10/04/2016 09:20 GMT+7

Du lịch, thể thao kết hợp từ thiện

 TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

TTO - Đến từ nhiều quốc gia, các thành viên cuộc đua Tú Làn Adventure Race 2016 không những thỏa sức khám phá, chinh phục các cung đường hiểm trở, mà còn có những hành động thiết thực để chia sẻ với người dân địa phương.

Các đội đua thuyền vượt sông Rào Nan trong cuộc đua Tú Làn Adventure Race 2016 - Ảnh: Tấn Vũ
Các đội đua thuyền vượt sông Rào Nan trong cuộc đua Tú Làn Adventure Race 2016 - Ảnh: Tấn Vũ

Hơn 7g sáng, đoàn người từ các bản làng đã đứng kín trên cây cầu cũ, những người phụ nữ đi chợ nán lại để nhìn những người xa lạ đến đây chèo thuyền. Chưa bao giờ khe Rinh (xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) - một nhánh ở thượng nguồn của con sông Rào Nan - có một sáng vui như vậy, với gần 100 thành viên của 10 đội tham gia cuộc đua chinh phục Tú Làn - 2016.

Cảnh đẹp ngàn đời nay họ gìn giữ, trong khi các tổ chức du lịch thâu tóm lợi ích cho riêng mình là điều không công bằng

Lội sông, băng núi

Bạn Nguyễn Mai Trang (26 tuổi, người Hà Nội), thành viên của đội Ashkicker, cho biết rất háo hức khi đến với cuộc đua này. Nhóm của Trang gồm nhiều chàng trai, cô gái đến từ Singapore, Malaysia và các du học sinh Việt, nhưng khó nhận ra ai đến từ quốc gia nào do ngôn ngữ giao tiếp chính của nhóm là tiếng Anh.

Dòng khe Rinh đã vào mùa cạn nhưng nước vẫn xanh ngắt. Thử thách đầu tiên của đoàn đua là chèo những chiếc thuyền độc mộc của người dân bản địa dọc dòng sông Rào Nan dài 15km với lởm chởm đá cuội, lúc lên thác, xuống ghềnh.

Người dân bản địa được một trận cười thỏa thích khi nhìn những con người chuyên ngồi bàn giấy, những bác sĩ, những cô giáo chèo thuyền độc mộc.

Không ít chiếc thuyền bị chìm giữa dòng, hoặc trôi tự do không theo ý người điều khiển, nhưng đây cũng là lúc họ phát huy tối đa tinh thần đồng đội và sự gắn kết giữa các thành viên vốn xa lạ theo ý đồ của nhà tổ chức. Nước uống và bữa trưa các thành viên tự lo liệu và phải mất gần sáu giờ đoàn thuyền mới về đến đích.

Nhờ kinh nghiệm tham gia cuộc đua năm trước và sức trẻ, đội Jetstar Pacific đã cán đích đầu tiên ở ngày đua này, trong khi những “ông già” bác sĩ người Mỹ và những người bạn Việt đang làm việc tại TP.HCM (đội Funny Walker) về đích thứ nhì.

Ngày thứ hai mới là thử thách thật sự khi đoàn đua phải băng rừng, lội suối, leo dốc và bơi qua các hang đá đen ngòm đáng sợ với lộ trình dài 24km. Hơn 8g sáng, đoàn xuất phát từ Tân Hóa, chạy bộ hơn 3km để chui qua hang Chuột, hang động đầu tiên đầy thử thách.

Tiếp tục băng qua thung lũng La Ken, vượt qua dốc Lồm Cồm, xuyên qua thung lũng Tổ Mộ, vượt hang Hung Ton để qua một thung lũng đầy lau sậy trước khi chạy về đích. Gần 5g chiều, đoàn cuối cùng mới cán đích, không ít người chấn thương, chân tay tóe máu.

Chị Nguyễn Thị Tiểu Phương, một vận động viên marathon chuyên nghiệp từ TP.HCM, cũng là người đầu tiên về đích, cho rằng cuộc chạy đua trong rừng lần này đầy khác biệt và là một thử thách thật sự.

“Tôi đã từng leo Fansipan, chạy đua ở cự ly 42km đường trường, nhưng đây là một trải nghiệm rất thú vị về độ khó bởi những con dốc đầy đá tai mèo, những dòng sông ngầm tối đen đã tạo ra những cảm giác khác biệt. Hơn nữa, đây là cuộc chạy tập thể nên người về đích trước chẳng có ý nghĩa mà phải đưa người cuối cùng trong đoàn về đích mới tính điểm” - chị Phương nói.

Anh Lưu Văn Long, trưởng phòng hướng dẫn Công ty du lịch Việt Mark, người thiết kế và hướng dẫn các chương trình ở cuộc đua này, cho rằng quãng đường 24km xuyên rừng không dành cho người yếu về tinh thần lẫn thể lực.

“Gần như các tố chất sinh tồn của con người đều được phát huy tối đa. Và giá trị ở phía sau cuộc đua mỗi người đều có một cảm nhận riêng để thôi thúc họ vượt lên chính mình” - anh Long cho biết.

Những thành viên đoàn đua giúp người dân địa phương dựng nhà phao chống lũ - Ảnh: Tấn Vũ
Những thành viên đoàn đua giúp người dân địa phương dựng nhà phao chống lũ - Ảnh: Tấn Vũ

Du lịch trách nhiệm

Cung đường mà đoàn đua vượt qua nằm lọt ngay trong thung lũng nơi mà đoàn làm phim Mỹ vừa quay bộ phim Kong - Skull island. Những cảnh đẹp ngỡ ngàng lọt trong từng góc máy, từng ánh nhìn, đã không uổng phí cho những người phương xa đến đây.

Nhưng những người tham gia cuộc đua đều ý thức được rằng họ đến không phải chỉ để tận hưởng điều đó, không chỉ thỏa mãn cho riêng mình mà phải để lại nhiều hơn nữa cho người bản địa.

Toàn bộ số tiền các thành viên đã đóng góp cho cuộc đua, sau khi trừ các chi phí tổ chức, ban tổ chức đã sử dụng vào việc xây dựng 20 căn nhà chống lũ cho người địa phương.

Ngày thứ ba, sau khi hành trình đua kết thúc, các đội đến từng nhà dân để tận mắt nhìn thấy những căn nhà mà mình đã góp phần dựng nên. Các đội cũng đã sơn tên của mình lên tường của các căn nhà nổi này để đánh dấu kỷ niệm.

Ông Nguyễn Trường Anh, một người dân địa phương vừa được tài trợ một căn nhà nổi chống lũ, cho biết ở Tân Hóa này, mùa lũ chẳng khác nào vịnh Hạ Long.

“Nước ở các hang động rút rất chậm nên cả một thung lũng đầy nước, có nơi nước dâng cao đến 12m. Thung lũng chỉ còn lại toàn núi đá chìm trong nước. Những năm trước chúng tôi phải leo vào các hang đá trú ngụ” - ông Anh nói.

Một sáng kiến về mô hình nhà nổi được cột bởi 24 cái phuy sắt hoặc nhựa nâng toàn bộ căn nhà lên khỏi mặt nước được người dân áp dụng khoảng ba năm gần đây và cuộc sống của đồng bào phần nào đỡ vất vả hơn.

Ông Anh khoe: “Bây giờ có nhà, khi nước dâng lên hay rút xuống chúng tôi đều không lo sợ bởi có thể trú ngụ an toàn trên nhà nổi này hàng tuần. Chỉ cần chuẩn bị lương thực chu đáo là được”.

Anh Trần Trung Kiên, giám đốc Công ty Travel and Outdoor Gear tại Hà Nội, cũng là thành viên trong đoàn đua, cho rằng các thành viên tham gia cuộc đua không chỉ để khám phá bản thân hay đơn thuần nhìn ngắm cảnh đẹp mà còn mong mỏi làm điều gì đó có ích cho cộng đồng.

“Lợi ích của các công ty du lịch phải được lan tỏa trong cộng đồng dân cư tại đây. Cảnh đẹp ngàn đời nay họ gìn giữ, trong khi các tổ chức du lịch thâu tóm lợi ích cho riêng mình là điều không công bằng. Việc chia sẻ lợi ích từ du lịch với cộng đồng dân cư mới hướng du lịch bền vững” - anh Kiên nói.

* Ông Đỗ Tuấn Anh (giám đốc Công ty du lịch Việt Mark):

Chia sẻ lợi ích, du lịch mới bền vững

Đã qua rồi cái thời làm du lịch kiểu chộp giật, đụng đâu làm đó. Tại sao một số điểm du lịch có quá nhiều rác thải nhưng Cù Lao Chàm lại không? Vấn đề đặt ra là lợi ích của người dân, đừng đòi hỏi quá nhiều ở cộng đồng khi mà lợi ích mà các công ty du lịch thu được lại không sẻ chia cho cộng đồng một cách tương xứng.

Người dân phải có thu nhập và được chia lợi ích, thái độ của họ với du khách, với nhà đầu tư sẽ khác. Theo tôi, đây là điều cốt lõi mà Hội An chính là điển hình cho việc phát triển này.

Nhà nhà ở Hội An đều có thu nhập và sống tốt từ du lịch, tự khắc họ sẽ ủng hộ và xây dựng mọi thứ cho tốt đẹp hơn để hút khách.

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên