28/09/2015 09:08 GMT+7

San hô Phú Quốc đang lụi tàn

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TT - Phóng viên Tuổi Trẻ có nhiều chuyến lặn khảo sát đáy biển Phú Quốc để ghi nhận tình trạng san hô đang bị hủy hoại đến mức báo động.

Không ít du khách cố ý hái san hô ở bãi biển mũi Kỳ Lân (xã Hòn Thơm, huyện Phú Quốc) - Ảnh: Quang Vinh

Theo chỉ dẫn của các thợ lặn hướng dẫn khách du lịch và những ngư dân sống bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy biển, trong thời gian dài chúng tôi có những chuyến lặn tại các điểm san hô ở phía bắc đảo (xã Gành Dầu), nam đảo (xã An Thới), cả vùng biển phía tây và phía đông của hòn đảo này.

Một bức tranh ảm đạm phủ trùm lên các khu vực được xem là “rừng san hô” dưới đáy biển Phú Quốc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng mãi đến nay vẫn chưa có những khuyến cáo đúng mức.

San hô chết khắp nơi

“Ngày trước, dân ở đây có xuống biển đục san hô bán. Nhưng từ khi bị cấm thì dân nghỉ, không lấy san hô nữa. Nhưng san hô không sống nổi khi liên tục ghe cào, rồi đánh thuốc độc bắt cá cứ tái diễn...”, cùng chúng tôi xuống đáy biển, thợ lặn N.H.A. than không chỉ san hô mà tất cả hải sản dưới đáy biển ở vùng bắc đảo đang ít đi nhiều lần so với vài năm trước.

Thợ lặn Nguyễn Văn Tiến cho biết ven các hòn đảo nhỏ phía bắc Phú Quốc như hòn Đồi Mồi, hòn Móng Tay, hòn Bàng, hòn Thầy Bói... vốn nổi tiếng với những rạn san hô đẹp mê hồn. Thế nhưng kể từ tháng 4-2010, sau sự cố được gọi là “hiện tượng tẩy trắng”, nhiệt độ đáy biển đột ngột tăng làm san hô chết hàng loạt.

Có những nơi san hô chết đến 90%, làm đáy biển Phú Quốc chuyển qua một bức tranh khác. Nhiều khách thất vọng khi chứng kiến “đế chế” san hô Phú Quốc đang lụi tàn, anh Tiến cũng bỏ luôn nghề lặn biển.

“Bây giờ chỉ có phía bắc đảo và một vài điểm ngoài xa phía nam đảo, san hô tương đối còn yên” - một thợ lặn giới thiệu.

Tuy nhiên, tại vùng biển ven hòn Đồi Mồi - nơi được xem là nơi có hệ sinh thái san hô phong phú - thường bị các thợ lặn tới đục thì các rạn san hô ở đây không còn nguyên vẹn. Khi lặn sâu dưới 6m nước, san hô trở nên hiếm dần.

Chếch về phía nam hòn Đồi Mồi, vùng biển ven hòn Móng Tay cũng được xem là nơi giàu san hô. Gần như một hệ lụy, nơi có nhiều san hô đồng nghĩa cũng là nơi có nhiều hải sản.

Chính vì vậy đủ loại phương tiện đánh bắt thường xuyên quây quanh khu vực này, vô tình hủy hoại hàng loạt san hô. Tại hòn Bần, hòn Thầy Bói thì độ phủ của san hô ít hơn hòn Đồi Mồi và hòn Móng Tay, tình trạng san hô chết đóng rong cũng xuất hiện khắp nơi.

Ở phía nam đảo Phú Quốc, bức tranh san hô ở một số điểm còn ảm đạm hơn. Vùng biển ven hòn Dâm Ngang, hòn Mây Rút, hòn Gỏi... ở đâu cũng có thể bắt gặp các rạn san hô bị gãy đổ, bị biến đổi sang một màu trắng, mà các thợ lặn ở đây gọi là bị “vôi hóa”.

“San hô ở mực nước trên 5 - 6m giờ chỉ còn sống chừng 30% so với tám năm trước. Nhiều nơi như mũi Kỳ Lân san hô chết sạch” - một thợ lặn chua xót nói.

Theo chỉ dẫn của các thợ lặn và ngư dân thông thuộc đáy biển, chúng tôi lặn xuống độ sâu 10, 15 rồi 20m nước quanh các đảo phía nam An Thới. Vừa chạm đáy biển, khi chưa kịp bắt gặp những rạn san hô thì đã thấy... rác. Đủ các loại rác từ dây nhợ, lưới, túi nilông, ly nhựa... Nhiều loại rác bị đóng chặt vào những khóm san hô hay lẫn trong san hô, khó mà phân định.

Gần quần đảo An Thới, chúng tôi cùng du khách trong nước lặn ngắm san hô ở mũi Kỳ Lân, mũi Ông Phật. Ngay từ trên tàu, một hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi: “Anh muốn thấy san hô còn sống thì ra xa phía mũi đá. Còn lại thì toàn san hô chết”.

Quả thật, chúng tôi chỉ toàn gặp san hô chết ngổn ngang. Nhiều bãi đá được giới thiệu để lặn ngắm san hô nhưng chúng tôi không thể nhận ra đâu là san hô trên đống hoang tàn hỗn hợp giữa cát đá, cỏ biển úa vàng và những tàn tích của những cành san hô gãy vụn.

Đe dọa ngành du lịch lặn biển

Một thợ lặn chuyên đưa khách xuống tham quan dưới đáy biển ở Phú Quốc thú thật với chúng tôi: “Tôi đưa 100 khách nước ngoài xuống lặn dưới đáy biển, khi trở lên thì cả 100 người đều tỏ ra không hài lòng khi thấy san hô và nguồn lợi hải sản bị mai một. Nhất là san hô chết rất nhiều nhưng không được bảo vệ...”.

Theo anh Trần Minh Đạo - tư vấn viên của một trung tâm lặn biển tại Phú Quốc, một đôi vợ chồng người Úc đến từ vùng san hô Great Barrier lớn nhất thế giới đến đặt tour lặn ngắm san hô. Họ nói nghe tiếng san hô Phú Quốc đẹp và phong phú nên muốn đến ngắm.

Nhưng sau một ngày đi tour gần bờ, đôi vợ chồng này liền hủy tour. Khi hỏi nguyên nhân thì người chồng nói họ thấy tận mắt du khách vô tư giẫm đạp lên san hô. Hai vợ chồng quyết định ngồi trên tàu chứ không xuống biển, và người vợ bật khóc...

“Tôi có nhiều người bạn rất yêu đáy biển Phú Quốc. Như hai anh bạn người Đức là McHent và Stephen thỉnh thoảng lại sang Phú Quốc để lặn và... dọn rác dưới đáy biển - Đạo kể - Người ta quý san hô còn vì san hô là môi trường sống của nhiều sinh vật khác. San hô mà chết thì nhiều sinh vật cũng bị ảnh hưởng.

Có nhiều thời điểm lặn tôi đo nhiệt độ nước lên đến trên 300C, trong khi san hô chỉ sống tốt trong môi trường dưới 260C. Tôi cứ lo nếu san hô chết hết, ngành du lịch lặn đáy biển sẽ không còn”.

Khu bảo tồn san hô Phú Quốc chủ yếu phía nam đảo, trong khu vực rộng gần 10.000ha. Trong khu vực này, ghi nhận 108 loài san hô, thuộc cả hai nhóm san hô cứng và san hô mềm.

San hô Phú Quốc cách nay năm năm trải qua một đợt bị hủy diệt trên diện rộng (“hiện tượng tẩy trắng”), khi đó san hô chết tới 56,6%. Số liệu quan trắc năm 2014 cho thấy số san hô mới chết phủ rong ở nhiều khu vực còn cao hơn cả san hô sống được phát hiện.

Môi trường nước bị ô nhiễm

Ban quản lý khu bảo tồn Phú Quốc cho rằng có hai nguyên nhân khiến san hô quanh khu vực đảo bị chết là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng. Nhưng nguyên nhân chính là môi trường nước bị ô nhiễm.

“Từ phát triển du lịch, gia tăng lượng nước thải, rác thải ra môi trường. Hoạt động đánh bắt thủy hải sản cũng tác động xấu lên môi trường biển Phú Quốc” - ông Cường, giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn Phú Quốc, nói.

Ông Cường còn cho biết: “Ở phía tây đảo, san hô bị tàn phá bởi các hoạt động cào cá, cào tôm, cào banh lông... làm môi trường biển bị xáo trộn, ảnh hưởng đến các loài thủy sinh, đặc biệt là san hô.

Trên thế giới có tiền lệ san hô chết tác động đến con sao biển, các loài sinh vật khác cũng ảnh hưởng theo. Trong đó chuyện hải sâm chết hàng loạt cũng không phải là ngoại lệ”.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên