07/01/2024 13:23 GMT+7

Thay đổi nhanh thế, Sài Gòn còn lại gì?

Sáng 7-1, tại Đường sách TP.HCM, buổi giao lưu giới thiệu sách Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương 2 đã trở thành cuộc… phỏng vấn ngược của tác giả với người tham dự: Thay đổi nhanh thế, hồn cốt của Sài Gòn đọng lại là gì?

Tác giả Cù Mai Công (bìa phải)  trò chuyện trong buổi giao lưu sáng 7-1 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Tác giả Cù Mai Công (bìa phải) trò chuyện trong buổi giao lưu sáng 7-1 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương 2 của tác giả Cù Mai Công ra đời sau quyển sách cùng tên tập 1 trình làng với độc giả cuối năm 2022 rất thành công với gần 8.000 bản được bán ra.

Người Sài Gòn "nghiện" làm từ thiện

Vốn là nhà báo kỳ cựu của báo Tuổi Trẻ nên chỉ ngồi trên sân khấu được ít phút đầu, tác giả Cù Mai Công đã rời vị trí đi xuống hàng ghế khán giả phỏng vấn, trò chuyện bởi anh sợ sự "trịnh trọng" và thích không khí gần gũi, thân tình.

Vấn đề Cù Mai Công đặt ra khiến buổi giao lưu như nóng lên. Sài Gòn là vùng đất phát triển kinh khủng. 

Theo Cù Mai Công, Sài Gòn của thời người dân Ngũ Quảng vào khai phá đã khác, Sài Gòn cách đây 300 năm khác bây giờ.

Anh đặt câu hỏi cùng mọi người: "Vậy hồn cốt của người Sài Gòn còn lại là gì?".

Rất nhiều độc giả bày tỏ người Sài Gòn luôn có tấm lòng sẻ chia và "nghiện" làm từ thiện.

Chẳng hạn hồi xưa có hội tương tế thì đến bây giờ người Sài Gòn vẫn giữ thói quen hay chia sẻ, giúp đỡ người. Các quán cơm 0 đồng, nước uống, bánh mì miễn phí… cho người khó khăn.

Tác giả Cù Mai Công gật gù: "Tôi biết có những bà bán ở chợ cứ một vài tháng tự động kéo nhau đi làm từ thiện. Rồi có một anh nhà báo về hưu lâu lâu gặp nhét tay tôi 10 triệu lương hưu biểu phụ làm từ thiện".

Anh Lê Tiên Sắc (gốc Tây Ninh) bày tỏ hồn cốt của Sài Gòn còn thể hiện ở văn hóa mở, rất phóng khoáng trong việc tiếp nhận các nền văn hóa khác. Sài Gòn cũng dang rộng tay với những người tứ xứ và không có sự kỳ thị.

Đó là "sự dung nạp không thể tưởng tượng được và khó có thể tìm thấy ở nơi khác".

Sau ít phút ngồi nghiêm chỉnh trên sân khấu, Cù Mai Công đã ngồi bệt xuống bậc thềm để trò chuyện với độc giả cho thân tình, đúng tính cách phóng khoáng, "bụi đời" của anh - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Sau ít phút ngồi nghiêm chỉnh trên sân khấu, Cù Mai Công đã ngồi bệt xuống bậc thềm để trò chuyện với độc giả cho thân tình, đúng tính cách phóng khoáng, "bụi đời" của anh - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Yêu thì phải hiểu

Tác giả Cù Mai Công không cho rằng sáng 7-1 là cuộc giao lưu ra mắt sách, anh nghĩ buổi gặp gỡ này là của những người yêu Sài Gòn mà đến.

Vì anh quan niệm "Yêu thì phải tìm hiểu về họ". Là dân Ông Tạ nên anh yêu vùng đất này, yêu Sài Gòn và cứ thế nhìn ngắm, tìm hiểu và chia sẻ "tình yêu" của mình đến với mọi người.

Hồi nhỏ, tác giả èo uột nhất nhà, anh bị bệnh nám phổi phải chữa trị suốt sáu năm. Nhìn cậu con trai thở dốc vì những cơn suyễn và bị tiêm thuốc nát mông, mợ (tức là mẹ) của Cù Mai Công đau lòng và bà cho phép cậu muốn làm gì làm để lỡ Công có đi thì gia đình không cắn rứt vì đã cấm cản con.

"Oan nghiệt" đó đã mở đường cho cậu bé Cù Mai Công được đi lung tung và… phá làng phá xóm. Bởi vậy, cậu đã có những trải nghiệm mà sau này trở thành nguồn tư liệu tuyệt vời để anh nhớ về Sài Gòn xưa.

Cù Mai Công xuống tận nơi phỏng vấn độc giả - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Cù Mai Công xuống tận nơi phỏng vấn độc giả - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Đó là những tiệm sách xưa, những lần mua sách đọc xong bày bán để gỡ lại vốn. Trong những lần ta bà khắp nơi giúp Cù Mai Công làm bạn với đủ thứ người.

Với sự nhạy bén của mình, anh có thể phân biệt được người Sài Gòn gốc với người Bắc năm 1954, rồi người Trung ở Sài Gòn.

Anh có thể thoải mái ca Dạ cổ hoài lang, dân ca Bắc Bộ theo giọng của từng vùng miền.

Nhà báo Nguyễn Tập còn bật mí Cù Mai Công có sự quan tâm và phân nửa bài viết trong quyển sách nhắc về những kiến trúc Sài Gòn xưa với góc nhìn rất sâu, kỹ và có chuyên môn.

Đến buổi giao lưu, một độc giả tên Tâm chân thành nói mình ở Sài Gòn 66 năm mà chẳng biết gì về Sài Gòn. Vì vậy, khi đọc sách của Cù Mai Công ông phát hiện Sài Gòn mình hay, đẹp quá, vậy là ông trở thành "fan ruột" của tác giả.

Và trong buổi sáng 7-1, đã có nhiều fan ruột như thế. Vì yêu Sài Gòn mà đến, cũng có thể vì yêu trang viết Cù Mai Công mà thêm yêu Sài Gòn. Những tình cảm chân thành dường như luôn có sức lan tỏa.

Sài Gòn - Gia Định gây thương nhớSài Gòn - Gia Định gây thương nhớ

Cầm trên tay cuốn Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2 của nhà văn, nhà báo Cù Mai Công, một lần nữa, tôi lại bị "lạc trôi" vào những câu chuyện của một thuở Sài Gòn - Gia Định gợi nhiều thương nhớ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên