05/09/2003 12:49 GMT+7

"Sốc" & vượt khó

NGUYỄN BAY - TRẦN HUỲNH - CÙ MAI CÔNG thực hiện<BR>
NGUYỄN BAY - TRẦN HUỲNH - CÙ MAI CÔNG thực hiện

TT (TP.HCM) - Hầu như không bạn trẻ nhận học bổng “Vượt khó - học giỏi” nào của Tuổi Trẻ lần này (Học bổng dành cho học sinh ngoại thành, vùng ven TP.HCM 2003 trong Chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần 162, tổng công ty địa ốc Sài Gòn tài trợ) lại không từng gặp phải những cú “sốc” trong quãng đời áo trắng tươi đẹp của mình. Đó là những khó khăn bất ngờ tưởng chừng không thể vượt qua...

Lê Văn Thân

K9OXeezu.jpgPhóng to
(Lớp 8/9 Trường THCS Bình Trị Đông, H.Bình Chánh, TP.HCM. HS giỏi liên tục ba năm nay, là lao động chính trong nhà. Cả gia đình đang trú trong một căn nhà tạm trên đất gò).

Năm 1998 gia đình tôi rời quê ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) vào Sài Gòn sinh sống. Dân tỉnh nên việc học của tôi rất khó khăn, cha mẹ phải cam kết con học tốt nhà trường mới dám nhận, nếu sau một tháng đầu học không lại bạn bè sẽ phải nghỉ. Trong khi đó cha bị đau cột sống, mẹ mắc bệnh tim.

Là con trai lớn tôi phải lo toan các việc nặng nhọc. Mỗi ngày tôi phải chở vài chuyến cám heo từ các quận nội thành về nhà; nhiều hôm đến lớp mệt tưởng không học nổi, phải chống đỡ những cơn buồn ngủ triền miên. Bạn bè còn ghẹo là “Thân chăn heo”. Mệt, buồn, đã nghĩ đến việc nghỉ học cho “khỏe”.

Học dở sẽ phải nghỉ học, chính điều đó đã khiến tôi phải quyết tâm học tốt. Nhà chật chội, mỗi lần học tôi leo tuốt lên cây gần nhà. Ít nhất cũng cho bạn bè… nể. Cuối cùng, tôi được trường nhận vào học chính thức, cuối năm còn được khen, thưởng tập. Tối ngủ, thấy đôi chút tự hào, “Thân chăn heo” này đâu phải chỉ chăn heo giỏi!

Hồ Thị Hồng Sương

cD5ZwLni.jpgPhóng to
Sau giờ học Sương phụ mẹ phân loại ve chai để đi bán
(Lớp 9 Trường THCS Linh Trung, Thủ Ðức. Học sinh giỏi năm học 2002-2003).

Nhà có năm anh chị em. Lúc tôi học lớp 2, ba đang làm việc kiếm sống bình thường bỗng dưng phát bệnh tâm thần, mẹ phải gánh vác mọi thứ.

Mỗi ngày mẹ phải đạp xe vài chục cây số để mua, lượm ve chai và làm đủ việc để lo cho cả nhà. Ba thì đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng bệnh càng trở nặng, có đêm mưa tầm tã bỏ đi lang thang làm cả nhà phải túa đi tìm suốt đêm…

Nhiều hôm không có tiền đóng học phí, hai mẹ con chỉ biết nhìn nhau khóc… Lúc ấy tôi chỉ muốn bỏ học, đi làm phụ giúp mẹ. Mẹ nghe vậy, khóc bảo: “Con học được nhất nhà, ráng học kẻo sau này khổ như mẹ”.

Tôi nghe mẹ, ngồi lại bàn học. Lúc ấy, thật may mắn khi xung quanh tôi còn là thầy cô, bạn bè trong lớp biết hoàn cảnh nên người cho sách, người cho tập; có đứa bạn còn về nói ba mẹ mình giúp tôi khoản học phí… Và như thế, tôi hiểu là mình càng phải cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng những người thân yêu xung quanh mình…

Nguyễn Thanh Phong

cOteO38n.jpgPhóng to
(Lớp 12B10 Trường PT cấp II-III Ngô Quyền, Q.7. Học sinh khá năm học 2002-2003. Đang sống tại Trường nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa).

Từ nhỏ tôi thường phải đi mót lúa về xay gạo để nấu cơm, nhưng ngày ba mất do bệnh gan mới là ngày gia đình suy sụp hoàn toàn. Năm đó tôi đang học lớp 5. Ba mất, mẹ lại phát bệnh tim, không còn sức nuôi nổi bốn đứa con.

Trước đó mẹ đã phải vay nợ tứ tung để chữa bệnh cho ba, giờ nợ thêm chồng chất. Một năm sau, mẹ đành phải bấm bụng vay mượn tiền đón xe đưa tôi lên gửi nuôi ở Trường nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa…

Những đêm đầu tiên vào trường, nhớ mẹ, nhớ em, tôi không sao ngủ được, chỉ biết gục đầu vào gối khóc. Khóc mà không để ai biết, khóc mà vẫn cứ nhớ đến những dòng chữ trong di chúc ba để lại: “Không được đau buồn mà phải gắng học để giúp mẹ, giúp em”.

Vậy mà tôi chỉ học ở mức trung bình, những lần về thăm nhà, nhìn cảnh mẹ và em út ăn cơm với muối ớt, tôi lại cảm thấy mình đã phụ ơn cha mẹ... Nhờ vậy đến nay tôi đã có kết quả học tập khá. Nhưng tôi nghĩ mình còn phải cố gắng hơn.

NGUYỄN BAY - TRẦN HUỲNH - CÙ MAI CÔNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên