Tiếp sức sự học đất Củ Chi: Thầy trò cùng vượt khó

CÙ MAI CÔNG 07/09/2003 20:09 GMT+7

TTCN - Xa trung tâm TP.HCM hơn 50km về hướng tây bắc, chỉ thêm một chặng ngắn nữa thôi là tới Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), ngôi trường THPT Quang Trung nằm khuất sau những tàng cây râm mát giữa cái nắng cháy da của đất Củ Chi. Đã quá trưa, nhưng phía sau vẻ im ắng của các phòng học lại là một không khí tất bật chuẩn bị năm học mới 2003-2004...

Lớp trưởng lớp 11A7 Ngọc Dung (thứ hai, từ trái) và bạn bè cùng lớp chuẩn bị năm học mới

Giữa sân trường đầy nắng, giữa khoảng lặng của hai đợt công việc của lớp, đôi mắt của Ngọc Dung chợt đỏ hoe khi tôi hỏi đến chuyện học hành, gia đình. Khó ai có thể hình dung hết những nỗi lo toan thường ngày đang trĩu nặng lên đôi vai cô nữ sinh là lớp trưởng lớp 11A7 này. 

Ba Ngọc Dung mất khi đang điều khiển xe trâu, lúc cô đang học lớp 2. Mẹ Ngọc Dung  phụ việc nhà cho người ta ở Hóc Môn. Ở nhà ba chị em vốn đang tuổi học đã phải tự nuôi sống nhau bằng việc đan giỏ mỗi ngày. 

Mẹ Ngọc Dung cuối tuần về thăm, dúi cho các con mỗi đứa năm mười ngàn. Mẹ ứa nước mắt động viên: “Ráng học cho giỏi...”. Bà ngoại tuổi đã hơn 70, ngồi đan giỏ phụ với cháu, rủ rỉ: “Đừng để thất học như ngoại, như mẹ thời trước...”. 

Ngọc Dung đêm đêm vắt tay lên trán trăn trở: “Mình học vẫn còn chưa giỏi...”. Năm học rồi điểm trung bình các môn của Dung chỉ thiếu 0,2 điểm là đạt HS giỏi.

Nỗi lo từ đầu năm học

Chuyện của cô lớp trưởng hiền lành ấy không phải hiếm ở lớp 11A7 và nhiều lớp học khác ở ngôi trường xa nhất TP này. Qua kết quả khảo sát đầu năm học ở các lớp nơi đây, sau giờ học đến hơn 90% HS đều phải bươn chải mưu sinh cùng gia đình. 

Thầy Nguyễn Văn Cải, một giáo viên chủ nhiệm trẻ tốt nghiệp đại học về trường hơn một năm nay, chìa cho chúng tôi xem bản khảo sát công việc sau giờ học của học trò lớp mình, nói: “Chỉ một hai em trong lớp là để trống phần “ngoài giờ học làm gì?”, còn toàn bộ đều ghi đủ “nghề”: đan giỏ, tráng bánh, làm ruộng, mò cua bắt ốc... Học trò đất nghèo mà!”.

Những “học trò đất nghèo” của Củ Chi còn chưa đủ tiền thuê (chứ không phải mua) sách giáo khoa cho mỗi năm học. Hàng trăm em được nhà trường cho mượn sách giáo khoa. Ít nhất gần 300 HS (1/4 HS trong trường) thuộc gia đình mà địa phương không ngần ngại xếp vào loại “hộ xóa đói giảm nghèo”. 

Vậy mà xế chiều hôm ấy, rồi chiều hôm trước nữa, nhiều HS vẫn cứ nán lại trường phụ thầy cô cắt dán lịch học, lịch dạy; cắt băngrôn cho ngày khai trường. Có bạn bỏ cả cơm trưa vì “nhịn quen rồi”. Một bạn khác khoe: “Má bảo hôm nay khỏi phụ nhà ra ruộng, cứ tập trung lo chuyện trường lớp, chuyện học hành...”.

Thầy Lê Đình Hoe (trái), thầy Nguyễn Văn Cải (phải) và người học trò nghèo  học giỏi Đoàn Văn Hận

Cho một mơ ước: được học và học được!    

Hai bạn Thanh Vân, Hoàng Sinh, là HS lớp 12A1, năm học vừa qua đồng thời với niềm vui vừa đậu ĐH hai bạn lại đang hối hả đi phụ hồ, cầm cọc tiêu để xoay xở chút tiền bước vào giảng đường.

Tin Đoàn Văn Hận, lớp 12A3 được nhận học bổng “HS vượt khó - học giỏi” của báo Tuổi Trẻ, cả giáo viên lẫn HS của trường mừng như chính mình nhận được niềm vui ấy. 

Một giáo viên tâm sự: “Vậy là thầy trò chúng tôi bớt đi một chút lo...”. Thầy hiệu trưởng Lê Đình Hoe, thầy Nguyễn Văn Cải bỏ cả bữa cơm trưa vội vã đến nhà báo tin vui và dặn dò cậu học sinh mới của trường. Như nhiều HS khác, nhà Hận nghèo. Căn nhà của em đã dột nát đến không còn có thể ở được, đã phải vay quĩ “xóa đói giảm nghèo” để dựng lại. 

Hai người thầy lại vội vã quay ra lo cho những đứa học trò nghèo khác. Ngày khai giảng nơi ngôi trường này là cả một nỗi lo: liệu có HS nào khó khăn phải bỏ học? Đến tận chiều hôm ấy, trong khi cô hiệu phó chuyên môn Võ Thị Cấn miệt mài một mình trong góc phòng xếp lịch cho năm học mới thì thầy hiệu trưởng liên tục ký những lá thư khẩn thiết gửi đến những đơn vị hảo tâm khắp nơi xin trợ sức cho học trò mình ngay từ đầu năm học. 

Không ít lần thầy trò cùng chở nhau đội nắng mưa đi về hàng trăm cây số để “săn tìm” những suất học bổng chỉ 100.000-200.000 đồng/năm học cho những học trò nghèo. Nghèo nhưng vẫn cứ khát khao tiếp tục đến trường, đến lớp học lấy cái chữ cho mình, gia đình mình, cho quê nghèo của mình. 

Hội khuyến học trong trường học đầu tiên của Hội Khuyến học TP.HCM đã ra đời ở đây, mà chủ tịch, phó chủ tịch vốn là những thầy cô trong ban giám hiệu. Một phó chủ tịch khác - thầy Nguyễn Văn Cải - vốn năm năm trước cũng là một gương mặt HS nghèo vượt khó - học giỏi, nhận học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ.

Năm rồi, 153 học trò giỏi được tặng học bổng từ nguồn tiền xoay xở khắp nơi. Hàng trăm HS trung bình, yếu được thường xuyên theo học thêm các lớp. Và quan trọng hơn, để phụ đạo miễn phí mà thầy trò nơi đây nói đùa với nhau: những lớp “thoát nghèo” kiến thức.

Phải chăng nhờ  vậy mà ngôi trường nghèo ấy năm nay bước vào năm học mới với gần 95% HS thuộc 14 lớp cuối cấp của trường tốt nghiệp THPT với một hiệu suất đào tạo (hiệu suất giữa số HS vào lớp 10 với số HS tốt nghiệp THPT) cao thuộc hàng nhất nhì khu vực ngoại thành.

Mơ ước của thầy trò đơn giản thôi, nhưng cháy bỏng như khao khát của Ngọc Dung: “Ngoại bảo mình: nghèo thì ngoại nhịn cho con học, “may” thì vào ĐH”. Còn không thì... “xung quanh trường, quanh xã Phước Thạnh của huyện Củ Chi này nhà máy công ty, khu chế xuất mọc lên mỗi ngày, có muốn vào làm cũng phải xong phổ thông người ta mới nhận...”. Thầy hiệu trưởng Lê Đình Hoe tâm sự như một khẳng định, nhưng nghe khác gì một tâm tư...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận