21/03/2013 05:34 GMT+7

Quảng bá du lịch "mạnh ai nấy làm"

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Từ sự cố trưng ảnh của Trung Quốc ở gian hàng du lịch VN tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB (Đức), nhiều doanh nghiệp lữ hành đã cùng Tổng cục Du lịch VN tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế đều khẳng định: trong nhiều năm qua cách làm quảng bá gần như “mạnh ai nấy làm”.

lakB8ORt.jpgPhóng to
Trong khi gian hàng của các nước khác trang hoàng hoành tráng thì gian hàng VN chỉ treo vài lồng đèn Hội An và mấy cái bàn đơn giản (ảnh chụp tại ITB 2013) - Ảnh: CTV

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: Xấu hổ vì ngành du lịch trì trệ

“Chán. Buồn. Xấu hổ...”. Đó là tâm trạng chung của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế khi nói về chuyện cùng Tổng cục Du lịch tham gia triển lãm, quảng bá du lịch tại các hội chợ quốc tế nước ngoài.

Thiếu chuẩn bị

Theo nhiều doanh nghiệp, gian hàng Tổng cục Du lịch trong những năm qua là “quá kém, quá tệ”: hình ảnh giới thiệu phong cảnh chung chung, chưa kể chất lượng hình ảnh kém xa các gian hàng của những nước khác về độ sắc nét, nổi bật, kích thước... Sản phẩm quảng bá thì quá kém: luôn là các tờ bướm in đại trà để sẵn với nội dung không có gì hấp dẫn, đặc trưng.

"Không xác định được điểm mạnh nhất của du lịch VN là gì nên tại gian hàng của tổng cục nhiều năm nay chỉ bày toàn ấn phẩm cũ rích, xấu xí, bày như hàng xén, không biết các hãng du lịch cần gì, muốn gì, du lịch VN có gì mới và “độc”, chính sách về du lịch ra sao để giới thiệu cho khách"

Ông Phạm Hà (giám đốc Công ty du lịch Luxury Travel)

Ông Phạm Hà - giám đốc Công ty du lịch Luxury Travel (Hà Nội), người tham gia rất nhiều hội chợ du lịch quốc tế có sự tham gia của Tổng cục Du lịch, mới nhất là WTM (London, Anh, tháng 11-2012), rồi ITB (Berlin, Đức, tháng 3-2013) - nhận xét gian hàng của Tổng cục Du lịch nghèo nàn, nội dung lặp lại.

“Cơ quan này đã không xác định được điểm mạnh nhất của du lịch VN là gì nên tại gian hàng của tổng cục nhiều năm nay chỉ bày toàn ấn phẩm cũ rích, xấu xí, bày như hàng xén, không biết các hãng du lịch cần gì, muốn gì, du lịch VN có gì mới và “độc”, chính sách về du lịch ra sao để giới thiệu cho khách. Mỗi năm VN có 10 khách sạn sang trọng ra đời nhưng chưa bao giờ trong các sự kiện hội chợ quốc tế có bất cứ ấn phẩm nào của tổng cục giới thiệu cho du khách chuyện này” - ông Hà cho hay.

Tổng giám đốc một công ty lữ hành lớn tại TP.HCM so sánh sự kiện ITB năm nay và năm ngoái đều tệ giống nhau. “Tôi chưa thấy một thông điệp du lịch nào được đưa ra tại hội chợ ITB trong nhiều năm liền. Hình ảnh dán tại gian hàng không có chủ đề, chủ điểm, thương hiệu quốc gia của du lịch...” - vị tổng giám đốc lữ hành kể lại. Tham dự các sự kiện này, thường đại diện ngành du lịch các nước tranh thủ tối đa cơ hội để giới thiệu tiềm năng, lôi kéo các hãng lữ hành. “Người ta tranh thủ ngay cả thời gian ăn trưa để giới thiệu về nước họ, giành nhau mời khách ăn tối, tổ chức các sự kiện hấp dẫn hơn để lôi kéo các công ty lữ hành đến, còn mình nghĩ mà... nhục!” - vị tổng giám đốc than thở.

Ông Vũ Thế Bình - nguyên vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) suốt 12 năm - cho biết trung bình một năm tổng cục tham gia 12-15 hội chợ quốc tế ở Anh, Pháp, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... với chi phí trung bình 200-600 triệu đồng/sự kiện. Ông Bình - hiện là phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, chủ tịch Hiệp hội Lữ hành VN - thừa nhận trong thời gian qua và những năm gần đây quảng bá VN chưa có tính chuyên nghiệp vì “năm nay người này đi, năm sau người khác đi. Có khi 3-4 người/đoàn, cũng có khi lên đến cả chục người vô cùng ngẫu hứng như thế, làm sao chuyên nghiệp được”.

Vẫn theo ông Bình, để chuẩn bị cho việc tham gia các hội chợ có đến 80% thời gian các thành viên trong đoàn lo chạy thủ tục để làm sao có mặt trong sự kiện, thời gian còn lại mới tính đến việc đi để làm gì, làm thế nào, mang theo cái gì..., không ai nghĩ để thay đổi cho tốt hơn như một “nhà quảng bá xúc tiến thật sự”. “Thậm chí có đoàn khi ra đến sân bay làm thủ tục mới phát hiện ra thành viên chưa có visa, đành phải ở nhà. Cho đến bây giờ chưa hình thành một chuẩn trong các hội chợ quốc tế là gì, dàn dựng ra sao, mô hình cho gian hàng chuẩn là thế nào... vì có ai quan tâm đến việc quảng bá đâu mà cứ xem như một cơ hội để đi nước ngoài” - ông Bình chia sẻ.

Quá chậm thay đổi

Kinh phí quảng bá xúc tiến du lịch của toàn ngành du lịch năm 2012 được công bố là 30 tỉ đồng, năm 2011 là 35 tỉ đồng, năm 2010 là 40 tỉ đồng. Trong đó, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chia cho tổng cục 70%, Cục Hợp tác quốc tế (của Bộ VH-TT&DL) 20% và một số dự án chia nhỏ cho các đơn vị. Trong khi đó kinh phí dành cho quảng bá xúc tiến nước ngoài của một công ty du lịch như Vietravel năm 2012 cũng đã gần 10 tỉ đồng.

Theo tổng giám đốc một công ty lữ hành quốc tế tại TP.HCM, đã ít tiền thì cần phải tính toán tập trung cho các thị trường trọng điểm có nhu cầu đến VN. “Trong tình hình khó khăn, khủng hoảng như thế này mà tổng cục còn đang bàn đến chuyện mời doanh nghiệp đến Ý quảng bá. Thay vì đi xa vậy, sao không chọn Indonesia hay Maylaysia đang có đường bay thẳng, có khả năng chi trả?” - vị tổng giám đốc này đặt câu hỏi.

Các doanh nghiệp tham gia các hội chợ đều cho biết ít khi nào thấy sau chuyến đi tổng cục làm khảo sát xem kết quả hội chợ thế nào, đo lường phản hồi của khách hàng ra sao và chưa bao giờ có số liệu chính xác khách du lịch và các hãng nước ngoài trước bất kỳ hội chợ nào, thị trường mà tổng cục nhắm đến để xem mình xúc tiến cái gì, cho ai, ra sao...

Không biết tiền xúc tiến hiệu quả đến đâu?

Theo ông Phạm Trung Lương - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, với tư cách là một cơ quan chuyên nghiên cứu các vấn đề về du lịch nhưng chưa có bất cứ đại diện nào của viện được tham gia các đoàn quảng bá xúc tiến du lịch ở nước ngoài để xem thị trường phản ứng thế nào.

“Quảng bá xúc tiến chỉ chuyên nghiệp và hiệu quả khi hiểu được phản ứng của khách hàng như thế nào qua sự kiện đó. Có thể lãnh đạo tổng cục chê anh em viện làm kém thì ở nhà, để anh em đi xúc tiến thực hiện nhưng sự thật chưa bao giờ có một nghiên cứu nghiêm túc” - ông Lương nói. Theo ông Lương, sau 1-3 năm phải đánh giá lại hoạt động xúc tiến quảng bá bằng ngân sách nhà nước đạt hiệu quả như thế nào, thật sự có mang khách đến VN hay không hay là người ta vào một cách tự nhiên, thông tin du lịch VN đến với họ qua bạn bè và các kênh khác chứ không phải qua hoạt động quảng bá xúc tiến do Tổng cục Du lịch tổ chức... bằng một điều tra hoặc nghiên cứu cụ thể nào. Khi trả lời được các câu hỏi này thì mới hiểu được việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho công tác xúc tiến quảng bá có hiệu quả hay không.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên