03/06/2016 13:34 GMT+7

Đằng sau những bức ảnh chụp động Thiên Đường

QUANG THI
QUANG THI

TTO - Sau hai năm ròng rã nhiều chuyến đi Quảng Bình, nhiếp ảnh gia Hoàng Trung Thủy cho ra mắt quyển sách ảnh Động Thiên Đường như một sự khích lệ để anh theo đuổi những dự án chụp ảnh hang động tiếp theo của mình.

Một sinh vật kỳ dị trong động Thiên Đường. Ảnh: H.T.ThủyMột mầm cây non nảy mầm ngang trong hang động tối - Ảnh: H.T.Thủy
Một mầm cây non nảy mầm ngang trong hang động tối - Ảnh: H.T.THỦY

Còn nhớ chuyến đi đầu tiên năm 2013, Hoàng Trung Thủy và đoàn của anh vào động Thiên Đường với những chiếc đèn pin. Họ chỉ chụp được sáu bức ảnh nhưng không phải bức nào cũng ưng ý.

Hang động tối om, tầm nhìn bằng không, trần hang động cao hàng chục mét, thế nên những chiếc đèn pin không đủ sáng để chụp ảnh.

Những lần sau, Hoàng Trung Thủy đầu tư nhiều đèn chiếu sáng, thuê người cõng hai cái bình ăcquy để vô động chụp ảnh.

Du lịch hang động là du lịch mạo hiểm, vì vậy ái ngại đầu tiên của việc chụp hình hang động là sự nguy hiểm.

Ở kilômet đầu tiên của động Thiên Đường là khu vực dành cho khách du lịch phổ thông, nhưng công việc của những người nhiếp ảnh là phải đi bộ sâu vào trong hang từ 7-10km.

Hoàng Trung Thủy cho biết ở kilômet thứ 4 là đoạn phải leo qua một vách động trơn ướt và hiểm trở. Nhiều người phải vất vả mới leo qua được đoạn này với sự hỗ trợ của những người dẫn đường có kinh nghiệm.

Trong động còn có những mỏm đá vôi hoặc những quặng sắt tự nhiên rất sắc. Chỉ cần đi đường trơn trượt, quờ tay bám vô đá hoặc quặng là bị cứa đứt tay.

Đoàn của Hoàng Trung Thủy có một người bị cứa ở động mạch tay, một người bị cứa rách đùi. Khi ra khỏi động, họ từ bỏ luôn ý định chụp ảnh hang động.

“Có người khi đang đi đến gần chỗ tôi thì bị sụt lún xuống hầm bùn. May là hố bùn đó chỉ hơn 1m, chứ tôi nghe nói trong hang động có những hố bùn sâu cỡ 3m và hơn nữa. Lên khỏi hố bùn thì anh bạn tôi cũng từ bỏ luôn chuyện chụp ảnh!” - Hoàng Trung Thủy kể.

Nhiều người đã từ bỏ ý định chụp ảnh hang động vì những nguy hiểm như thế!

Một giếng trời trong động Thiên Đường - Ảnh: H.T.THỦY
Một giếng trời trong động Thiên Đường - Ảnh: H.T.THỦY

Giờ đây, những hang động Việt Nam như động Phong Nha, Thiên Đường, Sơn Đoòng, Tú Làn... thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia quốc tế.

Khi được đặt câu hỏi tại sao chọn động Thiên Đường để mở đầu cho dự án chụp hang động, Hoàng Trung Thủy cho biết anh chọn nơi đây vì hệ thống màu sắc thạch nhũ ở đây rất đẹp.

Quả thật, qua những bức ảnh, hệ thống thạch nhũ của động Thiên Đường hiện ra đẹp đến kinh ngạc, lộng lẫy và nguy nga như một lâu đài được tạo tác dưới lòng đất.

Những viên ngọc động (đá cuội hình thành trong động) quý hiếm, những động vật kỳ dị như những con cá, con tôm trắng suốt, những mầm cây đâm chồi ngang... là cả một hành trình khám phá đời sống sinh vật trong hang động tối sâu trong lòng đất bằng tất cả sự hứng thú.

Hoàng Trung Thủy cho biết: “Có nhiều cách chụp hang động. Cách chụp của tôi là du khảo, khám phá địa chất, đời sống sinh vật...”.

Tin vui cho anh là ban quản lý động Thiên Đường đã đặt mua của anh 1.000 quyển sách ảnh để bán cho du khách.

“Bạn tin tôi đi, việc bán sách ảnh này không bù lỗ được cho chi phí của từng ấy chuyến đi của cả êkip chúng tôi đâu. Nhưng tôi vẫn say mê vì hệ thống hang động Việt Nam quá đẹp!” - Hoàng Trung Thủy xuýt xoa như vậy để hướng tới dự án ảnh động Phong Nha sắp tới.

Đoàn chụp ảnh trong động Thiên đường - Ảnh: H.T.Thủy
Những màu sắc tuyệt đẹp trong động Thiên Đường - Ảnh: H.T.Thủy
Những viên ngọc động (đá cuội hình thành trong động) tuyệt đẹp - Ảnh: H.T.Thủy

Một sinh vật kỳ dị trong động Thiên Đường - Ảnh: H.T.Thủy

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên