17/05/2024 09:30 GMT+7

Thái Lan tung 'thị thực vàng' thu hút đầu tư, nhân tài nước ngoài

Thái Lan phê chuẩn chính sách cấp thị thực 10 năm và ưu đãi thuế cho nhân lực nước ngoài chất lượng cao để thu hút nhân tài và vốn đầu tư.

Trụ sở EEC tại tỉnh Rayong, Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post

Trụ sở EEC tại tỉnh Rayong, Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post

Nhiều quốc gia ASEAN đang triển khai chính sách thị thực ưu đãi, cấp quyền cư trú dài hạn cho nhà đầu tư và nhân sự chất lượng cao, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh cao về nguồn nhân lực của các ngành công nghệ mới.

Thu hút nhân tài

Theo báo Bangkok Post ngày 15-5, Nội các Thái Lan vừa phê duyệt loại thị thực đặc biệt dành cho các giám đốc điều hành và chuyên gia làm việc tại Hành lang kinh tế phía đông (EEC) của nước này. Được văn phòng EEC đề xuất, loại thị thực đó nhằm thu hút các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau đến với EEC.

Theo đó, thị thực có giá trị trong 10 năm, cho phép người sở hữu có thể nhập cảnh, xuất cảnh Thái Lan nhiều lần, miễn không vượt quá thời hạn của hợp đồng lao động. Trong lần cấp đầu tiên, loại thị thực này cho phép nhập cảnh và lưu trú tại Thái Lan trong tối đa 5 năm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cư trú và làm việc tại EEC còn được hưởng mức thuế thu nhập cá nhân đặc biệt 17%, so với mức thuế thu nhập lũy tiến có mức tối đa 35% hiện hành.

EEC là khu vực kinh tế nằm trên ba tỉnh phía đông Thái Lan gồm: Rayong, Chonburi và Chachoengsao. Thái Lan đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023 - 2027, EEC sẽ thu hút tổng vốn đầu tư trung bình hằng năm khoảng 2,8 tỉ USD.

Các lĩnh vực chính thu hút đầu tư vào EEC bao gồm dịch vụ y tế, kỹ thuật số, xe điện, công nghệ sinh học, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.

Từ cuối tháng 1-2024, báo điện tử Jakarta Globe cho biết Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu thu hút ít nhất 1.000 nhà đầu tư thông qua chương trình "thị thực vàng", một phần trong nỗ lực thu hút nhân tài chất lượng cao và dòng vốn vào quốc gia Đông Nam Á này.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, nếu có kế hoạch thành lập công ty ở Indonesia với mức đầu tư ít nhất 2,5 triệu USD, họ sẽ đủ điều kiện lưu trú 5 năm. Thời gian lưu trú sẽ được kéo dài đến 10 năm nếu khoản đầu tư cao hơn 5 triệu USD. Chương trình thị thực này cũng áp dụng cho các nhân sự thuộc doanh nghiệp đầu tư vào Indonesia với mức khởi điểm 25 triệu USD.

Vào tháng 9-2023, CEO OpenAI Sam Altman là người đầu tiên nhận "thị thực vàng" của Indonesia. Tổng cục trưởng Tổng cục Nhập cư Indonesia Silmy Karim khi đó cho biết sẽ cấp phép cư trú 10 năm cho ông Altman và hy vọng ông sẽ hỗ trợ phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo ở Indonesia.

Cạnh tranh "thị thực vàng"

Theo tạp chí Uglobal, bằng cách đưa ra những ưu đãi và điều khoản thuận lợi trong việc cấp quyền cư trú dài hạn hay quyền công dân cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư.

Các chương trình "thị thực vàng" như trên vốn thường thấy ở các nước châu Âu hay Mỹ, nhưng kể từ sau đại dịch COVID-19, tình hình đã thay đổi. Nhiều nước châu Á đang bắt đầu có sự cạnh tranh về chương trình "thị thực vàng".

Các nước như Singapore, Malaysia và Thái Lan bắt đầu theo đuổi chính sách nhập cư thân thiện hơn, đặc biệt để thu hút những người giàu có và nhân tài từ các ngành nghề.

Theo tạp chí Fortune, người giàu ở các nước như Trung Quốc, Nga và Mỹ rất quan tâm đến các chương trình thị thực đầu tư. Trong đó, người giàu ở Mỹ đang có xu hướng tìm kiếm "thị thực vàng" ở những nước có chất lượng sống tốt và chi phí phải chăng khi nhu cầu làm việc từ xa gia tăng.

Với các nước có nhiều điều kiện thuận lợi như Singapore, chương trình thị thực đầu tư của họ có phần "đắt đỏ" hơn các nước khác trong khu vực.

Năm 2004, Singapore lần đầu triển khai chương trình thị thực đầu tư 5 năm với yêu cầu khoản đầu tư ít nhất là 2,5 triệu SGD (1,86 triệu USD).

Tuy nhiên, kể từ tháng 3-2023, ngưỡng đầu tư này đã tăng lên gấp 4, với ít nhất khoảng 10 triệu SGD (7,42 triệu USD). Điều này khiến chương trình thị thực đầu tư của đảo quốc sư tử được xếp vào diện "cao giá" nhất thế giới.

"Việc tăng gấp 4 lần số tiền đầu tư không phải là vấn đề. Bên cạnh tiền bạc, còn có nhiều tiêu chí khác nhằm đảm bảo chỉ có những doanh nhân hàng đầu có thành tích kinh doanh đáng kể mới đủ điều kiện", giám đốc điều hành Công ty tư vấn quốc tịch EC Holdings (Singapore) Phillipe May bình luận.

Hong Kong nối lại chính sách thị thực

Trong nỗ lực khôi phục vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu, vào cuối năm ngoái Hong Kong thông báo sẽ nối lại chương trình nhập cư mà đặc khu này đã ngừng từ tám năm trước.

Theo đó, những người có mức đầu tư hơn 30 triệu HKD (3,85 triệu USD) vào bất động sản phi dân cư, cổ phiếu và các tài sản tài chính khác sẽ đủ điều kiện trở thành thường trú nhân ở Hong Kong. Chương trình này sẽ bắt đầu nhận đơn từ giữa năm nay, theo báo Nikkei Asia.

Thái Lan tiếp tục miễn thị thực với khách Ấn Độ và Đài LoanThái Lan tiếp tục miễn thị thực với khách Ấn Độ và Đài Loan

Theo trang Bloomberg, Thái Lan đang nỗ lực thu hút khách nước ngoài đến nước này du lịch nhằm cải thiện nền kinh tế đang trì trệ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên