06/09/2003 10:13 GMT+7

Lãng phí đất công: Nguyên nhân và giải pháp chấn chỉnh

ĐOAN TRANG - HUY GIANG thực hiện
ĐOAN TRANG - HUY GIANG thực hiện

TT (TP.HCM) - Trong các số báo trước chúng tôi đã đề cập đến tình trạng lãng phí, thất thoát kho bãi, nhà xưởng, đất đai công sản. Những tài sản thật quí giá này đã bị đối xử một cách hoang phí, bị xà xẻo hoặc xem như những “chùm khế ngọt” dễ hái mỗi ngày. Đâu là nguyên nhân của hiện trạng này và giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.

TamcQ7gU.jpgPhóng to
Nhà xưởng 90-92 Lê Thị Riêng đang bỏ trống.

Ngay sau khi bài báo “Nhà, đất công được đối xử như thế nào?” được đăng, hàng loạt cuộc điện thoại của bạn đọc gọi về tòa soạn Tuổi Trẻ để cung cấp thêm nhiều địa chỉ tài sản công đã và đang có vấn đề thất thoát, lãng phí. Các bạn đọc này đòi hỏi có ngay các giải pháp chấn chỉnh. Chúng tôi đã thực hiện các cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Ái - trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM và ông Trần Thế Ngọc - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP, nhằm phân tích và tìm ra các giải pháp.

Ông Phạm Xuân Ái (trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM):"Còn kẽ hở trong quản lý, đất công còn thất thoát"

9TvlD7yk.jpgPhóng to
Ông Phạm Xuân Ái - trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM.
- Tôi hoan nghênh báo Tuổi Trẻ đã đặt ra vấn đề này rất đúng lúc. Đây là vấn đề người dân rất bức xúc, chúng tôi cũng băn khoăn. Thực tế trong các qui định về quản lý đất đai hiện nay có sơ hở, khiến một số người đã lợi dụng để chiếm đoạt hay biến nhà, đất công thành quyền sử dụng của tư nhân.

Chúng ta quan niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có qui định nhiều loại đất, nhưng vẫn có một loại đất không biết do ai làm chủ. Đơn cử: đất lấn chiếm sông, rạch.

Ở Gò Vấp, người ta lấp rạch Cụt hơn 5.000m2, lấp sông Vàm Thuật thành một khu đất mới toanh hơn 10.000m2. Đất này được hợp thức hóa quyền sử dụng tư nhân, rồi được bán qua bán lại. Chỉ tính 10.000m2 đất lấn sông Vàm Thuật bán với giá 6 triệu đồng/m2, người ta thu lợi 60 tỉ đồng. Đúng ra chính quyền phải là người quản lý đất này và sử dụng nó vào mục đích công ích như là công viên, dải cây xanh bảo vệ môi trường... Đất công cứ bị gặm nhấm từ từ. Không ai biết, cũng chẳng ai nói. Điều này rất nguy hiểm.

* Ông nói nhiều đến đất lấn chiếm bất hợp pháp, nhưng có loại đất đã được xác lập sở hữu nhà nước rất hợp pháp (đất công ích, kho bãi, nhà xưởng...) cũng đang bị gặm nhấm. Vì sao vậy?

- Chúng tôi rất bức xúc chuyện này. Tôi nêu ví dụ hết sức cụ thể tại phần đất thuộc địa phận quận Tân Bình, Gò Vấp... là khu vực vành đai sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đây, chính quyền chế độ cũ qui định trưng thu, tuyệt đối cấm xây dựng để bảo đảm an toàn đường bay. Nhưng sau giải phóng, người dân đến đây lấn chiếm, xây nhà ở hết sức bình thường. Nếu ta quản lý tốt thì phần đất công này vẫn còn nguyên đó.

Còn đất kho bãi, nhà xưởng thì sử dụng lãng phí, cho thuê tùy tiện, dẫn đến mất dần đi. Tài sản đó Nhà nước không lấy lại được, mà cũng chỉ do khâu quản lý, nên nguồn lợi thu được lẽ ra vào ngân sách TP, nay lọt vào tư túi.

Việc hàng ngàn mét vuông đất là tài sản công được chia chác cho từng bộ phận chắc chắn là có. Cứ thử soát xét lại tài sản công giao cho Sở Thương mại (làm cửa hàng lương thực, hợp tác xã...), Sở Công nghiệp (làm nhà xưởng, văn phòng...), xem bây giờ còn được bao nhiêu, hay là đã bị tư nhân hóa từ bao giờ rồi?

* Bằng cách nào để chấm dứt tình trạng thất thoát, gây lãng phí một nguồn lực rất lớn này, thưa ông?

- Theo tôi, cần thiết phải tách quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh. Nghĩa là, giám đốc sở thì không được quản lý các công ty kinh doanh. Ngoài ra, các ngành có liên quan phải rà soát, thống kê, kiểm kê lại toàn bộ tài sản của Nhà nước, sau đó giao cho một đơn vị quản lý và tìm cách phát huy tác dụng.

Theo tôi, Nhà nước nên có đợt thông báo rộng rãi: ai đang sử dụng tài sản nào về nhà đất không phải của mình làm chủ, hoặc biết người nào đó đang sử dụng tài sản công thì báo cáo cho Nhà nước. Anh không báo có nghĩa là anh ăn cắp tài sản công, khi bị phát hiện sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Ông Trần Thế Ngọc (giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM): Cần rà soát toàn bộ, qui hoạch và tập trung đầu mối quản lý

rQ7sFIYf.jpgPhóng to
Ông Trần Thế Ngọc - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM
Kho bãi nói riêng và nhà đất công sản nói chung là tài sản rất quí giá, đó chính là nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, tôi đề nghị cần có khảo sát, nắm lại toàn bộ nguồn nhà đất công sản, kết hợp thực hiện quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ trong rà soát trụ sở, nhà xưởng của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Các đơn vị phải lập qui hoạch, kế hoạch sử dụng tài sản này, cái nào di dời, cái nào để lại để đầu tư phát triển. Tôi cho rằng cần thống nhất tập trung một đầu mối phê duyệt qui hoạch là cấp TP để tránh tình trạng chồng chéo với các bộ, ngành trung ương.

Sau khi rà soát, lập qui hoạch xong phải tập trung một đầu mối quản lý dưới hình thức một đơn vị chuyên doanh khai thác, xây dựng một mạng lưới cho thuê hoặc khoán kinh doanh, tất cả đều dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Còn những kho bãi không phù hợp qui hoạch nên chuyển cho Trung tâm Đấu giá TP để bán đấu giá dùng vào mục đích khác, cải tạo đô thị hoặc công trình công cộng.

Ngoài ra, cần qui hoạch hệ thống kho mới ở những khu công nghiệp tập trung, ở vùng ven, thuận tiện giao thông. Ở đây không xây dựng kho lẻ vì sẽ manh mún, không kiểm soát được vệ sinh môi trường; phải tập trung thành những cụm kho, đảm bảo xây dựng hợp lý, hiện đại. Có như vậy việc quản lý mới thật chặt chẽ, không thất thoát, lãng phí, tạo điều kiện tốt cho lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội.

ĐOAN TRANG - HUY GIANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên