20/07/2014 04:45 GMT+7

Nam Du - đảo ngọc Tây Nam

TRẦN THẾ DŨNG (phó giám đốc Công ty TNHH du lịch Thế Hệ Trẻ)
TRẦN THẾ DŨNG (phó giám đốc Công ty TNHH du lịch Thế Hệ Trẻ)

TT - Sau chuyến khám phá vẻ đẹp hoang sơ và huyền ảo tại quần đảo Thổ Chu, chúng tôi lại lên đường thực hiện chuyến khảo sát lặn biển ở đảo Nam Du, chuẩn bị kế hoạch mở các tour du lịch khám phá vẻ đẹp các hòn đảo của vùng biển Tây Nam.

ZKOoxnEG.jpg
Bãi tắm Cây Mến đẹp đến ngẩn ngơ - Ảnh: Trần Thế Dũng

Sau ba giờ ngồi nghiêng ngả trong tàu cao tốc nếm trải sóng gió cấp 4 vùng biển Tây Nam Tổ quốc, vượt 65 hải lý từ Rạch Giá đến quần đảo Nam Du, chúng tôi gần như kiệt sức. Nhưng khi ngồi trên chiếc xe máy thuê của dân đảo, chạy vòng quanh hòn Lớn (còn gọi hòn Củ Tron), chiêm ngưỡng biển cả mênh mông cùng những bãi tắm với tên gọi rất dân dã như bãi Cây Mến, bãi Ngự, bãi Đất Đỏ, giếng Tiên... khuất sau hàng dừa nghiêng nghiêng trong một buổi chiều lồng lộng gió, bao nhọc nhằn trước đó dường như tan biến.

“Hoa đá” hồi sinh dưới đáy biển

Rác thải và nạn đục phá san hô đe dọa đảo Nam Du

Quần đảo Nam Du đẹp nguyên sơ, chưa hề có bàn tay con người can thiệp nhưng do mật độ dân cư ngày càng tăng, lại thêm thiếu quy hoạch nên phố xá chật chội, rác thải tràn ngập cầu cảng, mùi xú uế bốc lên mọi nơi, khiến khách phương xa mất thiện cảm ngay từ lúc đặt chân đầu tiên lên đảo.

Nạn đục phá san hô vô tội vạ cũng hủy hoại nhiều cảnh đẹp dưới lòng đại dương, đe dọa môi trường sinh thái biển. Hi vọng ngành chức năng địa phương sớm có biện pháp khắc phục để đảo ngọc luôn mang vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

Hải đăng Nam Du trên đỉnh hòn Lớn cao 309m so với mặt biển là điểm đến tôi ấn tượng nhất. Không phải vì nó sở hữu con đường nhiều dốc cao như hút thẳng lên trời xanh hoặc khúc đoạn ôm cua lả lướt dưới tán rừng tự nhiên, mà chính là tầm nhìn bao quát hầu hết 20 hòn đảo thuộc quần đảo đang vỗ sóng tung bọt trắng xóa tựa con tàu đang rẽ sóng giữa trùng khơi, những chiếc thuyền lớn nhỏ neo đậu san sát trong vùng vịnh.

Nhưng thời khắc mà chúng tôi mong mỏi nhất là lúc bình minh rực rỡ xuất hiện ở chân trời, mang đến những cảm xúc thật khó tả.

Đón chúng tôi tại cầu cảng bãi Chệt là tài công Lê Văn Hoàng (59 tuổi), người đã gắn bó với vùng biển đảo Tây Nam suốt 40 năm bằng nghề “lôi mực” - một hình thức cho thuyền chạy, thả câu chùm và mồi là con tôm bằng nhựa nhằm thu hút mực háu ăn bơi theo đớp dính câu.

Xuất bến chừng 20 phút, thuyền qua hòn Đô Nai, hòn Ngang, xã Nam Du rồi quay sang hòn Bờ Đập. Thủy triều đang xuống lộ diện bãi cát trắng phau lượn vòng theo hàng dừa nghiêng bóng.

Cả đảo chỉ có duy nhất căn nhà của ông Mười La, một hộ dân bám trụ gần 40 năm giữa tứ bề hoang vắng, lạnh lẽo. Cuộc sống của ông hiện nay vẫn là những ngày bắt ốc hương ngoài bãi biển trước nhà hoặc mò ốc, nghêu quanh ghềnh đá để bán cho ghe buôn thỉnh thoảng tạt vào.

Hằng tuần con cháu, dâu, rể sinh sống ở hòn Ngang ghé thăm, lúc ấy thì theo lời ông Mười La: “Vui hết biết bởi không khí quây quần của gia đình khiến tôi quên đi sự quạnh quẽ trên đảo”.

Giữa trưa, không thể cưỡng lại ham muốn được đi lặn ở đầu ghềnh, nơi mà theo ông Mười La còn rất nhiều “hoa đá” - san hô cành nhiều màu sắc - ẩn mình, chúng tôi đeo kính lặn và ống thở thả người xuống biển xanh. Khi chúng tôi tiến ra ở độ sâu chừng 5m, dưới đáy biển lộ diện những chùm san hô nhỏ loại sừng màu vàng vàng, trắng trắng cùng với loại giun nhiều tơ nằm rải rác trong những hốc đá.

Hình ảnh như tín hiệu san hô vùng này đang hồi sinh sau thời kỳ, theo lời người bản địa, không ít người dân cày nát rạn san hô để bán cho thương lái với giá vài ngàn đồng một ký.

E7JVcZ8c.jpg
Chùm san hô đỏ đẹp rực rỡ - Ảnh: Trần Thế Dũng

Huyền ảo biển hòn Nồm

Từ biệt “chúa đảo” Mười La, chúng tôi lên thuyền chạy ngược sóng Tây Nam đến ba hòn Nồm, gồm Nồm Trong, Nồm Giữa và Nồm Ngoài. Trong ký ức người dân đảo, ba hòn Nồm còn gắn liền với tên tuổi ông Dương Ngọc Ánh, thường gọi Sáu Ánh, có công khai phá hòn Nồm từ những năm 1960, khi cả quần đảo Nam Du chỉ hòn Củ Tron và hòn Ngang có người sinh sống.

Cho đến hiện nay, cơ ngơi của ông Sáu Ánh là một trang trại rộng lớn với nhà cửa, ghe thuyền, máy phát điện, một vườn dừa hơn 200 gốc, những vườn cây trái trĩu quả. Dù những người con trai lớn đã vào đất liền lập nghiệp, nhưng đại gia đình ông Sáu Ánh trên đảo vẫn đông đúc với bốn thế hệ cùng sinh sống như nền nếp bao lâu nay.

Mỗi khi có khách đất liền ghé đảo này, gia đình ông Ánh trở thành cơ sở phục vụ du lịch bất đắc dĩ nhưng không thiếu sự nhiệt tình, hiếu khách. Nhờ cái duyên được gặp và nói chuyện với ông Sáu Ánh, tôi được biết tin là xung quanh ba hòn Nồm, sau “cái nạn” bị hủy hoại vì sinh kế, rạn san hô hiện đang hồi sinh, trong đó nhiều “bụi” san hô màu đỏ đã cao hơn 1m.

Chỉ với bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến tôi hào hứng nhờ người nhà hướng dẫn ra đầu ghềnh lặn nổi. Rất tiếc, buổi chiều hôm đó gió tây nam thổi mạnh, dòng chảy đục ngầu, cảnh sắc dưới đáy biển lờ mờ, không thể xác định, đành thất bại quay về.

Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại đảo sau cái hẹn đi lặn cùng với Thanh Trúc, cháu ngoại ông Sáu Ánh, trên chiếc thuyền gắn máy nén khí hẳn hoi. Tiết trời hôm đó nắng đẹp, không một chút mây nhưng hậu quả từ cơn mưa dông đêm hôm trước đã khuấy đục mặt nước xung quanh, chúng tôi buộc phải chạy xa bờ tìm chỗ nước trong, thả neo ở độ sâu khoảng sáu sải tay.

Nhìn Trúc thao tác đeo đai chì, kiểm tra từng thước dây dẫn khí trước khi quăng mình xuống biển, tôi đoán là đã gặp được thợ lặn chuyên nghiệp. Quả thật, cách thức Trúc lặn rất đặc biệt, chỉ đi thong thả như dạo chơi dưới đáy biển chứ không bơi. Khi cần chụp ảnh, Trúc quỳ chân, tạo thế như con ếch, chờ thời cơ đàn cá xuất hiện trước đám san hô mới bấm máy, bất kể sóng ngầm liên tục đùn đẩy.

Đã từng lặn ngắm rạn san hô sừng hươu chen lẫn giống tán/bàn nằm dày đặc, tua tủa cả một góc biển hòn Từ - Thổ Chu nên lần này, khi cái nhìn đầu tiên dưới đáy biển hòn Nồm thấy toàn rạn đá, tôi không tránh khỏi hụt hẫng. Nhưng cảm giác ấy chỉ thoáng qua bởi khi lặn sâu, tôi phát hiện dưới ánh sáng lờ mờ hốc đá nổi bật nhiều thân san hô hình dáng đầy gợi cảm, màu đỏ rực đang đong đưa theo nhịp sóng ngầm giữa đàn cá rô thia đen, cá mó đĩa sọc nhẩn nha bơi lượn.

Còn trong khe đá là nơi hội tụ của ốc tai tượng, ốc ngọc lữ, ốc đá... Cảnh vật mơ màng và huyền ảo, lung linh như một chốn hoang đường.

Chuyến “săn” cá xanh xương thú vị

mR0HEkqe.jpgPhóng to
Sơ chế cá xanh xương - Ảnh: Trần Thế Dũng

Khi đến hòn Nồm, điều mà tôi thích thú nhất là được theo con cháu ông Sáu Ánh đi lưới cá xanh xương, còn có tên lìm kìm biền hay cá nhái. Loại cá này có thân tròn cỡ cổ tay, mỏ nhọn, hàm răng lởm chởm, thường sống ở ghềnh đá và đi kiếm ăn theo đàn ở tầng nước mặt.

Muốn đánh bắt, dứt khoát phải dùng lưới nổi, người đánh bắt cũng phải dày dạn kinh nghiệm, hiểu rõ địa hình, quy luật của dòng chảy và tiên đoán số lượng, hướng đi của đàn cá để thả lưới đón lõng. Khi cá đã lọt vào vòng vây, họ dùng sào đập mạnh trên mặt nước lùa các chú lao về phía trước khiến hàm răng lởm chởm sẽ xoắn vào lưới.

Sau bốn giờ quần thảo, đánh bắt trên dòng chảy giữa hòn Nồm Ngoài và Nồm Giữa, nhìn mẻ cá xanh xương tươi rói, hai mẹ con chị Dương Ngọc Thắm (con gái đầu của ông Sáu Ánh) không giấu vẻ hài lòng khi cho biết: “Hôm nay trúng đậm, được hơn 150kg. Nếu bán tươi cho thương lái được 40.000 đồng/kg, còn mang về xẻ thịt phơi khô có giá bán 70.000 đồng/kg”.

TRẦN THẾ DŨNG (phó giám đốc Công ty TNHH du lịch Thế Hệ Trẻ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên