06/03/2020 10:19 GMT+7

Sơn nhà phố cổ Bao Vinh: Công sơn tốn kém, màu lại quá tươi?

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Tỉnh Thừa Thiên Huế phát miễn phí sơn màu cho 54 hộ dân ở phố cổ Bao Vinh với mong muốn "khoác áo mới" cho các ngôi nhà giáp mặt sông Hương, tạo điểm nhấn du lịch cho phố cổ. Tuy nhiên, phần đông các hộ dân ở đây lại từ chối nhận sơn.

Sơn nhà phố cổ Bao Vinh: Công sơn tốn kém, màu lại quá tươi? - Ảnh 1.

Một mặt sau của dãy nhà nằm dọc sông Hương ở phố cổ Bao Vinh - Ảnh: NÔNG THANH TOÀN

Dự kiến mỗi hộ được hỗ trợ 1kg sơn/5m2 (với tổng diện tích cần sơn là khoảng 2.000m2). Các hộ dân sẽ tự đăng ký 1 trong 5 màu sơn gồm: xanh lá cây nõn chuối, vàng nhạt, đỏ chu, xanh dương và hồng phấn.

Kế hoạch này ban đầu nhận được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên sau khi triển khai, hiện chỉ mới có 7 hộ dân đã nhận sơn và sơn nhà. Nhiều hộ còn lại vẫn chưa nhận sơn vì nhiều lý do vướng mắc.

Sơn nhà phố cổ Bao Vinh: Công sơn tốn kém, màu lại quá tươi? - Ảnh 2.

Bên trong căn nhà cổ đã xuống cấp khá nghiêm trọng của ông Phan Tâm ở phố cổ Bao Vinh - Ảnh: NHẬT LINH

"Bỏ tiền triệu ra sơn nhà là rất khó"

Ông Lê Kim Anh - chủ một căn hộ ở phố cổ - cho biết gia đình ông vẫn chưa nhận sơn về vì nếu tính toán lượng sơn cho nhà của ông như vậy sẽ không đủ.

Theo ông Kim Anh, nếu muốn sơn đẹp thì phải sơn 2 lớp, chứ tính 1kg/5m2 như vậy thì màu sơn sẽ không đẹp vì tường mặt sau nhà ông đã cũ.

Tương tự, gia đình ông Hồ Văn Sỹ hiện vẫn chưa nhận sơn. Theo ông Sỹ, dù rất muốn nhận sơn về nhưng gia đình không có người sơn, trong khi thuê thợ thì rất đắt tiền.

"Muốn sơn mặt sau của căn nhà, người thợ sơn phải lắp giàn giáo chắc chắn trên một chiếc thuyền lớn như thuyền rồng du lịch. Nếu thuyền nhỏ sẽ chồng chềnh, không thể lắp giàn. Mà để tính công sơn nhà như vậy sẽ rất tốn kém" - ông Sỹ nói.

Ông Sỹ cũng cho biết thêm một số hộ dân ở đây có gia cảnh khá nghèo và người già neo đơn, nên việc bỏ tiền triệu ra sơn nhà là điều rất khó.

Ông Trần Quốc Thắng - chủ tịch UBND xã Hương Vinh - cho biết UBND xã hiện đã nhận 20 thùng sơn loại 20kg/thùng, phía chính quyền ban đầu có ý định vận động sinh viên của ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế sơn nhà cho dân, nhưng sau khi khảo sát, thấy có nơi nước sâu đến 2m nên "việc sơn nhà chỉ còn cách thuê thuyền lớn, lắp giàn giáo và phải được thực hiện bởi thợ sơn chuyên nghiệp".

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - phó chủ tịch UBND thị xã Hương Trà - cho biết thêm hiện chính quyền địa phương đang làm việc với các thợ sơn để hỏi cụ thể giá cả, tiền công sơn nhà.

Sau khi nắm giá, phía chính quyền sẽ tổ chức họp dân để thống nhất việc đóng góp tiền sơn mặt sau nhà theo hướng "chính quyền và nhân dân cùng làm".

Sơn nhà phố cổ Bao Vinh: Công sơn tốn kém, màu lại quá tươi? - Ảnh 3.

Phố cổ Bao Vinh ngày nay không còn giữ được cho mình dáng dấp của một khu phố cổ như tên gọi - Ảnh: NHẬT LINH

Sao không chọn sơn có gam màu ấm?

Cũng theo ông Trần Quốc Thắng, trong số 54 ngôi nhà được phát sơn, có hơn 10 ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc nhà cổ. Số còn lại đều là nhà xây với lối kiến trúc mới sau này.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, việc chọn sơn màu mặt sau các khu nhà ở phố cổ Bao Vinh cần phải xem xét lại và đặt trong tổng thể quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của khu phố cổ này.

Bởi việc này có thể sẽ tạo điểm nhấn trong du lịch, thu hút ánh nhìn của du khách bằng màu sắc sặc sỡ nhưng có thể làm mất đi giá trị đô thị cổ truyền thống của phố cổ Bao Vinh. "Màu sắc sơn nhà có thể làm đẹp một đô thị, nói cách khác là làm đẹp khu dân cư ven sông ở Bao Vinh chứ không phải khu phố cổ" - ông Hoa nói.

Ngoài ra, ông Hoa cũng cho rằng chính quyền cần phải soát xét lại và cân nhắc việc chọn nhiều màu sắc sơn như vậy, phải đặt việc sơn nhà vào tổng thể quy hoạch bảo tồn giá trị văn hóa khu đô thị cổ truyền thống Bao Vinh.

Sơn nhà phố cổ Bao Vinh: Công sơn tốn kém, màu lại quá tươi? - Ảnh 4.

Phố cổ Bao Vinh

Còn theo TS.KTS Nguyễn Ngọc Tùng - phụ trách khoa kiến trúc Trường ĐH Khoa học Huế, việc sơn mặt sau các căn nhà nằm dọc bờ sông Hương sẽ không ảnh hưởng gì đến quy hoạch chung của phố cổ Bao Vinh, quan trọng là phải chọn sơn thuộc các gam màu ấm được quy định trong quy hoạch bảo tồn phố cổ.

Ông Tùng cũng gợi ý nên chọn riêng một màu sơn cho những căn nhà có giá trị bảo tồn như một cách để du khách nhận diện những căn nhà này là nhà cổ và chọn ghé thăm.

Trước những lấn cấn từ phía người dân và các chuyên gia, ông Phan Thiên Định - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - nói: "Dãy nhà này đa phần được xây lại sau này chứ không phải các căn nhà cổ nên việc sơn lại mặt hậu sát sông của căn nhà sẽ chỉ làm đẹp thêm phía bờ sông, giảm bớt tình trạng nhếch nhác chứ không ảnh hưởng đến quy hoạch bảo tồn khu phố cổ Bao Vinh".

Cho rằng người dân được hưởng lợi khi khu đô thị cổ này có thêm nguồn thu từ du lịch, giải pháp trước mắt theo UBND thị xã Hương Trà là chính quyền sẽ thuyết phục người dân cùng sơn nhà và về kinh phí, tỉnh sẽ tiếp tục vận động từ người dân và nguồn xã hội hóa.

Phát huy giá trị phố cổ Bao Vinh

Một góc Bao Vinh - Ảnh: T.Trần

Một góc Bao Vinh - Ảnh: T.Trần

Phố cổ Bao Vinh thuộc xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế), cách trung tâm TP Huế khoảng 4km về hướng đông bắc, nổi tiếng với thương cảng Thanh Hà - một cảng giao thương quan trọng phục vụ cho kinh đô Huế dưới triều Nguyễn.

Nơi đây hiện còn "nghèo nàn" về sản phẩm du lịch. Theo đề án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, phố cổ Bao Vinh sẽ trở thành một trong những không gian đi bộ của Huế, được bảo tồn thông qua việc tái sử dụng những ngôi nhà truyền thống, tạo không gian buôn bán các mặt hàng của các làng nghề truyền thống.

Liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ Bao Vinh, ngày 21-2 ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thống nhất hỗ trợ khoảng 10 tỉ đồng cho UBND thị xã Hương Trà cùng các đơn vị liên quan thực hiện đề án bảo tồn nhà cổ và đồ án thiết kế đô thị khu phố cổ.

Còn lại gì ở phố cổ Bao Vinh? Còn lại gì ở phố cổ Bao Vinh?

TTO - Sau 16 năm kể từ khi quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được phê duyệt, khu phố cổ nổi tiếng này vẫn đang đứng trước ngõ cụt về bảo tồn.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên