07/02/2024 13:34 GMT+7

Tháo dỡ các công trình lấn chiếm đất rừng trên đèo Ngoạn Mục

Bốn trường hợp tự ý dựng chòi trái phép trên đất rừng tại khu vực đèo Ngoạn Mục ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) đã bị cưỡng chế tháo dỡ hoàn toàn.

Bốn trường hợp tự ý dựng chòi trái phép trên đất rừng tại khu vực đèo Ngoạn Mục đã bị cưỡng chế, tháo dỡ hoàn toàn - Ảnh: DUY NGỌC

Bốn trường hợp tự ý dựng chòi trái phép trên đất rừng tại khu vực đèo Ngoạn Mục đã bị cưỡng chế, tháo dỡ hoàn toàn - Ảnh: DUY NGỌC

Những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, chúng tôi đã trở lại khu vực đèo Ngoạn Mục đoạn từ xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đi thị trấn D'Ran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) - nơi bị nhiều hộ dân lấn chiếm đất rừng để dựng chòi trái phép trong lâm phận rừng phòng hộ thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha.

Đã vi phạm còn nhắn tin, thuê người đe dọa lực lượng bảo vệ rừng

Ngày 7-2, dẫn chúng tôi đến hiện trạng đất rừng bị lấn chiếm nằm trên đèo Ngoạn Mục cách Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha chừng 3km, ông Thái Xuân Lam - phó trưởng ban Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha - cho biết các trường hợp vi phạm mà Tuổi Trẻ Online phản ánh từ hồi tháng 10-2023 đã bị lực lượng kiểm lâm, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ cùng các ngành liên quan cưỡng chế tháo dỡ hoàn toàn, trả lại không gian thông thoáng cho đất rất sau nhiều năm bị lấn chiếm.

Ông Lam cho hay sau khi thực hiện xong nhiệm vụ cưỡng chế, tháo dỡ các trường hợp trên thì có một số đối tượng đã nhắn tin vào số điện thoại cá nhân để đe dọa và có thông tin phản ánh không trung thực làm xấu đi hình ảnh của lực lượng bảo vệ rừng.

"Thậm chí có một số đối tượng có dấu hiệu nghiện ma túy dùng hung khí đến tận nhà hoặc đến trạm bảo vệ rừng đe dọa trực tiếp.

Hay khi thấy lực lượng bảo vệ rừng đi tuần tra các đối tượng đi theo dùng những lời lẽ khiếm nhã để chửi bới làm anh em hoảng sợ không có tinh thần công tác" - ông Lam nói.

Những tin nhắn với lời lẽ khiếm nhã do các đối tượng gửi cho lực lượng bảo vệ rừng - Ảnh: DUY NGỌC

Những tin nhắn với lời lẽ khiếm nhã do các đối tượng gửi cho lực lượng bảo vệ rừng - Ảnh: DUY NGỌC

Còn ông Trần Ngọc Hiếu - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết - Sở đã tiếp nhận được báo cáo vụ việc từ Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha.

"Thời gian tới chúng tôi cũng đề nghị công an cùng các ngành liên quan vào cuộc xác minh các đối tượng trên để có những biện pháp xử lý thích đáng, nhằm đảm bảo an toàn và đảm bảo công tác bảo vệ rừng được tốt nhất" - ông Hiếu nói.

Trực xuyên Tết để giữ rừng không bị tái lấn chiếm

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Hiếu - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết - những ngày cận Tết là thời điểm lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên các đối tượng sẽ lợi dung thời cơ này tái lấn chiếm đất rừng.

"Để kiên quyết không cho các đối tượng này vào rừng tái lấn chiếm, từ đầu năm chúng tôi đã thành lập thêm các chốt trực 24/24, đặc biệt là những điểm nóng như đèo Ngoạn Mục. 

Hiện tại các chốt bảo vệ rừng sẽ trực xuyên Tết, mỗi chốt bố trí từ 5 đến 6 người và thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát" - ông Hiếu nói.

Những ngày cận Tết giáp Thìn 2024, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời tình trạng tái lấn chiếm đất rừng - Ảnh: DUY NGỌC

Những ngày cận Tết giáp Thìn 2024, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời tình trạng tái lấn chiếm đất rừng - Ảnh: DUY NGỌC

Ông Hiếu thông tin thêm, các chốt trực bảo vệ rừng đã sẵn sàng cho ca trực Tết Giáp Thìn 2024, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

"Để anh em lực lượng bảo vệ rừng an tâm công tác trong những ngày Tết, ngành nông nghiệp đã đến thăm, tặng quà... kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyên vọng để động viên các anh em làm nhiệm vụ bảo vệ rừng trong dịp Tết" - ông Hiếu chia sẻ.

Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, tại khu vực đèo Ngoạn Mục đoạn từ xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đi thị trấn D'Ran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) có gần 30 trường hợp lấn chiếm đất trong lâm phận rừng phòng hộ và phần đất thuộc hành lang an toàn đường bộ để xây dựng các công trình trái phép.

Đáng chú ý trong các trường hợp lấn chiếm trên có Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình đã chiếm 1.909m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn đường bộ và một phần diện tích đất rừng phòng hộ để dựng nhà tiền chế.

Qua thống kê có 26 hộ dân, doanh nghiệp vi phạm, trong đó có 19 trường hợp lấn chiếm đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn quốc lộ 27, 6 trường hợp tự ý dựng chòi trái phép trong lâm phận rừng phòng hộ thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha.

Chấn chỉnh việc lấn chiếm đất rừng và hoạt động du lịch tại bãi Đá TrứngChấn chỉnh việc lấn chiếm đất rừng và hoạt động du lịch tại bãi Đá Trứng

TTO - Liên quan bài viết “Ngang nhiên lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm du lịch”, UBND xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) cho biết đã lập đoàn kiểm tra, xử lý và chấm dứt tình trạng kinh doanh du lịch ở khu vực bãi Đá Trứng.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên