Ở với cả thế giới

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG 25/10/2023 07:54 GMT+7

TTCT - "Ở khách sạn, bạn ở một mình. Ở homestay, bạn ở với cả thế giới".

Mô hình trồng trọt thuận tự nhiên trên cấy lúa nếp than, dưới nuôi cá chép xương cong của người Thái ở bản Lướt, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La khi đưa vào khai thác du lịch cộng đồng đã làm được một công đôi việc. Đó là vừa có cảnh quan đẹp mắt, tri thức bản địa độc đáo để du khách chiêm ngưỡng, trải nghiệm vừa có sản vật bản địa để họ thưởng thức. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Mô hình trồng trọt thuận tự nhiên trên cấy lúa nếp than, dưới nuôi cá chép xương cong của người Thái ở bản Lướt, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La khi đưa vào khai thác du lịch cộng đồng đã làm được một công đôi việc. Đó là vừa có cảnh quan đẹp mắt, tri thức bản địa độc đáo để du khách chiêm ngưỡng, trải nghiệm vừa có sản vật bản địa để họ thưởng thức. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Trong xã hội sống vội vã, gấp gáp này ngày càng có nhiều người muốn lang bang khắp chốn để được sống chậm. Khi người ta càng cô đơn thì đến một homestay để được sống trong không khí ấm áp của gia đình càng trở nên cuốn hút. Có một câu nói để minh họa rõ nhất điều này: "Ở khách sạn, bạn ở một mình. Ở homestay, bạn ở với cả thế giới".

Homestay chính là thể hiện sinh động nhất của loại hình du lịch cộng đồng ở Việt Nam.

Nhìn cái gì cũng muốn mua

Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu) nằm ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, là nơi sinh sống của 62 hộ gia đình với 303 nhân khẩu người Dao đầu bằng. Vào mùa khô, nhất là dịp cuối tuần, những người yêu thích leo núi từ khắp nơi đổ về đây để được dân bản dẫn đường đi chinh phục các đỉnh núi cách mực nước biển trên dưới 3.000m.

Tối chủ nhật, đoàn của ông Lê Văn Tùng vừa leo núi Putaleng (3.049m) theo hành trình hai ngày một đêm trở về nhà Phàn A Pao. Đoàn có tám người - từ TP.HCM, Bình Thuận, Hải Phòng, Hưng Yên… Có người chưa từng quen nhau, Pao rao trên Facebook tìm thêm thành viên, mọi người đăng ký rồi lập đoàn cùng đi.

Về đến nhà, Lù Thị Điềm, vợ Pao, tất bật nấu nướng, Pao tíu tít chạy lên nhà trên xuống nhà dưới đóng hàng cho khách. Người lấy dăm lít rượu, vài lít mật ong "loại hôm uống trên rừng ấy nhé"; người lấy cân thịt treo, cân nấm linh chi; có người còn đòi mua cả bộ bàn ghế ăn cơm đan bằng mây vì "đẹp quá, chịu khó tha lôi cồng kềnh một chút cũng bõ"…

Trương Thanh Hoa, một du khách từ Phan Thiết đến, cười bảo: "Nhìn cái gì cũng thích mua". Đây là lần thứ ba cô leo núi cùng vợ chồng Pao. Sau mỗi tour, cô luôn mang theo rất nhiều sản vật bản địa từ nhà Pao về để dùng dần. Khi không lên được, vợ chồng Pao gửi hàng về tận nhà cho cô.

Mô hình trồng trọt thuận tự nhiên trên cấy lúa nếp tan, dưới nuôi cá chép xương cong của người Thái ở bản Lướt. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Mô hình trồng trọt thuận tự nhiên trên cấy lúa nếp tan, dưới nuôi cá chép xương cong của người Thái ở bản Lướt. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Đang vui chuyện, Lù Thanh Bình, hàng xóm của Pao, là người dẫn đường của đoàn, nhớ ra sáng mai phải đi rừng lấy nốt mấy vị của bài thuốc đau xương khớp gửi cho anh Hào ở huyện Hoài Ân (Bình Định). 

Năm ngoái anh lên leo núi Putaleng, biết nhà Bình có nghề thuốc nam gia truyền nên gọi điện kể bệnh, gửi ảnh bệnh án để Bình cắt thuốc. Chứng kiến cảnh ấy, tôi nhớ đến một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khách du lịch văn hóa và di sản chi tiêu nhiều hơn 38% mỗi ngày và ở lại tổng thể lâu hơn 22% so với du khách khác.

Sì Thâu Chải cách thị trấn Tam Đường khoảng 10km, thiên nhiên đã tạo nên vùng đất với những thửa ruộng bậc thang trải dài lượn mềm mại từ bốn bề lưng núi xuống thung lũng. Khí hậu nơi đây luôn mát mẻ, trong lành, thác Tác Tình đổ trắng xóa, núi Putaleng chất ngất trước mặt, thấp hơn một chút là núi Tả Liên Sơn cao 2.966m so với mực nước biển. 

Mùa xuân, trên những cánh rừng già, hoa lê, hoa mận nở trắng tinh khôi, hoa đào tương ánh hồng, hoa lan, hoa dại quanh năm khoe sắc. Sì Thâu Chải có những điểm dừng chân đẹp nhất để ngắm toàn cảnh huyện Tam Đường.

Cảnh đã đẹp, dân ở đây lại hiền hậu sống trong những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường hàng trăm tuổi và bảo tồn nhiều nét văn hóa đặc sắc. Độc đáo nhất là lễ tủ cải, tức lễ cấp sắc hay lễ thành đinh dành cho nam giới từ 10-18 tuổi âm(*). Ẩm thực ở đây cũng rất đặc sắc, ai đã ăn cá suối, thịt treo, xôi nếp nương một lần thì không sao quên được. Chuyện tắm lá thuốc, trồng hoa địa lan, nuôi ong mật, rèn, mây tre đan… của người dân lại khiến du khách thích thú theo cách khác.

Đoàn kết làm du lịch

Cuối năm 2017, Sì Thâu Chải chính thức trở thành bản văn hóa du lịch cộng đồng. Từ chỗ có sáu hộ gia đình làm homestay, đến nay con số này đã lên đến hơn 20. Nhưng không giống như nhiều nơi, các homestay chỉ đơn thuần là chỗ cho khách ăn nghỉ, người Dao đầu bằng ở Sì Thâu Chải có rất nhiều dịch vụ để chia sớt cái nhẩn nha, lãng mạn với du khách.

62 hộ gia đình ở bản đều sinh sống trong nhà trình tường đất, vách gỗ, mái ngói; vườn ngay cạnh nhà trồng rau, hoa, cây ăn quả vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ sinh hoạt hằng ngày; vườn - ao - chuồng xa nhà để chăn nuôi, trồng cây lâu năm vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa thuận tiện để chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thuận tiện cho du khách trải nghiệm (hái đào, bắt cá, bắt gà, lợn, ngan, dê…); rừng già để khai thác sản vật bản địa: thuốc nam, nấm, rau rừng, nuôi ong…

Như vậy, không gian kiến trúc vừa thân thiện với môi trường, nêu bật được bản sắc của cộng đồng, lại không phải đầu tư nhiều khi làm du lịch. Du khách đến một homestay, một điểm du lịch cộng đồng để khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa, phát triển cộng đồng. Họ muốn đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên, môi trường văn hóa chất phác, đặc sắc chứ không cần ở nơi hào nhoáng như khách sạn.

Mô hình trồng trọt thuận tự nhiên trên cấy lúa nếp tan, dưới nuôi cá chép xương cong của người Thái ở bản Lướt. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Mô hình trồng trọt thuận tự nhiên trên cấy lúa nếp tan, dưới nuôi cá chép xương cong của người Thái ở bản Lướt. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Sạch sẽ, lịch sự, văn minh không cứ phải bóng bẩy. Để sống hòa hợp với cảnh quan ấy, họ tổ chức cho du khách leo núi, xem chim, hái thuốc, lấy mật ong; họ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến các sản vật bản địa để phục vụ khách trong các chuyến đi và làm quà khi trở về. Mấy năm Covid-19, trong khi nhiều khu du lịch lao đao, đóng cửa thì tuy không có khách lên nhưng họ vẫn gửi hàng đi bán khắp nơi. Họ có 18 dịch vụ, sản phẩm để trao đổi với khách hàng.

Sì Thâu Chải là một trong những điểm nhấn trong hệ thống các điểm du lịch cộng đồng, du lịch khám phá tại Lai Châu. Trung bình mỗi năm bản đón gần 12.000 khách, trong đó có hơn 700 khách nghỉ lại qua đêm. Nhiều gia đình không làm homestay nhưng do có sân vườn rộng nên vẫn được hưởng lợi từ khai thác du lịch qua việc phục vụ ăn trưa, ăn tối và đốt lửa trại cho du khách. Chính vì vậy, dân bản rất đoàn kết, nhắc nhở nhau có ý thức xây dựng thôn bản sạch đẹp, văn minh để làm du lịch lâu dài.

Báu vật địa phương chính là con người

Yasushi Ogura là một cái tên quen thuộc với những người dân ở những điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam từ gần 30 năm nay. Người đàn ông Nhật Bản mê văn hóa Lô Lô đã tài trợ 200 triệu đồng cho gia đình Dìu Dỉ Chiến - Lù Thị Vấn xây dựng quán cà phê Cực Bắc ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) hoạt động từ tháng 8-2015 đến nay.

Và vì thế, cái bản heo hút nơi cực Bắc của Tổ quốc này lại có một quán cà phê đẹp để ngồi thư thái ngắm núi non trùng điệp, kiến trúc truyền thống với nhà trình tường đất, tường đá, cổng gỗ đến cái chuông gọi đồ uống, gọi tính tiền cũng chính là cái chuông treo trên cổ trâu, bò, dê…

 Ông Ogura nói: "Du khách đến quán cà phê Cực Bắc sẽ góp phần giúp người dân có hướng đi khai thác tiềm năng du lịch địa phương, nâng cao đời sống nhưng lại không làm mất đi bản sắc. Bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Lô Lô và dùng chính nét đẹp này để hấp dẫn du khách; phát triển kinh tế du lịch chính là công cụ bền vững để người dân địa phương nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Từ đó, những nét đẹp, những giá trị của người Lô Lô, của Đồng Văn sẽ ngày một phát triển và có cơ hội bảo tồn trong tương lai".

Con bù nhìn canh lúa của người Thái ở bản Lướt.

Con bù nhìn canh lúa của người Thái ở bản Lướt.

Trừ hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, còn thì tháng nào ông Ogura cũng sang Việt Nam ít nhất 15 ngày để được ở các homestay tại Lũng Cú cũng như ở các điểm du lịch cộng đồng khác ở khắp Việt Nam. 

Ông cũng truyền đam mê và dẫn rất nhiều người đồng hương sang Việt Nam hằng tháng và dài ngày như ông để trải nghiệm văn hóa: người đi chụp ảnh để xuất bản cuốn sách về đám cưới của người Dao ở Hà Giang; người đi làm trà shan tuyết cổ thụ; người đi nghiên cứu nhà trình tường; người đi nghiên cứu chợ...

Nhưng ông Ogura rất buồn khi chứng kiến thực trạng nở rộ những homestay có xác không hồn ở Lô Lô Chải. Từ một quán cà phê, một homestay vào năm 2015, đến nay thôn đã có tới gần 20 homestay. Nhiều công ty đã ồ ạt lên thuê nhà của người dân với giá từ

200-300 triệu đồng/10 năm để mở những homestay đơn thuần là chỗ lưu trú giá rẻ, quán ăn giá rẻ. Có những ngày cuối tuần có đến 200 khách du lịch ngủ lại, xô bồ và ồn ào không khác gì ở phố. Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh… cũng đang chịu vấn nạn ấy.

Mull K'Vâng, người K'ho ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) đang làm homestay và hướng dẫn khách trải nghiệm văn hóa bản địa cho rằng: Du lịch cộng đồng phải khơi dậy được tiềm năng của cộng đồng, muốn hoạt động hiệu quả, bền vững, nó phải sử dụng vật liệu bản địa, tri thức bản địa, nhân lực bản địa; là hành động địa phương nhưng lại phải có tư duy toàn cầu.

"Để thiết kế tour tri thức bản địa, mở và hoạt động một homestay hiệu quả, cần có phương pháp thu thập, sưu tầm, hệ thống, đánh bóng báu vật địa phương để đưa vào kinh doanh du lịch sinh thái. "Treasure hunting for ecotourism" (Truy tìm báu vật địa phương để phát triển du lịch sinh thái) cần được triển khai toàn diện. Báu vật địa phương quý giá nhất chính là con người" - ông nói.

Lễ cúng vía trâu (tám khuôn quai) là một trong những nghi lễ nông nghiệp đặc trưng của người Thái. Lễ cúng vía trâu thường được tổ chức vào ngày 15 tháng năm âm lịch, sau khi cấy xong. Chủ bưng cả mâm rượu, thịt, cá, xôi tới tận chuồng cúng mời con trâu ăn để tạ ơn chúng đã giúp mình cày bừa suốt cả vụ. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Lễ cúng vía trâu (tám khuôn quai) là một trong những nghi lễ nông nghiệp đặc trưng của người Thái. Lễ cúng vía trâu thường được tổ chức vào ngày 15 tháng năm âm lịch, sau khi cấy xong. Chủ bưng cả mâm rượu, thịt, cá, xôi tới tận chuồng cúng mời con trâu ăn để tạ ơn chúng đã giúp mình cày bừa suốt cả vụ. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Tiến sĩ triết học và xã hội học Lê Thanh Hải cho rằng: Văn hóa mới thực sự là cái tạo ra phần giá trị trao đổi chiếm tỉ lệ lớn trong hàng hóa trên thị trường, nhưng văn hóa sẽ biến mất nếu không tạo ra được kinh tế. Chỉ khi nào người dân sống được bằng văn hóa thì khi đó văn hóa mới được gìn giữ tốt nhất. Du lịch không phải chỉ khai thác cái xác của phong cảnh.

Thế nên những người làm du lịch cần phải không ngừng bồi đắp hồn cốt cho những chuyến đi. Mỗi tour đều phải được tích hợp văn hóa. Ở đó, du khách ngắm cảnh đẹp, tắm không khí cảnh quan, học tri thức bản địa để sinh tồn trong tự nhiên, tiêu thụ sản vật bản địa... Khám phá thiên nhiên - trải nghiệm văn hóa - phát triển cộng đồng là ba chân kiềng bền vững để người dân bản địa kiếm sống bằng chính văn hóa của cha ông, trao truyền văn hóa dân tộc.

(*) Người Dao đầu bằng tin rằng chỉ những ai đã trải qua lễ tủ cải thì khi chết, linh hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Người chưa trải qua lễ này sẽ bị cả cộng đồng coi thường, không xem là một thành viên trong sinh hoạt cộng đồng (cưới xin, ma chay, lễ hội).

Theo số liệu thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (2020), trên cả nước có khoảng 300 làng/bản/buôn/thôn/xóm có hoạt động du lịch cộng đồng với hơn 5.000 homestay. Loại hình này đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cộng đồng.

Ngày 19-6-2018, UBND tỉnh Sơn La phê duyệt và triển khai dự án "Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng" trên địa bàn huyện Mường La do Tổ chức phi chính phủ Australia tại Việt Nam (AOP) tài trợ đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng Ngọc Chiến. Đây là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện Mường La. Ngọc Chiến đang từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, đón trung bình 20.000 lượt khách/năm.

Nằm ở độ cao trên 1.600m so với mực nước biển, độ che phủ rừng 87% nên xã Ngọc Chiến có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, cùng các mó nước khoáng nóng tự nhiên (hơn 40oC), những ngôi nhà sàn mái lợp gỗ p'mu hàng trăm năm tuổi, con người thân thiện và những bản sắc văn hóa độc đáo được người dân tộc Thái, Mông, La Ha giữ gìn là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng.

Người Thái chuyên trồng lúa nước, nuôi cá; người Mông trồng và chế biến trà shan tuyết, nuôi ong; người La Ha nấu rượu vạng, ủ rượu cần… mỗi tộc người chuyên tâm làm cho tốt sản phẩm của mình rồi trao đổi với nhau trong cuộc sống hằng ngày. Khi triển khai mô hình du lịch cộng đồng cũng vậy, họ tạo thành chuỗi để bán chéo, để cùng phát triển. Nhìn đâu cũng thấy thích thú nên du khách lên Ngọc Chiến là phải ở lại ít nhất ba ngày và khi về thì mua rất nhiều sản vật bản địa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận