24/07/2017 12:06 GMT+7

​Khi luật pháp không được lựa chọn, xã hội còn nhiều tổn thương

TRƯƠNG TRỌNG HIỂU
TRƯƠNG TRỌNG HIỂU

TTO - Những ai muốn tự mình động thủ và tự mình bảo vệ lấy mình hãy thử một lần đặt niềm tin vào công lý. Và, những ai đứng ra thực thi công lý hãy thêm một lần tiếp tục tạo dựng niềm tin.

Người phụ nữ bị nghi bắt cóc trẻ em bị đám đông đánh gục trên đường -
 Ảnh cắt từ clip
Người phụ nữ bị nghi bắt cóc trẻ em bị đám đông đánh gục trên đường - Ảnh cắt từ clip

Trong hai ngày 20 và 22-7, hai vụ đánh người, hủy hoại tài sản liên tiếp xảy ra với cùng một lý do: nghi ngờ người bị hại là đối tượng bắt cóc trẻ em. 

Một vụ xảy ra ở Hải Dương, người bị hại là doanh nhân và là khách hàng; một vụ ở Hà Nội, bên bị đánh đến trọng thương là hai người phụ nữ, thành viên hội người mù, đang đi bán tăm do những người khiếm thị làm ra và lỡ rủ lòng thương đến đám trẻ khi cha mẹ chúng vắng nhà.

Thay vì cấp báo với cơ quan công quyền và giao nộp đối tượng nghi vấn, người dân trong hai vụ việc trên đã chọn giải pháp... xuống tay tự xử lý.

Đó là hành động cần phải lên án. Luật pháp không chấp nhận những lựa chọn xâm hại đến tính mạng và lợi ích của người khác, ngay cả khi cho rằng họ là cội nguồn của mọi bực tức và tổn thương.

Cái sai này nếu được giải quyết bằng một cái sai khác thì sai chồng sai và tiếp tục như vậy sẽ không có lối thoát.

Tình trạng “tự xử lý” này kỳ thực đã xảy ra trong nhiều cuộc chiến mà dân làng đứng ra chống kẻ trộm chó, trộm mèo nảy sinh từ các năm trước.

Nếu người thành phố hiện nay ra đường cứ nơm nớp sợ cướp thì không biết đã bao nhiêu lâu rồi người dân quê ngủ không dám mở cửa sổ dù trời oi nồng và nhà không có máy lạnh, bởi con chó canh trộm cũng bị bắt, con mèo xua chuột cũng bị bẫy đi...

Phải chăng sự bế tắc trước những mối an nguy trong cuộc sống đã khiến những người dân này chọn cách tự bảo vệ mình?

Tự bảo vệ hay cầu viện công quyền, tất cả đều là phản xạ. Có nghĩa rằng đó là cách hành xử lâu ngày thành quen.

Nếu chọn tự bảo vệ một cách vô pháp mà không bị trừng trị sẽ là mối nguy lớn. Luật pháp, công lý và cả lực lượng cơ quan chấp pháp hùng hậu vẫn tiếp tục không được lựa chọn thì sự nguy hại còn lớn hơn.

Trong một khóa học về kinh tế trước đây, tôi từng khá ấn tượng với khái niệm “lạm phát kỳ vọng”. Đại ý rằng, khi người dân càng mất lòng tin vào khả năng bình ổn giá thì khả năng lạm phát càng tăng cao và tăng rất nhiều lần. Hay nói cách khác, khủng hoảng niềm tin càng trầm trọng thì gánh nặng xử lý lạm pháp của Chính phủ càng khó khăn và nan giải.

Một khi luật pháp còn không được lựa chọn thì xã hội vẫn còn nhiều tổn thương, việc xử lý vi phạm pháp luật còn nhiều cam go và đau đớn.

Vậy nên, những ai muốn tự mình động thủ và tự mình bảo vệ lấy mình hãy thử một lần đặt niềm tin vào công lý. Và những ai đứng ra thực thi công lý hãy thêm một lần tiếp tục tạo dựng niềm tin.

TRƯƠNG TRỌNG HIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên