24/11/2014 11:42 GMT+7

“Phải lòng” gạo nếp chân đèo Khau Phạ

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
NGUYỄN THẾ LƯỢNG

TTO - Có người chẳng biết Tú Lệ ở đâu nhưng lại biết gạo nếp Tú Lệ, ăn một lần mà nhớ mãi. Thậm chí “phải lòng” thứ gạo nếp chỉ có ở nơi sơn cùng thủy tận dưới chân đèo Khau Phạ này.

Đặc sản xôi nếp chỉ có ở Tú Lệ xa xôi - Ảnh: N.T.Lượng

Gạo nếp Tú Lệ là sản phẩm nông nghiệp của đồng bào Thái từ bao đời nay, là tinh túy của những thửa ruộng bậc thang đẹp như những bức họa kỳ diệu dưới chân ba ngọn núi cao sừng sững là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song.

Nhắc đến xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn, Yên Bái), ai cũng nhớ đến đặc sản gạo nếp Tú Lệ thơm ngon nhất vùng Tây Bắc.

Nghe qua tưởng chỉ là lời đồn nhưng khi đặt chân đến vùng đất xa xôi mà hấp dẫn này mới biết đây quả là đặc sản có một không hai của đồng bào Thái dưới chân đèo Khau Phạ cao sừng sững.

Gạo nếp ở đâu chẳng có, nhưng nếp Tú Lệ ngon từ giống lúa đến những vạt lúa nơi sườn núi và ở sự dẻo thơm của xôi. Đồng bào Thái ở đây kể rằng, nếp Tú Lệ được kết tinh bởi tinh hoa của trời mây non nước và lòng người xứ sở.

Vì thế, khi cây lúa nếp được bàn tay đồng báo Thái gieo cấy xuống ruộng bậc thang thì nó đã được phả vào tiết trời lạnh se sắt từ ngọn của ba đỉnh núi rồi những đám mây mang hơi nước sà xuống những vạt lúa vào mỗi buổi chiều làm cho không gian lúc nào cũng ẩm lạnh, giúp cây lúa phát triển.

Hơn nữa, dòng suối mát lành từ trên đỉnh núi chảy uốn lượn quanh những thửa ruộng mang nước trong vắt tưới cho cây lúa.

Đặc biệt hơn cả, hạt nếp Tú Lệ còn chất chứa tình yêu của con người nơi đây, đó là sự gìn giữ giống lúa quý, tự tay mình chăm sóc những cây lúa ngay từ khi mới gieo trồng để cho những mùa vàng bội thu.

Ruộng bậc thang Tú Lệ nơi cho sản phẩm nếp thơm đặc sản - Ảnh: N.T.Lượng
Hạt nếp Tú Lệ trắng trong tròn đều - Ảnh: N.T.Lượng
Cốm nếp Tú Lệ xanh giữa mùa thu - Ảnh: N.T.Lượng 
Giống nếp cẩm  thơm ngon - Ảnh: N.T.Lượng

Sau mùa gặt tháng 8, tiết trời mùa thu hanh hao trong sắc vàng của nắng, Tú Lệ thơm lựng hương nếp. Đầu mùa gặt, người Thái rủ nhau ra bờ suối, ngắt những chùm lúa nếp còn căng mọng sữa về giã cốm, làm thành những hạt cốm xanh ngắt mà dẻo thơm.

Vào phiên chợ ở Tú Lệ, những sơn nữ Thái đeo sau lưng mình những gùi đựng đầy những gói cốm trong lá rong xanh ngắt, hương cốm thơm nức cả chợ phiên.

Hạt nếp Tú Lệ có những điểm khác so với nếp ở nhiều vùng. Hạt tròn mẩy, trắng trong chứ không dài và đục như nếp thường. Người Thái ở đây vẫn kể cái trắng trong ấy tựa như tấm lòng của những con người làm nên những hạt nếp.

Chẳng thế mà nếp Tú Lệ dù đi đâu, về đâu cũng chẳng thể lẫn với giống nếp nào khác. Con người nơi đây yêu cây lúa nếp đến lạ. Họ cấy lúa nếp và có gia đình ăn gạo nếp quanh năm chứ không ăn gạo tẻ.

Đồng bào Thái bày bán gạo Tú Lệ ngay tại nhà mình - Ảnh: N.T.Lượng

Đồng bào Thái chăm chút từng hạt nếp - Ảnh: N.T.Lượng

Sau mùa gặt, Tú Lệ có một đặc sản xôi nếp dẻo thơm làm hấp dẫn lòng người. Ai được thưởng thức dù một lần có lẽ sẽ “phải lòng” cái giống gạo núi này.

Muốn có những mẻ xôi ngon như ý, đồng bào Thái đục thân cây gỗ hoặc cây cọ thành những chõ xôi có hình trụ, rỗng ở giữa. Phải đồ xôi vào chõ gỗ thì xôi mới róc, không bị mất mùi thơm. 

Xôi nếp Tú Lệ khá đặc biệt, khi đồ xong, dùng tay nắm thành những nắm xôi nhỏ mà hạt gạo không hề quyện nhựa và dính tay như một số giống nếp khác.

Nhưng kỳ ạ cho cái giống nếp này vì nhìn bề ngoài có vẻ như khô, rời mà nếm thử thấy mềm, dẻo và hấp dẫn. Xôi ngon là ngon ở gạo, tinh tế trong cách chế biến. 

Người Thái ở Tú Lệ trước khi đồ xôi thường ngâm gạo chừng 2-3 giờ với nước ấm rồi dùng nước suối nguồn trong vắt từ trên núi dẫn về để nấu xôi.

Những bà mẹ người Thái với kinh nghiệm đồ xôi từ bao đời nay đã gửi trọn tình yêu xứ sở, lòng mến khách vào những trõ xôi dẻo thơm và quyến rũ lòng người.

Đồng bào Thái nơi đây khi đơm xôi không dùng khuôn mà đơm tự nhiên làm đĩa xôi giống như bông hoa rừng đang trào dâng hương sắc.

Nồi đồ xôi được làm từ gỗ - Ảnh: N.T.Lượng
Những mẻ xôi nếp dẻo thơm - Ảnh: N.T.Lượng
Đĩa xôi nếp Tú Lệ như đóa hoa đang nở - Ảnh: N.T.Lượng

Những ngày thu se se lạnh, chiều chiều mây mù sà xuống thung lũng Tú Lệ làm cho không gian trở nên huyền ảo đến hoang hoải. Phảng phất đâu đây hương nếp thơm làm cho không gian trở nên ấm nồng. 

Giữa tiết trời ấy, cảnh ấy, trên nhà sàn mà thưởng thức xôi nếp với chả nướng giòn hoặc chấm với vừng thơm thì còn gì sánh bằng.

 

 

 

 

           

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên