06/10/2023 14:50 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM đề nghị: ‘Phải báo cáo ngay khi có ca nghi ngộ độc thực phẩm’

Khi nhận được thông tin trên địa bàn có ca nghi ngộ độc thực phẩm, các đơn vị y tế địa phương phải báo cáo ngay, đồng thời phối hợp điều tra nguyên nhân.

Kết quả xét nghiệm PCR phân của hai trẻ bị ngộ độc sau tiệc Trung thu (có ăn bánh su kem) tại chung cư Palm Heights cho thấy có vi khuẩn salmonella spp

Kết quả xét nghiệm PCR phân của hai trẻ bị ngộ độc sau tiệc Trung thu (có ăn bánh su kem) tại chung cư Palm Heights cho thấy có vi khuẩn salmonella spp

Đây là chỉ đạo mới nhất của Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhằm kịp thời phát hiện, xử trí, báo cáo, phối hợp điều tra nguyên nhân ngộ độc thực phẩm.

Động thái này được người đứng đầu ngành y tế đưa ra sau khi xuất hiện chùm ca bệnh ngộ độc thực phẩm tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức), trong đó có một trẻ em tử vong. 

Ngoài trường hợp này, đến thời điểm hiện tại các bệnh viện TP.HCM báo cáo có 17 trẻ tại chung cư này có triệu chứng ngộ độc đang điều trị, sức khỏe đều ổn định.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập tiếp tục thực hiện nghiêm túc công văn của Sở Y tế. 

Công văn này có nội dung về chế độ báo cáo, cũng như rà soát, xây dựng hoàn chỉnh quy trình tiếp nhận và xử trí khi phát hiện các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt lưu ý công tác báo cáo kịp thời cho Sở Y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cùng các đơn vị có liên quan khi phát hiện có trường hợp nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Tổ chức tập huấn và tập huấn lại về chẩn đoán, xử trí ngộ độc thực phẩm theo quy định. 

Song song đó, các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, thuốc men, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc hàng loạt xảy ra; tổ chức điều trị, cấp cứu kịp thời, đảm bảo an toàn người bệnh.

Phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), trung tâm y tế quận, huyện lấy mẫu điều tra, xác minh nguyên nhân gây ngộ độc.

Đối với các trung tâm y tế, phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức, giám đốc Sở Y tế yêu cầu khi nhận được thông tin trên địa bàn xảy ra trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm phải báo cáo ngay về Sở Y tế và Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM. 

Đồng thời các trung tâm phải phối hợp điều tra xác minh nguyên nhân và có giải pháp cảnh báo người dân nhằm ngăn chặn kịp thời tránh lan rộng.

Giao phòng nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế chủ động phối hợp các chuyên gia tổ chức tập huấn về chẩn đoán xử trí ngộ độc thực phẩm và ngộ độc thực phẩm hàng loạt

Rà soát lại các văn bản, quy trình, quy chế phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã ban hành trước đây để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp yêu cầu thực tế trình UBND TP.HCM xem xét quyết định.

Xem xét quy trình tiếp nhận ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Liên quan vụ cháu P.N.Q. (6 tuổi, quê Cà Mau) nghi ngộ độc sau khi ăn bánh nhưng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) không để bé nhập viện điều trị, ban giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ y chủ động thành lập hội đồng chuyên môn nhằm xem xét, đánh giá khách quan về quá trình tiếp nhận, nhận định và xử trí của Bệnh viện Lê Văn Thịnh trước ca bệnh nghi ngộ độc rồi tử vong này.

Được biết, sau khi sự việc xảy ra, cả bác sĩ trực tiếp khám cho cháu Q. và Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã có báo cáo giải trình. Dự kiến vào tuần sau hội đồng chuyên môn sẽ họp xem xét.

Ca tử vong sau ăn bánh: Ngộ độc thực phẩm, khi nào cần nhập viện?Ca tử vong sau ăn bánh: Ngộ độc thực phẩm, khi nào cần nhập viện?

Các chuyên gia y tế khuyến cáo các trường hợp ngộ độc thực phẩm nếu xử trí không đúng, bệnh nhân không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cần nhập viện ngay cả khi có những triệu chứng nhẹ để được điều trị kịp thời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên