16/02/2014 09:11 GMT+7

Du lịch nước ngoài gặp khó vì khách trốn

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Nhiều công ty du lịch cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi xin visa (thị thực) vào một số quốc gia, vùng lãnh thổ mà trước đây đã từng gửi khách sang rất thành công vì khách Việt trốn lại quá nhiều.

Nhiều du khách Việt bỏ trốn tại Israel

zjIhpsx3.jpgPhóng to
Du khách VN tại Bảo tàng Louvre, Paris (Pháp) - Ảnh: Lê Nam

Tổng cục Du lịch VN từng cảnh báo và xử lý nặng, rút giấy phép những công ty có du khách bỏ trốn khi ra nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tượng khách Việt bỏ trốn tại nước ngoài không những không giảm mà còn có xu hướng tăng.

Trốn cả đoàn

"Khách Việt đi du lịch đến Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu, Hong Kong, Macau đang ngày càng khó lấy visa do khách mua tour du lịch rồi trốn ở lại tăng"

Anh Sơn (tên đã thay đổi), một hướng dẫn viên tự do, cho biết anh được một công ty du lịch thuê hướng dẫn đoàn 15 khách và một đại diện công ty du lịch sang Israel từ ngày 1 đến 8-12-2013. Sau khi xuống sân bay Tel Aviv (Israel), Sơn đã nhờ nhân viên du lịch theo đoàn gom và giữ tất cả hộ chiếu của 15 khách và tiếp tục chương trình tham quan. Thế nhưng tại thời điểm tập trung để đi ăn tối, cả đoàn chỉ còn lại hai khách. Sáng hôm sau hai vị khách còn lại cũng bỏ trốn. Anh Sơn và nhân viên đại diện công ty du lịch nhờ nhân viên khách sạn mở cửa tất cả các phòng thì phát hiện chẳng còn ai, đồ đạc cũng chỉ còn lại những thứ linh tinh bị vứt chỏng chơ.

Trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ, đại diện Đại sứ quán VN tại Israel cho biết đã có ba đoàn khách VN sang Israel du lịch tổng cộng với 21 người bỏ trốn, bốn người trong số du khách bỏ trốn đã bị phía Israel bắt được và trục xuất ngay về VN, nhóm còn lại vẫn chưa tìm được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó phía VN đã chủ động báo cho Israel và Đại sứ quán Israel tại VN hạn chế cấp visa cho những trường hợp khách còn trẻ từ một số vùng miền nhất định sang Israel. Tuy nhiên, nhóm khách này đã được công ty du lịch Israel xin visa của Bộ Nội vụ Israel và khách sẽ lấy visa tại cửa khẩu (visa on arrival) nên nhập cảnh vào Israel trót lọt.

Theo các công ty du lịch, những người trốn lại Israel thường trong độ tuổi còn lao động, có chức vụ tổng giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng kinh doanh của công ty... Khi những người này qua được Israel, họ được người quen hoặc nhóm người tổ chức tại đây đưa đi làm việc tại các nông trại. Cũng có những trường hợp được các tổ chức này đưa sang châu Âu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tuấn - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết không chỉ có khách mua tour đi Israel bỏ trốn mà một số khách mua tour đi Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã bỏ trốn để ở lại làm việc hoặc tìm đường sang một nước thứ ba. Có những doanh nghiệp biết việc khách có thể bỏ trốn nhưng lờ đi hoặc thông đồng với khách.

Siết lại thế nào?

Ông Trần Đoàn Thế Duy, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho rằng lẽ ra với số lượng khách đi du lịch nước ngoài ngày càng đông, việc xin visa cho khách VN sẽ ngày càng dễ dàng hơn thì hiện nay khách Việt đi du lịch đến Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu, Hong Kong, Macau đang ngày càng khó lấy visa do khách mua tour du lịch rồi trốn ở lại tăng. Thậm chí, khách Việt muốn xin visa Hong Kong phải gửi hồ sơ ra nước ngoài chứ không còn xét duyệt tại VN.

Theo các công ty du lịch, đại diện bộ phận xét duyệt visa các quốc gia và vùng lãnh thổ này cho rằng phải siết rất chặt việc cấp visa cho một số đối tượng nhất định. Do lượng người VN sang Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong... ngày càng nhiều, nếu không xét duyệt kỹ khi sang đến nơi họ tìm cách trốn lại và được bà con, người thân giúp đỡ ở lại.

Theo ông Thế Duy, ở Malaysia khó khăn nhất là xin cấp phép cho công ty kinh doanh du lịch nước ngoài (outbound) vì họ quan niệm công ty kinh doanh lĩnh vực này phải có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, đã có một thời gian dài hoạt động mà không vi phạm mới đủ điều kiện cấp phép.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết sẽ tổ chức cấp giấy phép lại cho doanh nghiệp du lịch theo hướng phân biệt rõ ràng giữa công ty du lịch làm tour đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài (outbound), tour cho khách quốc tế đến (inbound) và tour nội địa. Mức ký quỹ của công ty tổ chức tour nước ngoài sẽ là 500 triệu đồng, cao gấp đôi so với doanh nghiệp tổ chức tour cho khách quốc tế đến và cao gấp đôi mức đổ đồng cho cả ba loại hình doanh nghiệp du lịch như hiện nay đang làm.

Tổng cục Du lịch vừa có công văn nhắc nhở các công ty lữ hành quốc tế chuyên tổ chức tour du lịch nước ngoài (outbound) ngăn chặn khách VN bỏ trốn bất hợp pháp khi đi du lịch Israel. Trước khi bán tour, các công ty phải kiểm tra kỹ thông tin cá nhân khách mua tour, đặc biệt lưu ý đến những khách mua tour từ một số địa phương đã có du khách bỏ trốn trước đó (Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương...).
LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên