01/12/2023 08:32 GMT+7

Nuôi tôm tự phát, phá nát làng quê

Nhiều năm nay, nhiều hộ dân ở các xã ven biển tỉnh Quảng Trị đã tự ý dẫn nước mặn vào đất trồng lúa, đất trồng hoa màu gần khu dân cư để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Người dân ven vùng nuôi tôm tự phát đối mặt với tình trạng ô nhiễm vì nước thải từ các hồ tôm xả thẳng ra các kênh rạch gần khu dân cư - Ảnh: Q.NAM

Người dân ven vùng nuôi tôm tự phát đối mặt với tình trạng ô nhiễm vì nước thải từ các hồ tôm xả thẳng ra các kênh rạch gần khu dân cư - Ảnh: Q.NAM

Việc này đã gây ra nhiều hệ lụy, khiến cuộc sống của người dân xung quanh rơi vào cảnh khốn khó.

Thôn Tường Vân, Hà Tây (xã Triệu An, huyện Triệu Phong) có khá nhiều hộ nuôi tôm trên đất trồng hoa màu trong khu dân cư. Ông Trần Văn Sằn, phó trưởng thôn Tường Vân, cho biết 10 năm trước, nhờ nuôi tôm mà nhiều hộ dân thôn này giàu lên nhanh chóng. Số hồ tôm tự phát tăng lên, người dân đã tự ý dẫn mặn nhập điền.

Đất trồng lúa xung quanh những hồ tôm đã bị nhiễm mặn nặng do nguồn nước từ hồ nuôi tôm thẩm thấu vào. Lúa gieo xuống không mọc mầm được, hoa màu cũng chết khô. Riêng thôn Tường Vân có 80ha ruộng lúa thì đã có 38ha bị bỏ hoang hoàn toàn vì không canh tác được.

Nguồn nước sinh hoạt của người dân ở những vùng này cũng mặn dần. Hàng chục hộ dân các thôn ở vùng ven biển huyện Triệu Phong đã phải đi mua nước sạch để uống nhiều năm qua.

Ông Ngô Văn Hai (66 tuổi, trú tại thôn An Xuân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong) nói các hộ dân ở ven biển xã Triệu An còn phải đối mặt với mùi hôi thối hằng ngày do các hồ tôm xả thải thẳng ra môi trường.

"Tôi bị cả ung thư gan và dạ dày. Giờ cả nhà sợ, phải đi mua nước tốn kém, hằng ngày còn ngửi mùi hôi do nước thải từ các hồ tôm đưa ra mương nên rất khổ sở" - ông Hai kể.

Ông Trần Văn Phương, chủ tịch UBND xã Triệu An, cho biết chính quyền xã cũng đã tăng cường vận động nên nhiều hộ dân đã san lấp ao hồ, không nuôi tôm trong khu dân cư. Nhưng còn nhiều hộ khác vẫn đang giữ hồ tôm gây hệ lụy đến môi trường xung quanh.

"Việc đào hồ lót bạt nuôi tôm trên đất hoa màu, trong khu dân cư không chỉ sai phạm về mục đích sử dụng đất, mà còn làm phát sinh ô nhiễm môi trường và xâm nhập mặn", ông Phương khẳng định.

Cần ngăn chặn và xử lý kịp thời

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, việc nuôi tôm ở các xã ven biển là khá phổ biến. Trong đó, ở xã Triệu An có khoảng 90ha, Triệu Vân có khoảng 31,7ha, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) có khoảng 67ha, xã Hải An (huyện Hải Lăng) có khoảng 13,8ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Phần lớn trong đó đều nuôi trên đất trồng hoa màu, trong khu dân cư.

"Đối với diện tích nuôi tôm trong khu dân cư, trên đất trồng hoa màu, sở khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý và không mở rộng diện tích nuôi tôm ở các xã vùng biển bãi ngang. Các địa phương cần tập trung kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp tự ý dẫn mặn nhập điền để nuôi tôm.

Đối với những diện tích đã đào ao nuôi, địa phương tiếp tục vận động người dân nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác", ông Nguyễn Hữu Vinh, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, nói.

Tập trung cải thiện hạ tầng nuôi tômTập trung cải thiện hạ tầng nuôi tôm

Hạ tầng nuôi tôm chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, việc kiểm soát môi trường nước gặp nhiều khó khăn dẫn đến khi tình hình dịch bệnh xảy ra số lượng tôm chết tăng cao, nhất là những địa phương mà hạ tầng nuôi tôm còn hạn chế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên