22/07/2023 19:00 GMT+7

'Sơn Xe Ôm' dạy kèm tiếng Anh

'SXO' cái tên có vẻ Tây và khó hiểu nhưng thực ra chỉ là chữ viết tắt của 'Sơn Xe Ôm'. Đây là nhóm dạy kèm tiếng Anh được nhiều sinh viên biết đến.

Sơn dạy kèm tiếng Anh với đối tượng chính là người mất gốc tiếng Anh - Ảnh: V.P

Sơn dạy kèm tiếng Anh với đối tượng chính là người mất gốc tiếng Anh - Ảnh: V.P

Ông chủ của SXO là Ngô Thanh Sơn, sinh viên năm cuối ngành du lịch Trường ĐH Văn Hiến. Nói về lý do chọn cái tên này, Sơn cho biết mình từng có hai năm vừa học đại học vừa chạy xe ôm.

Cũng công việc đó mà Sơn từ chỗ mất gốc tiếng Anh trở thành người có thể nói trôi chảy. Sơn muốn học viên của mình biết điều này và xem đó là động lực để có thể tích lũy tiếng Anh mỗi ngày.

Học tiếng Anh từ chạy xe ôm

"Go, go?". Sơn hơi lên giọng để khách nước ngoài biết mình đang hỏi họ có đi xe ôm không. Khi khách lên xe, họ nói "market". "Bến Thành market - chợ Bến Thành", Sơn hỏi. Khách gật đầu lia lịa.

Trên đường đi, khách nước ngoài hỏi nhiều thứ nhưng Sơn khi đó, bằng vốn tiếng Anh nhớ được ở trường phổ thông, Sơn nói với họ "popular" - ý nói ngôi chợ này được nhiều người biết.

Đó là những gì Sơn nhớ lại khi lần đầu nói chuyện với người nước ngoài. Nhớ được từ nào nói từ đó nhưng người nước ngoài hiểu và liên tục gợi chuyện.

"Động lực của tôi khi đó là kiếm tiền trang trải chi phí cuộc sống và học phí. Nói chuyện được với người nước ngoài cũng là lợi thế. Khách thích và bo thêm tiền. Lâu dần tôi bắt đầu thích tiếng Anh, thích nói chuyện với người nước ngoài. Tôi học tiếng Anh từ những cuốc xe ôm như vậy" - Sơn kể về hành trình của mình.

Khi đó, Sơn học năm nhất ngành kỹ thuật xây dựng một trường đại học tại TP.HCM. Sơn được sinh ra và sống với bà ngoại từ khi còn ẳm ngửa tại Chơn Thành, Bình Phước. Sống với bà, Sơn tự lập từ nhỏ.

Khi vào đại học, Sơn phải tự xoay sở để trang trải chi phí học tập và học phí. Trong khi bạn bè chọn những công việc làm thêm khác, Sơn chọn chạy xe ôm. Bởi với Sơn, chạy xe ôm vừa giúp kiếm tiền, vừa giúp Sơn biết đường Sài Gòn. Sơn nói hồi phổ thông, học tiếng Anh rất tệ. Sơn cũng chưa từng sử dụng tiếng Anh nói chuyện, phần vì tiếng Anh kém phần vì không có môi trường.

Tuy nhiên, khi chạy xe ôm, Sơn buộc phải nói tiếng Anh bởi nó giúp Sơn kiếm được nhiều tiền hơn khi chở khách nước ngoài. Nói chuyện với người nước ngoài, mỗi ngày Sơn học thêm được một ít về từ vựng, cách phát âm, cách nói một câu dài, luyện sự tự tin. Sau hai năm, Sơn có thể nói chuyện khá tốt với người nước ngoài.

Cuộc sống tạm ổn nhưng việc học khi đó lại rất tệ. Vì ngành học không phù hợp nên Sơn chán nản, điểm số lẹt đẹt và quan trọng là không có động lực để cố gắng. Vậy là Sơn bỏ học ngang sau khi hoàn thành năm hai đại học. Thích nói chuyện với người nước ngoài nên Sơn quyết định chọn học ngành du lịch Trường ĐH Văn Hiến vì cho rằng sẽ được gặp người nước ngoài nhiều hơn.

Ngô Thanh Sơn
Những bạn có đầy đủ cha mẹ, nếu thất bại hay quá khó khăn họ vẫn còn có đường lùi. Còn tôi phải tiến lên vì không có đường quay lại.

Sơn vẫn chạy xe ôm như trước đây. Trong một lần, khách có tên nửa Tây nửa ta nên Sơn đoán là Việt kiều. Sau một lúc nói chuyện, Sơn mới biết ông là giám đốc một công ty lữ hành chuyên đón khách nước ngoài.

Ông hỏi chuyện và nói Sơn nếu thích làm về du lịch thì đến công ty trao đổi. Lúc đó Sơn mới năm nhất, chưa có kiến thức nhiều về ngành du lịch nên cũng đắn đo nhưng cuối cùng cũng đến công ty.

Tour đầu tiên, Sơn được giao dẫn bốn khách Ấn Độ. Dù tiếng Anh của họ rất khó nghe nhưng Sơn cũng hoàn thành tốt và tiếp tục được giao hướng dẫn các đoàn khách. Sơn là nhân viên chính thức công ty từ năm 2019.

Trong một lần dẫn khách, có một số trục trặc và Sơn cần phải giải thích cho họ. Lúc này Sơn lúng túng và nhận ra mình còn yếu về ngữ pháp và hiểu biết chuyên sâu về một lĩnh vực để trao đổi. Vậy là Sơn tập trung học thêm về ngữ pháp để lắp những mảnh ghép còn thiếu.

Học cách cho đi

Sơn trong một lần dẫn tour khách nước ngoài - Ảnh: V.P

Sơn trong một lần dẫn tour khách nước ngoài - Ảnh: V.P

Từ chỗ dẫn tour cho công ty, Sơn được khách giới thiệu nên sau này tự nhận tour của khách nước ngoài. Công việc hợp sở thích, thu nhập khá. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm thay đổi tất cả. Khách nước ngoài không còn đến Việt Nam, Sơn chuyển sang hướng khác. Trong lúc trao đổi với bạn bè, Sơn nhận thấy các bạn mất gốc tiếng Anh. Sơn đề nghị kèm cho họ.

Buổi học đầu tiên diễn ra ở quán cafe và cứ tiếp tục vài tháng như vậy. Những người bạn này đã giới thiệu thêm học viên mới. Khi số lượng đông, không thể tổ chức lớp ở quán cafe, Sơn thuê nhà, mở lớp lấy tên "Kèm tiếng Anh SXO". Đối tượng của SXO là những người mất gốc tiếng Anh.

Sơn nói lý do chọn đối tượng này bởi nhiều người thực sự mất gốc, đã học thêm tiếng Anh nhưng không hiệu quả. Điều này khiến họ thiếu tự tin, không có động lực học tiếng Anh. Họ cần phương pháp, lộ trình phù hợp. Mà phương pháp đó Sơn rút ra từ chính bản thân mình.

"Khi đó tôi chỉ nói bập bẹ, nói sai, phát âm chưa đúng nhưng người nước ngoài họ không chê. Họ thương, mớm để tôi nói nhiều hơn, sửa cho tôi những chỗ chưa đúng. Họ đã khích lệ và tạo cho tôi vượt qua sự tự ti, cho tôi động lực. Buổi đầu tiên kèm cho những người bạn tôi rất hứng khởi vì được chia sẻ. Các bạn tiến bộ cũng là động lực cho bản thân mình" - Sơn cho biết thêm. Ngoài chương trình tiếng Anh cho người mất gốc, SXO gần đây mở rộng kèm IELTS.

Sơn nói những bạn có đầy đủ cha mẹ, nếu thất bại hay quá khó khăn họ vẫn còn có đường lùi. Còn Sơn phải tiến lên.  

Và có lẽ sự cố gắng đã giúp cho Sơn gặp nhiều may mắn. "Tôi may mắn gặp được nhiều người tốt, họ đã "cho" tôi rất nhiều. Họ tạo điều kiện để tôi học hỏi, làm việc. Tôi luôn biết ơn những điều đó" - Sơn chia sẻ. Cũng chính vì "nhận" từ nhiều người nên mỗi năm ít nhất một lần, Sơn yêu cầu các bạn học viên phải "học cách cho đi".

Những chuyến từ thiện, giúp đỡ học sinh nghèo được Sơn tổ chức. Lúc thì quà bánh, thực phẩm, khi thì sách vở quần áo. Sơn nói đó là cách để các bạn và bản thân mình "cho đi" để cảm ơn cuộc đời, những người đã giúp đỡ mình.

Người có tâm

Sơn nói mình đã nhận được quá nhiều và đang học cách cho đi - Ảnh: V.P

Sơn nói mình đã nhận được quá nhiều và đang học cách cho đi - Ảnh: V.P

Cô Nguyễn Thị Diễm Tuyết - Phó trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Văn Hiến - cho biết có thể Sơn có xuất phát điểm không tốt bằng những bạn khác nhưng Sơn cố gắng rất nhiều. Nhiều sinh viên đi làm thêm, sao nhãng việc học nhưng Sơn học hành nghiêm túc, luôn đi học đúng giờ, chăm chỉ. Sơn đã hoàn thành chương trình, chờ nhận bằng tốt nghiệp.

"Tôi từng đưa Sơn tham dự cuộc thi hướng dẫn viên du lịch do một trường đại học tổ chức, Sơn đạt giải tư. Tôi thấy Sơn rất có tâm. Bản thân không dư dả như người khác nhưng em đã giúp các bạn, tổ chức các chuyến thiện nguyện, chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Sơn kết nối được rất nhiều bạn bè trong nước và quốc tế, xây dựng được kênh YouTube để truyền cảm hứng tích cực cho các bạn trẻ yêu thích đam mê nghề "hướng dẫn viên du lịch".

Người phụ nữ 71 tuổi 4 năm đi xe buýt từ Tiền Giang lên TP.HCM học thạc sĩNgười phụ nữ 71 tuổi 4 năm đi xe buýt từ Tiền Giang lên TP.HCM học thạc sĩ

TTO - Một nữ giáo viên nghỉ hưu ở Tiền Giang đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ở tuổi 71. Để có ngày bảo vệ luận văn, ròng rã suốt 4 năm, mỗi lần đi học bà phải đi trên dưới 200km từ Tiền Giang lên TP.HCM qua 6 chuyến xe buýt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên