nhà, được UBND TP chấp thuận. Thay vì định đúng giá đất theo khảo sát của UBND quận 5 là 15 triệu đồng/m2, Hội đồng định giá và bán nhà xưởng thuộc sở hữu Nhà nước lại định chỉ có 11,5 triệu đồng/m2, khiến giá trị căn nhà bị giảm xuống tới hơn 1,4 tỉ đồng.

Thiệt hại của Nhà nước đã rõ, nhưng câu hỏi đặt ra: vì sao nhiều nhà xưởng được bán chỉ định với giá hào phóng như vậy?

_____________________________

Kỳ sau: Nguyên nhân và giải pháp?

(Nguồn: Viện Kinh tế TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên