04/09/2016 09:36 GMT+7

Ngỡ ngàng Myanmar

NGUYỄN PHI VÂN
NGUYỄN PHI VÂN

TTO - Tôi đến Yangon, Myanmar trong một buổi sáng bình yên. Xuống máy bay, đi thẳng ra cửa hải quan, cô hải quan cửa khẩu cười chào rồi làm thủ tục nhập cảnh nhanh không ngờ: 10g20 đáp, 10g30 đã ra khỏi sân bay. Ngỡ ngàng!

Cô bán vải ở chợ Bogyoke với xấp hình bà Aung San Suu Kyi - Ảnh: NGÔ PHƯƠNG THẢO
Cô bán vải ở chợ Bogyoke với xấp hình bà Aung San Suu Kyi - Ảnh: NGÔ PHƯƠNG THẢO
“Dân chủ, đổi mới, hi vọng, tương lai. Phải chăng đây là sợi dây kết nối tất cả những đổi thay mà tôi đang chứng kiến?

Nghĩ lại thấy sững sờ vì tôi mới đến Yangon làm việc hồi tháng 6-2015. Khi đó còn phải qua hai cửa mới đến hải quan. Đến hải quan rồi thì chờ mỏi cổ. Lần này sao dễ và nhanh quá. Có một sự thay đổi thật là ngoạn mục.

Khát khao vươn lên

Lên xe về khách sạn, xe phóng ào ào trên đại lộ dẫn về trung tâm. Đường sá dạo này sạch sẽ quá. Lần trước qua còn bị ám ảnh về những con đường rác rưởi đổ tràn lan trên mặt đường. Biết là có sự thay đổi diệu kỳ, nhưng tôi vẫn chưa tưởng tượng được hết mức độ của sự thay đổi.

Sáng hôm sau, Patarachet - người chịu trách nhiệm tổ chức hội chợ, hội nghị nhượng quyền và các cơ hội kinh doanh dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Myanmar - đưa xe đến đón tôi. Đây là lần tổ chức thứ 2 tại Myanmar và họ mời tôi đến diễn thuyết về đề tài thử thách và giải pháp cho ngành nhượng quyền Myanmar.

Trên đường đi, Patarachet huyên thuyên về sự có mặt của bộ trưởng kinh tế vào ngày khai mạc. “Nhà nước rất quan tâm đến việc xúc tiến, đẩy mạnh kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Anh nhắc đi nhắc lại suốt cả đoạn đường. Một thoáng rạng rỡ của tương lai trên gương mặt người giám đốc trẻ.

Đến nơi mọi người ngồi đầy cả khán phòng. Những gương mặt háo hức đợi chờ. Họ ngồi nghe chăm chú, ghi chép ào ào. Họ đặt câu hỏi. Họ tương tác. Họ gặp riêng diễn giả để được tư vấn thêm về những dự định của tương lai. Người trẻ nói tiếng Anh rất sõi. Còn người đứng tuổi thì dở hơn nhưng vẫn cứ hỏi tới tới không chút thẹn thùng.

Nhìn vào mắt họ, nhìn vào sự chăm chú của họ, tôi thấy một sự khao khát vươn lên. Ở đây, trong giờ phút này, những doanh nhân Myanmar đang ôm chầm lấy tương lai và không ngừng lao về phía trước. Mỗi gương mặt sáng bừng hai chữ “tương lai”.

Chuyện cô bán vải

Diễn thuyết và tham quan hội chợ xong, tôi lang thang ra chợ Bogyoke là một trong những chợ tấp nập nhất ở Yangon để xem người dân địa phương buôn bán. Biển người tấp nập, năng lượng tuôn trào, nhưng đâu đó vẫn thoáng nét bình yên. Lòng vòng trong chợ, bỗng nhiên nhìn thấy một dãy hình bà Aung San Suu Kyi ở một sạp vải, và chợt nhớ đến cuộc bầu cử ngoạn mục tháng 11-2015 với sự toàn thắng của Đảng đối lập Liên minh quốc gia vì dân chủ của bà.

Bước đến chụp tấm hình sạp vải trưng hình bà Suu Kyi, cô bán vải thấy thế cười toe, ngoắt ngoắt rồi bỗng dưng móc trong túi nilông ra tấm hình bà Suu Kyi mặc quốc phục, quàng chiếc khăn màu đỏ tía, đưa cho tôi. Tôi cười hỏi em có thích bà này không?

Cô bán hàng cười, gật đầu lia lịa rồi nói “em tặng chị”. Tôi sững lại. Sững lại vì sự mộc mạc, chân tình mong muốn kết nối cùng thế giới. Sững lại vì nhận ra sự đồng lòng trên dưới của mọi người dân trên đất nước này. Khi cả cộng đồng cùng chia sẻ một tầm nhìn, khi chuyển động của mọi nguồn năng lượng cùng đi về phía trước, sự tiến bộ và phát triển là tất yếu.

Tôi lơ mơ đi về khách sạn. Hình ảnh cô bán vải đưa tấm hình bà Suu Kyi cứ đeo bám mãi không thôi. Về đến nơi, vừa mở hộp thư ra đã thấy thư của vài doanh nhân Myanmar vừa gặp tại hội thảo buổi sáng cảm ơn và tương tác.

Và có một đoạn thế này của một doanh nhân trẻ tên là Hsu Myat Wai Phyo: “Em đã yêu cầu ban tổ chức phải đăng tải bài nói chuyện của chị lên website hiệp hội. Đây là những thông tin hết sức quý báu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Myanmar, cần phải chia sẻ để giúp được nhiều người”.

Lại sững người lần nữa! Trước giờ người nghe gửi thư tương tác thường là để xin thông tin, dữ liệu cho riêng mình. Đằng này, cậu lại nhắc đến sự chia sẻ để mang đến lợi ích cho nhiều doanh nghiệp khác! Năng lượng chung, khát khao chung và sự đồng hành hướng về một tương lai tốt đẹp...

Thị trường của tương lai

Myanmar được Euromonitor mệnh danh là một trong những thị trường của tương lai (markets of the future) cùng với Campuchia, Lào, Bangladesh và Sri Lanka. Là thị trường có dân số 53 triệu dân, xấp xỉ với Thái Lan, Myanmar dĩ nhiên là một trong những thị trường tiêu dùng tiềm năng tại Đông Nam Á.

Nếu so sánh thì chi tiêu đầu người tại Myanmar năm 2014 là 673 USD/năm. Việt Nam là 1.269 USD/năm (trên ba nước trong khu vực là Myanmar, Lào, Campuchia). Nước có chi tiêu đầu người cao nhất tại Đông Nam Á là Singapore với 21.428 USD/năm. Tuy vẫn còn là thị trường có giá trị tiêu dùng thấp nhất trong khu vực, không ai hướng về tương lai mà lại bỏ qua thị trường mới nổi này.

NGUYỄN PHI VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên