12/07/2015 10:54 GMT+7

Serbia lên án vụ Thủ tướng Vucic bị ném đá

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 12-7, chính quyền Serbia lên án dữ dội vụ Thủ tướng Aleksandar Vucic bị dân Bosnia ném đá trúng đầu khi dự lễ tưởng niệm vụ thảm sát Srebrenica.

Các vệ sĩ che chắn cho thủ tướng Serbia trong vụ lôn xộn hôm qua ở Srebrenica - Ảnh: Reuters

Theo AFP, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic tuyên bố đây là hành vi “ám sát” và là “đòn tấn công chống lại Serbia và chính sách hòa bình, hợp tác khu vực của chúng tôi”. Hôm qua, Thủ tướng Vucic đã buộc phải tháo chạy khỏi lễ tưởng niệm vụ thảm sát Srebrenica do bị đám đông người dân địa phương chửi bới và ném đá.

Ông Vucic mới đặt hoa ở đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát 20 năm trước thì đám đông hô vang “Allahu Akbar” (Thượng đế vĩ đại) rồi chửi mắng và ném đá về phía thủ tướng Serbia. Ông Vucic phải chạy về phía các cận vệ để được che chở.

Hãng thông tấn Serbia Tanjug đưa tin ông Vucic bị một hòn đá va trúng đầu, kính của ông cũng vỡ. Sau đó, phái đoàn Serbia chạy ra xe và đi mất. Trở về Belgrade hôm nay, ông Vucic cho biết ông không bị thương và chỉ bị vỡ kính.

Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini ca ngợi việc ông Vucic đến dự lễ tưởng niệm thảm sát Srebrenica là “quyết định lịch sử” và cho rằng vụ tấn công “đi ngược lại tinh thần của ngày tưởng niệm”.

Ông Vucic là một trong số hàng loạt lãnh đạo quốc tế đến Srebrenica, Bosnia để dự lễ tưởng niệm vụ thảm sát tồi tệ 20 năm trước. Trước khi tới nơi, ông Vucic đã lên án vụ thảm sát là “tội ác khủng khiếp”. Tháng 7-1995, lực lượng người Serbia ở Bosnia tấn công Srebrenica, giết hại 8.000 người đàn ông và trẻ em nam Hồi giáo.

Các chính trị gia Serbia và người Serb ở Bosnia luôn phủ nhận quy mô vụ thảm sát, dù hai tòa án quốc tế xác định đây là hành vi diệt chủng. Mới đây tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga đã phủ quyết một nghị quyết công nhận thảm sát Srebrenica là diệt chủng.

Có mặt tại lễ tưởng niệm, bà Hamida Dzanovic, có chồng bị giết hại 20 năm trước, vô cùng bức xúc vì thấy ông Vucic xuất hiện.

“Hãy nhìn ông ta và hàng nghìn bia mộ này. Ông ta không cảm thấy xấu hổ hay sao mà không cho rằng đây là hành vi diệt chủng? Ông ta không xấu hổ hay sao mà đến đây?” - Reuters dẫn lời bà Dzanovic căm phẫn.

Vài tháng sau vụ thảm sát Srebrenica, chiến tranh Bosnia 1992-1995 chấm dứt, hòa bình được lập lại. Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100.000 người.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên