11/01/2017 08:54 GMT+7

Tôn thêm vẻ đẹp của sông Hàn để khai thác du lịch

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

TTO - Tại buổi tọa đàm “Giải pháp quy hoạch cảnh quan sông Hàn” diễn ra ở Đà Nẵng sáng 10-1, nhiều chuyên gia cho rằng cần quy hoạch lại cảnh quan, kiến trúc hai bờ sông Hàn để tạo điểm nhấn khai thác tiềm năng du lịch của con sông xinh đẹp này.

Sông Hàn về đêm - Ảnh tư liệu TT


Phát biểu tại buổi tọa đàm, do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland, ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng con sông Hàn chạy giữa lòng TP là tài sản thiên nhiên vô giá của Đà Nẵng, việc quy hoạch để phát triển hiện đại là mong mỏi chung của mọi người. Những ý tưởng hữu ích để quy hoạch sông Hàn đẹp lên và sống động từ cuộc tọa đàm sẽ là kênh đóng góp ý kiến với chính quyền TP.

 

Nhiều công trình cao tầng mọc lên ngay sát đường Bạch Đằng, bờ tây sông Hàn gây nên hình ảnh bức bách, chật chội không gian đô thị - Ảnh: V.HÙNG
Nhiều công trình cao tầng mọc lên ngay sát đường Bạch Đằng, bờ tây sông Hàn gây nên hình ảnh bức bách, chật chội không gian đô thị - Ảnh: V.HÙNG

Hạn chế “băm nhỏ” bờ sông Hàn

KTS Hoàng Quang Huy, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng TP Đà Nẵng cần rà soát lại toàn bộ hiện trạng sông Hàn để “bắt đúng bệnh mà bốc được thuốc chữa”. Những dự án dọc sông Hàn chậm triển khai phải được thu hồi nếu không phù hợp, dành đất để quy hoạch lại những khu công cộng, cảnh quan, mảng xanh. Đặc biệt, cần có quy định chặt chẽ mật độ xây dựng, hạn chế triệt để tầng cao các công trình ven sông để tạo tầm nhìn cho không gian sông Hàn.

“Tôi tha thiết khuyến nghị lãnh đạo TP hạn chế phân lô bán nền các khu đất lớn còn lại ven sông Hàn để có điều kiện cải tạo cảnh quan hai bên sông” - ông Huy nói. Cùng quan điểm đó, ông Bùi Huy Trí, trưởng Phòng quản lý quy hoạch đô thị (Sở Xây dựng TP Đà Nẵng), khẳng định hiện có quá nhiều dự án chiếm đất dọc hai bên sông Hàn, rồi phân lô nhỏ làm cho không gian bức bách, bó hẹp. Nhưng việc thu hồi đất dự án là bất khả thi. Do đó, cần giữ đất những khu vực chưa có dự án, tránh băm nát quy hoạch hai bờ sông theo kiểu phân lô.

Ông Tô Văn Hùng, trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cũng thừa nhận thay vì để những khu đất lớn để làm dự án hoặc các công trình, những khu đất thuộc bờ đông sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo) lại được đem chia lô, gây tình trạng xấu xí cảnh quan sông Hàn. “Cần phải thay đổi và có sự quyết tâm để quy hoạch lại cảnh quan sông Hàn, tránh tự phát, manh mún trong xây dựng, sử dụng đất” - ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quang Vinh, phó giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo TP hiện khắt khe hơn khi thông qua các đồ án quy hoạch, hạn chế tối đa và thấp nhất tình trạng phân lô bán nền. Theo ông Vinh, với các dự án ven sông Hàn (đoạn từ Ngũ Hành Sơn trở vào), TP Đà Nẵng cương quyết yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch, không cho phân lô đất nhỏ, không cho phép tách thửa đất để giữ lại những khu đất rộng lớn.

Đường Bạch Đằng, phía bờ tây sông Hàn, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng lý tưởng cho người dân - Ảnh: Đăng Nam

 

Cần điểm nhấn để phát triển du lịch

Ông Tô Văn Hùng cho rằng việc khai thác sông Hàn phục vụ du lịch đến nay vẫn chưa xứng tầm, cần có cách tiếp cận khác. Đó là khai thác sông Hàn gắn với lịch sử, không gian, sinh thái và kết nối với sông Cổ Cò, Túy Loan để phát triển du lịch, cảnh quan đường sông. Đồng quan điểm, ông Trần Chí Cường - phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho rằng việc quy hoạch sông Hàn không chỉ tập trung hai bên bờ sông mà còn tính tới khớp nối không gian ven biển, tạo không gian đủ rộng để khai thác các hoạt động dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, theo ông Cường, phải phát triển tuyến du lịch sông Hàn, trải dài qua các địa danh nổi tiếng như khu du lịch quốc gia Sơn Trà, kết nối với các điểm du lịch ven sông như Ngũ Hành Sơn, đình Túy Loan, đô thị cổ Hội An... Đặc biệt, phải kết hợp phát triển du lịch cả dưới nước lẫn trên bờ nhưng không đặt nặng số lượng khách, tránh gây sức ép lên dòng sông Hàn.

Du khách dạo chơi dọc đường Bạch Đằng bên sông Hàn - Ảnh: Tấn Lực

 

“Thay vào đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng điểm đến, có sự tính toán đối tượng khách và phân khúc khách hàng cao hơn để đảm bảo phát triển bền vững” - ông Cường nói. Theo ông Bùi Văn Tiếng - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, sông Hàn có tính lịch sử, văn hóa nên phải có danh phận mới để thúc đẩy phát triển du lịch trên cơ sở kết hợp với tính văn hóa.

Chẳng hạn, phải có nhiều hoạt động nghệ thuật hai bờ sông Hàn để phục vụ công cộng chứ không để những công trình cao tầng chiếm đoạt không gian, tầm nhìn, không khí của cộng đồng. Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Kiên - giám đốc phát triển dự án Đất xanh miền Trung, cần tạo ra những điểm đến dọc hai bờ sông Hàn để du khách đến Đà Nẵng có thể thưởng ngoạn khi tham gia các tour du lịch trên con sông xinh đẹp này.

Bờ tây sông Hàn tráng lệ - Ảnh: Tấn Lực

 

Theo ông Rye Seung Joon - tổng giám đốc Công ty Nova Đà Nẵng, sông Hàn chạy giữa lòng đô thị Đà Nẵng có giá trị rất lớn trong phát triển đô thị và du lịch của Đà Nẵng. Từ tháng 10-2016, Tập đoàn Novaland chính thức tham gia thị trường bất động sản tại Đà Nẵng để phát triển và giới thiệu nhiều dòng sản phẩm như khu đô thị, khu compound biệt thự và nhà phố, condotel, khu nghỉ dưỡng cao cấp...

Tập đoàn này cũng đang tiến hành thương lượng, hợp tác với đối tác để phát triển một dự án nghỉ dưỡng có vị trí ngay cửa sông Hàn. Khi hoàn thành, dự án này sẽ là điểm nhấn của Đà Nẵng vì nó đủ điều kiện về quy mô, độ hoàn mỹ đạt chuẩn quốc tế, chắc chắn sẽ góp phần làm tăng giá trị của TP Đà Nẵng và thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế.

Cá chép hóa rồng bằng đá cẩm thạch nặng 200 tấn bên bờ sông Hàn - Ảnh: Tấn Lực
VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên