25/02/2024 10:51 GMT+7

Tặng ngôi trường 100 tỉ đồng cho vùng cao

Ngôi trường trị giá 100 tỉ đồng là một trong bốn dự án đang được thầy Nguyễn Xuân Khang triển khai tại Mèo Vạc, Hà Giang.

Thầy Nguyễn Xuân Khang chụp ảnh với những sinh viên tham gia dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc, Hà Giang - Ảnh: VĨNH HÀ

Thầy Nguyễn Xuân Khang chụp ảnh với những sinh viên tham gia dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc, Hà Giang - Ảnh: VĨNH HÀ

Trong thời khắc giao giữa năm cũ và năm mới, nhà nhà lo đón Tết, vui xuân, du lịch thì ngồi một mình trong căn phòng làm việc tại Trường Marie Curie (Hà Nội) thầy Nguyễn Xuân Khang vẫn nhắn những dòng tin mang nhiều trăn trở và hy vọng về các dự án ông và cộng sự đã và đang tiếp tục hỗ trợ cho vùng khó Mèo Vạc (Hà Giang).

"Tôi mong thiên thời - địa lợi- nhân hòa và bản thân mình khỏe mạnh bình thường để hoàn thành bốn dự án giúp bà con Mèo Vạc", thầy Khang chia sẻ mong ước những ngày đầu năm mới.

Bốn dự án hỗ trợ

Bốn dự án thầy Khang triển khai và đầu tư kinh phí hỗ trợ là dự án trồng rừng ở Khâu Vai (Mèo Vạc); dạy tiếng Anh trực tuyến cho 2.600 học sinh ở Mèo Vạc trong ba năm từ lớp 3 đến hết lớp 5 (cấp tiểu học); đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc theo phương thức cử tuyển và xã hội hóa, với khoảng 30 sinh viên được đào tạo 4 năm và trở về làm việc tại địa phương này.

Dự án thứ tư, chỉ mới bàn bạc thống nhất vào cuối tháng 1-2024, nhưng đã bắt đầu khởi công ngay sau dịp Tết Nguyên đán: xây một ngôi trường trị giá 100 tỉ đồng.

Là một người từng tha thiết mong muốn cầm súng lên biên giới bảo vệ Tổ quốc, thầy Nguyễn Xuân Khang cũng gắn bó với giáo dục vùng khó từ thời còn trẻ. Ông từng mô tả cái đói, cái rét trong quãng ngày thiếu thốn ấy như thấm vào tận xương tủy.

Có lẽ đó cũng là lý do khiến ông đồng cảm nhiều hơn và khi đã là một nhà quản lý giáo dục có điều kiện về tiền bạc, ông đã biến sự đồng cảm thành hành động cụ thể.

Không phải chỉ có bốn dự án mà đã nhiều lần thầy Nguyễn Xuân Khang đáp lại lời mong mỏi, kêu gọi của đồng nghiệp, của người dân sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để mua cơm cho học trò vùng khó hay hỗ trợ bằng những việc làm thiết thực.

Cách đây 45 năm, khi đó tôi 30 tuổi, tôi đã viết tâm thư xin nhập ngũ vì muốn cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc. Nhưng tôi không được toại nguyện vì tôi bị hỏng mắt trái, còn mắt phải cận nặng đến 12 đi ốp. Không được dùng xương máu thì tôi xin dùng mồ hôi, công sức để giữ đất biên cương.
Thầy Nguyễn Xuân Khang

Ngôi trường 100 tỉ đồng

Nhân buổi lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc về Hà Nội thăm Trường Marie Curie vào tháng 11-2023, ý tưởng đầu tư xây trường dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc được đặt ra.

Tháng 1-2024, thầy Khang có cuộc họp với UBND huyện Mèo Vạc về việc này. Ông cũng "chốt" luôn việc sẽ đầu tư hoàn toàn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngôi trường này với dự kiến khoảng 100 tỉ đồng.

Với chỉ đạo của thầy Nguyễn Xuân Khang, Trường Marie Curie Hà Nội mời các kiến trúc sư bắt tay vào khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ dự án xây dựng, đồng thời lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thi công.

Dự án được chính thức khởi động ngày 20-2-2024, chỉ sau cuộc bàn bạc không đầy một tháng. Dự kiến ngôi trường này sẽ hoàn thành vào tháng 1-2026 và bàn giao cho UBND huyện Mèo Vạc quản lý, vận hành theo loại hình trường công lập trọng điểm của huyện.

Đây là món quà người thầy ở Hà Nội muốn tặng lại cho người dân, học sinh ở vùng cực Bắc. Nếu mọi việc diễn ra đúng tiến độ thì năm học 2026-2027 trường có thể tuyển sinh lớp học sinh đầu tiên.

Ông Ngô Mạnh Cường - phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc - cho biết lãnh đạo huyện và lãnh đạo tỉnh Hà Giang đánh giá cao sự hỗ trợ của Trường Marie Curie Hà Nội và cá nhân thầy Nguyễn Xuân Khang.

"Là một huyện vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, ngôi trường mà thầy Xuân Khang tặng cho chúng tôi càng có ý nghĩa và quý giá. Nó là điều người dân Mèo Vạc từng mơ ước bấy lâu", ông Cường chia sẻ.

"100 tỉ đồng là số tiền rất lớn, vì sao thầy có thể quyết nhanh thế?" - nghe điều băn khoăn này, thầy Khang chỉ cười. Ông không trả lời trực tiếp mà chia sẻ một bài viết khác mà ông cho biết đã rất tâm đắc và thấy gần với điều ông suy nghĩ.

Bài viết đặt ra vấn đề "nhiều tiền thì làm gì?" và bày tỏ quan điểm: Trường hợp tiền bạc, tài sản để lại cho con cái, nếu chúng là những người giỏi giang, có chí hướng thì chúng cũng không cần dựa vào tiền của cha mẹ để mãi mãi không thoát được cái bóng của cha mẹ. Còn chúng không giỏi giang mà lại có ít tiền bạc thì là mầm họa.

Thế nên nếu có tiền mà lo không biết làm gì thì nên xây trường, xây bệnh viện, cải tạo môi trường, trồng rừng, lập quỹ học bổng, xây thư viện, bảo tàng, tài trợ cho nghiên cứu khoa học… Điều bài viết nêu lên đã "thay lời muốn nói" cho lựa chọn của thầy Xuân Khang.

Thầy Nguyễn Xuân Khang chơi kéo co với học sinh Trường MarieCurie Hà Nội - Ảnh: nhà trường cung cấp

Thầy Nguyễn Xuân Khang chơi kéo co với học sinh Trường MarieCurie Hà Nội - Ảnh: nhà trường cung cấp

Trồng rừng và trồng người

Năm 2021, Trường Marie Curie Hà Nội có ba học sinh lớp 7 cùng nhau viết một cuốn sách có tựa đề "Một mẩu rừng cho bạn".

Cuốn sách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thanh thiếu niên trong việc bảo vệ rừng cũng là bảo vệ môi trường sống. Cuốn sách được Trung tâm truyền thông Tài nguyên - Môi trường hỗ trợ bán sách để lấy tiền góp vào chương trình trồng 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn ở Mèo Vạc giai đoạn 2021-2025.

Khi biết việc này, thầy Xuân Khang thay mặt trường mua 2.000 cuốn sách đưa tới các học sinh để lan tỏa thông điệp ý nghĩa. Thông điệp của năm học mới 2021-2022 ngay sau đó được thầy Xuân Khang quyết định chọn chủ đề hướng tới việc trồng 1 vạn cây xanh cho Mèo Vạc.

Đó là khởi đầu của dự án trồng rừng mà thầy Xuân Khang khởi xướng. Tới nay, dự án này đã trồng 1,2 vạn cây sa mộc tại Khâu Vai (Mèo Vạc). Sau ba năm, số cây trồng này đã cao 1,2-1,5m. Dự án chuẩn bị cho giai đoạn 2 trồng 2-3 vạn cây sa mộc trong năm 2024.

Năm học 2022-2023, khi lần đầu tiên học sinh lớp 3 học chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó bắt buộc phải học tiếng Anh, cả huyện Mèo Vạc chỉ có một giáo viên tiếng Anh tiểu học. Nguy cơ không thể thực hiện được việc dạy học môn tiếng Anh với học sinh lớp 3 năm đó ở ngay trước mắt.

Biết tin từ báo chí, thầy Nguyễn Xuân Khang đã chủ động liên hệ với huyện Mèo Vạc.

Ông đề xuất một hình thức dạy trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh lớp 3. Sau khi khảo sát và tính toán để đảm bảo chất lượng, thầy Khang quyết định phải tuyển thêm giáo viên mới.

Gần 20 giáo viên trẻ được tuyển dụng và được tập huấn kỹ để dạy trực tuyến. Việc dạy trực tuyến cho 2.600 học sinh đã bước sang năm học thứ hai và dự kiến sẽ duy trì cho tới khi số học sinh này học hết tiểu học.

Hỗ trợ đào tạo giáo viên tiếng Anh

Thầy Xuân Khang cho rằng cần phải hỗ trợ để có một hướng đi bền vững hơn. Ông đặt vấn đề với huyện Mèo Vạc và lãnh đạo tỉnh Hà Giang về việc hỗ trợ đào tạo giáo viên.

Những sinh viên là người địa phương đang học ngành sư phạm tiếng Anh hoặc tiếng Anh ở các trường đại học được lựa chọn. Trên cơ sở tình nguyện và cam kết của sinh viên, thầy Xuân Khang cấp tiền hỗ trợ cho các em trong bốn năm học cho tới khi các em ra nghề, trở về Mèo Vạc dạy học.

Tổng số tiền hỗ trợ khoảng 12 tỉ đồng.

Thầy Khang cho biết hiện đã có 17 sinh viên tham gia dự án, trong thời gian tới sẽ tuyển thêm 13 sinh viên nữa. Năm 2026 sẽ có sinh viên trong diện này tốt nghiệp và về dạy học ở Mèo Vạc.

Một trong những người mở trường tư đầu tiên

Thầy Nguyễn Xuân Khang là một trong những nhà giáo dục mở trường tư thời kỳ đầu tiên ở Hà Nội, cùng thời với nhiều nhà giáo dục khác như thầy Văn Như Cương, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Tùng Lâm…

Thầy Khang lập Trường Marie Curie Hà Nội năm 1992, tới nay đã 32 năm. Ông là chủ đầu tư duy nhất của ngôi trường này và làm hiệu trưởng cho tới năm 2023, trước khi chuyển sang chức danh mới là chủ tịch hội đồng trường.

Gõ cửa khắp nơi vận động xây trường cho trẻ vùng caoGõ cửa khắp nơi vận động xây trường cho trẻ vùng cao

TTO - Suốt 6 năm kể từ ngày nhận quyết định từ miền xuôi lên miền ngược, anh cán bộ Hội gõ cửa khắp nơi, kết nối các nhà hảo tâm cùng dựng trường cho trẻ em, dựng nhà cho đồng bào vùng cao nơi anh công tác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên