06/09/2003 18:00 GMT+7

Giấc mơ thôn Hoa Vàng

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

TTCN - Hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Văn Phúng, sinh năm 1962, nhà ở đường Nguyễn Hữu Huân, TP Nha Trang, gần như chỉ có hai nỗi đam mê là chơi đá cảnh và trồng cây. Cuộc sống của anh cứ tất bật, nhưng không phải chỉ vì chuyện áo cơm nên người ta vẫn thường gọi anh là… Phúng "điên".

XLqpMrje.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Văn Phúng
TTCN - Hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Văn Phúng, sinh năm 1962, nhà ở đường Nguyễn Hữu Huân, TP Nha Trang, gần như chỉ có hai nỗi đam mê là chơi đá cảnh và trồng cây. Cuộc sống của anh cứ tất bật, nhưng không phải chỉ vì chuyện áo cơm nên người ta vẫn thường gọi anh là… Phúng "điên".

Không điên sao được khi vào những năm đầu thập niên 1990 lúc khu vực Sông Lô còn hoang vu, chỉ là rừng cây và đìa nuôi tôm, con đường vào Sông Lô thật khó khăn. Chiếc cầu Bình Tân bề thế nằm vắt qua sông Bình Tân cũng chưa hình thành để vực dậy cả một vùng Hòn Rớ bao nhiêu năm đồng chua nước mặn, thế mà anh Phúng đã xin phép chính quyền khai thác nơi này thành một khu du lịch!

Không ngờ chính từ ý tưởng của anh mà Sông Lô đã thu hút biết bao nhiêu du khách tò mò tìm tới. Phúng có thể được coi là người đầu tiên mua dừa nguyên cây về trồng lại trên bãi biển. Với vốn liếng ít ỏi của mình, anh vay mượn người nhà, bạn bè để lao vào cuộc chơi tạo cho khu Sông Lô một nét riêng, biến khu vực vô danh này trở thành nơi hò hẹn vào những ngày nghỉ.

4eOEspii.jpgPhóng to
Thác nước nhân tạo ở khu du lịch Hòn Tre
Dọc hai bên con đường dẫn vào Sông Lô, anh đã trồng cây huyết giác khi đó là một loại cây không ai chú ý nay trở thành cây cảnh. Phúng còn mơ biến Sông Lô thành một khu du lịch đa năng…

Thế rồi Nguyễn Văn Phúng gần như trắng tay khi Sông Lô được tỉnh qui hoạch để mở khu du lịch - giải trí Sông Lô hoành tráng với kinh phí lên tới 500 tỉ đồng. Không làm du lịch nữa, Phúng quay sang chơi đá cảnh.

Năm đó (1996) phong trào chơi đá ở Nha Trang, Khánh Hòa không sôi động như bây giờ. Cũng chính Phúng khuấy động phong trào ở nơi lâu nay chỉ thích mạnh về cá cảnh, chim cảnh… Rồi anh làm chủ nhiệm CLB Nghệ thuật hoa viên Nha Trang.

Đến bây giờ dẫu bận rất nhiều việc mà người ta gọi đùa là "dời non lấp bể", Phúng vẫn sưu tầm đá cảnh, vẫn dành thời gian cho những tác phẩm đá như ngày xưa khi bắt đầu chơi đá cho tới lúc đã ngộ ra: “Đá vô tri nhưng ngắm nhìn đá, ta học từ đá biết bao điều”.

Dấu ấn của Nguyễn Văn Phúng để lại ở nhiều nơi. Tại khu du lịch Đầm Sen (TP.HCM) anh đã tạo dáng vườn Nhật độc đáo bằng đá. Tại khu suối khoáng nóng Tháp Bà (Nha Trang) du khách thích thú với thác nước nhân tạo cũng do Nguyễn Văn Phúng tạo nên.

dKjageVo.jpgPhóng to
Một cây cổ thụ đã được hồi sinh
Trong những ngày hè năm 2003, cũng chính Phúng mỗi ngày theo tàu ra khu du lịch Hòn Tre để dựng ở đây một thác nước nhân tạo cao 15m y như thật. Phúng đã trồng quanh khu vực thác nước này những cây xoài lớn và những cây cổ thụ khó có ai khác thực hiện được.

Đá cảnh và cây cảnh cứ quyện vào lòng người đàn ông da ngăm có nụ cười hồn nhiên, quê gốc Quảng Nam ấy. Ai cũng tưởng Phúng giàu lắm mới lang thang từ nơi này đến nơi khác tìm đá, tìm cây; rồi còn làm nhiều công trình khá lớn nữa.

Nhưng khi đến nhà anh mọi người hết sức ngạc nhiên, bởi có bao nhiêu tiền anh cũng đưa vào cuộc chơi của mình; quên hẳn chuyện phải lo một căn nhà khang trang cho vợ con.

Khi nghe tin có một người dám bỏ ra trên 60 triệu đồng để làm sống lại những cây cổ thụ đã có tuổi trăm năm, tôi đã đi tìm nhân vật "ngông" ấy. Để rồi tôi lại gặp người tôi từng biết: Nguyễn Văn Phúng.

Quả là chuyện... điên khi có kẻ vào Suối Dầu, bỏ ra mấy chục triệu mua lại những cây cổ thụ đã bị nhẫn tâm đốn bỏ chỉ để làm cho chúng sống lại! Nhiều chủ trang trại trồng cây cảnh đều lắc đầu khi biết chuyện.

Những ngày này anh đang bận rộn với công trình thác nước nhân tạo ngoài đảo Hòn Tre. Với người đàn ông này, thiên nhiên chính là một phần cuộc sống của anh, thấm vào da thịt anh. Dường như nếu không có cỏ cây anh chẳng phải là Nguyễn Văn Phúng.

Hơn ba năm nay anh thuê một lô đất rộng ở khu vực Trảng É, xã Phước Đồng, Nha Trang để trồng cây và dự định sẽ đặt tên cho khu vực này là Hoàng Hoa thôn. Tại sao cái tên nghe giống như trong các phim kiếm hiệp vậy?

Phúng giải thích: “Tôi có một giấc mơ là cả khu vực xã Phước Đồng này sẽ có tên mới là Hoàng Hoa thôn chứ không gọi là Đồng Bò như xưa nay nữa. Để đạt được điều đó, nhà nhà sẽ phải trồng hoa vàng. Tôi sẽ nhân giống hoa và tặng không bà con để trồng”.

Để thực hiện giấc mơ đẹp và lãng mạn này, trang trại của Phúng hiện đang trồng và nhân giống các loại cây có hoa vàng: hoàng yến, lim xẹt, quỳnh anh… cùng rất nhiều loại hoa khác. Anh dự tính sẽ tặng không bà con 100.000 cây giống.

Nhưng dấu nhấn của câu chuyện về Nguyễn Văn Phúng chính là chín cây cổ thụ trăm năm cao trên 20m, vòng tay hai người ôm mới hết đang được anh hồi sinh. Ít ai nghĩ đến chuyện cứu sống chúng sau khi đã bị đốn bỏ. Vậy mà Phúng đã làm được.

Mua với giá chỉ vài triệu, nhưng để xẻ chín cây cổ thụ ra thành 49 cây nhỏ khác mới có thể vận chuyển được, anh đã phải thuê 10 chiếc cẩu, móc với giá 25 triệu và 32 chuyến xe tải để đưa chúng đến trang trại với giá 32 triệu đồng.

Đi ngang trang trại của Nguyễn Văn Phúng, giờ đây ai cũng không khỏi tò mò ghé vào để thăm những cây cổ thụ đang được anh hồi sinh và sau đó biến nơi này thành một khoảng rừng cổ thụ.

Ở đây còn có một khu rừng cọ lẽ ra đã bị xóa sổ với lý do giải tỏa mặt bằng, có bị dỡ bỏ. Phúng cũng đã đem chúng về. Hiện anh là một người thật giàu có theo cách nói vui của bạn bè vì có trong tay cả những cánh rừng cổ thụ!

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0