23/06/2004 14:05 GMT+7

Bạch Mã: Đẹp thì có đẹp, nhưng...

Theo NLĐ
Theo NLĐ

Với khí hậu tuyệt vời, mùa đông không quá 4oC và mùa hè cao nhất chỉ là 25oC, Vườn Quốc gia Bạch Mã được sánh với Sa Pa, Tam Đảo, thậm chí còn được ví là “Đà Lạt thứ hai của miền Trung”.

3H4LJOAm.jpgPhóng to
Bạch Mã
Với khí hậu tuyệt vời, mùa đông không quá 4oC và mùa hè cao nhất chỉ là 25oC, Vườn Quốc gia Bạch Mã được sánh với Sa Pa, Tam Đảo, thậm chí còn được ví là “Đà Lạt thứ hai của miền Trung”.

Những năm gần đây, nhiều công ty du lịch đã đưa Bạch Mã vào một số tuyến điểm du lịch sinh thái và đã thu hút khá đông du khách. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch ở Bạch Mã còn rất nhiều vấn đề đáng bàn...

Trải qua gần ba phần tư thế kỷ, có thể nói sức hấp dẫn của Bạch Mã vẫn nguyên vẹn. Trong số 139 biệt thự được xây vào những năm 1930, nay còn sót lại khoảng 10 cái, được một đơn vị lữ hành tên tuổi của tỉnh Thừa Thiên – Huế đầu tư khai thác dịch vụ lưu trú với giá phòng 150.000 đồng/ngày.

Dù vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, lượng khách ít ỏi “trụ” lại chỉ là những nhà nghiên cứu, hoặc những... văn-thi sĩ đi tìm cảm hứng sáng tác! Chính người châu Âu đã phát hiện và xây dựng khu nghỉ mát trên đỉnh Bạch Mã, nhưng rồi cũng chính họ, chứ không phải ai khác, từ chối ở lại nơi này. Lý do đơn giản nhất, đó là Bạch Mã chưa đủ điều kiện của một khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng đúng nghĩa.

Trong chuyến đi vào ngày 20-6, chúng tôi gặp một nhóm du khách Pháp chừng 6 người. Họ quày quả xuống núi lúc đầu giờ chiều. Tôi kịp hỏi một nữ du khách có tên Angnès và nhận được một lời giải thích khá... “phũ phàng”: “Ở lại chỉ biết... ngủ thôi, bởi vì những tiện nghi đi kèm hầu như không có”.

Bên cạnh điều kiện thời tiết lý tưởng, Vườn Quốc gia Bạch Mã có một hệ sinh thái phong phú bậc nhất Việt Nam với 10.000 ha rừng, hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm. Bạch Mã còn nổi tiếng với những con suối và ngọn thác đẹp ngoạn mục, kỳ vĩ như thác Đỗ Quyên, thác Bạc. Những tuyến đường như đường mòn Trĩ Sao, đường mòn thác Đỗ Quyên, đường mòn thác Ngũ Hồ, đường mòn Hải Vọng Đài... Theo Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, mỗi năm có gần 13.000 lượt người đến tham quan. Thế nhưng, liệu du khách có trở lại Bạch Mã lần thứ hai?

Không chỉ riêng tôi mà đại đa số những người đi trong đoàn, là những du khách nội địa, đều lắc đầu trước câu hỏi này. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với bất kỳ ai lên đến đỉnh Bạch Mã cao 1.450 m so với mực nước biển là con đường đèo quá hiểm trở. Từ trụ sở Ban Giám đốc (dưới chân núi) lên đến đỉnh, du khách phải trải qua 19 km đường đèo cheo leo, bên này là sườn núi, bên kia là vực thẳm hun hút. Đèo Bạch Mã vốn được xây dựng cách đây hơn 70 năm, dù qua vài lần nâng cấp vẫn không thể mang lại cảm giác an toàn cho du khách.

Nếu có hai xe du lịch chạy ngược chiều, chẳng biết đường nào mà tránh! Phải vòng vèo, lên xuống trên con đường chỉ rộng chừng 3 m, dài 19 km, với chất lượng... tệ hơn nhiều so với các đường bê tông nông thôn hiện nay, thử hỏi khách du lịch làm sao không nín thở, thót tim?! Hiếm có ai “dám” lên Bạch Mã lần thứ hai nếu không có “trái tim quả cảm!”.

Thêm một điều mà du khách phải “ngán” Bạch Mã, đó là dịch vụ quá “nghèo”. Đồng ý với các cơ quan chức năng rằng, không chủ trương mở rộng loại hình kinh doanh dịch vụ tại đây để tránh phá hỏng cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ của Vườn Quốc gia, nhưng một số dịch vụ tối thiểu cũng không có là điều khó có thể chấp nhận.

Không gì tệ hơn khi ngay tại cổng vào Vườn Quốc gia dưới chân núi cũng chẳng có bán thứ gì, ngoại trừ... vé tham quan! Anh tài xế ở lại trông xe, không leo núi cùng chúng tôi, thế là phải nhịn đói, chỉ biết uống nước cầm hơi cho qua bữa trưa. Muốn mua gì, phải chạy ngược ra chợ Cầu Hai cách đó chừng 5 km.

Rõ ràng, khách đi dã ngoại ở Bạch Mã phải chuẩn bị từ A đến Z. Nhu cầu của khách du lịch thì nhiều và không phải lúc nào cũng chu đáo hoàn toàn. Chính vì thế, sự nghèo nàn đến mức không tưởng về dịch vụ ở Bạch Mã đã phủ nhận phần nào sức hấp dẫn của Vườn Quốc gia tên tuổi này.

Được biết, trong phương hướng phát triển các vùng du lịch kế hoạch 2001-2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tên Bạch Mã. Theo đó, Vườn Quốc gia này được quy hoạch là một khu nghỉ dưỡng miền núi đích thực. Chỉ còn hơn một năm rưỡi nữa là xong giai đoạn này, nhưng với tình hình thực tế hiện nay, du khách đến Bạch Mã chỉ mới được... “nghỉ”, còn “dưỡng” thì không.

Theo NLĐ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên