07/03/2022 13:54 GMT+7

Nữ porter thoăn thoắt gùi hàng trên đỉnh mù sương Tây Bắc

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Leo núi vốn đã vất vả, gùi thêm hàng nặng trĩu gần 20kg, gương mặt ai cũng đỏ ửng, mồ hôi vã ra giữa trời rét buốt. Ở những đỉnh núi mờ sương, các mẹ các chị người Mông theo chân chồng con đưa du khách chinh phục đỉnh cao Tây Bắc.

Nữ porter thoăn thoắt gùi hàng trên đỉnh mù sương Tây Bắc - Ảnh 1.

Công việc porter vất vả vốn dành riêng cho đàn ông, nhưng thời gian gần đây một số phụ nữ người Mông có sức khỏe đã tham gia vào công việc này để tạo thêm thu nhập - Ảnh: HÀ THANH

9h sáng, xe ôtô vượt quãng đường hơn 60km từ thị trấn Sa Pa (Lào Cai) đưa đoàn du khách đến tập trung tại xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). 

Xe vừa đến nơi tập kết, hai người phụ nữ tay thoăn thoắt sắp xếp thức ăn, quần áo, đồ dùng thiết yếu của du khách vào những chiếc gùi.

Porter nữ thường là vợ hay người nhà của anh porter cũ, ban đầu hay đi cùng phụ việc rồi dần trở thành porter chính. Với nữ porter thường được du khách yêu mến, hỏi chuyện nhiều hơn, được thành viên trong đoàn ngưỡng mộ vì sức khỏe tốt, dẻo dai, leo núi tốt hơn cả porter nam.

Hướng dẫn viên Bùi Huy Khôi

Gia nhập đội ngũ porter (tạm dịch: người khuân vác) ở Tây Bắc hầu hết là những người đàn ông bản địa sức vóc khỏe mạnh, có đội tuổi trung bình 18 - 40. Nhưng không khó để nhận ra nếu hôm đó dẫn đoàn là nữ porter giữa "rừng nam nhân" bận bộ váy Mông sặc sỡ, tháo vát, nhiệt tình giúp đỡ du khách.

Thường xuyên dẫn khách chinh phục đỉnh núi Tây Bắc, hướng dẫn viên trẻ Bùi Huy Khôi nhắc đến cô gái Giàng Thị Liên (27 tuổi, ở Sàng Ma Sáo) với giọng thán phục: "Đi với đội porter mãi rồi, nhưng tôi thấy porter nữ rất giỏi. Đợt rồi đi leo cùng Liên suốt 3 ngày, vừa trả khách xong chị lại lật đật về đi nương liền mà không chịu nghỉ ngơi".

Liên khá trẻ so với tuổi, đôi má ửng hồng gây ấn tượng với du khách trong suốt quãng đường dẫn khách chinh phục đỉnh núi Nhìu Cồ San (cao 2.965m so với mực nước biển). 

Dừng chân bên tảng đá, Liên cười rạng rỡ kể có duyên theo chân chồng về bản Ky Quan San, nay cũng có duyên theo chồng gắn bó với nghề porter này.

Nữ porter thoăn thoắt gùi hàng trên đỉnh mù sương Tây Bắc - Ảnh 3.

5 năm gia nhập đội porter, Liên được nhiều du khách yêu mến vì nhiệt tình, thân thiện, nấu ăn ngon - Ảnh: G.L.

Trước kia hai vợ chồng quanh quẩn trên nương trên rẫy mà không đủ tiền, A Chừ bàn với vợ phải theo người ta làm du lịch. Sức vóc khỏe mạnh, đôi chân dẻo dai, A Chừ cùng cánh đàn ông trong bản Ky Quan San làm nghề porter, cùng đoàn du khách chinh phục những đỉnh núi cao.

Thấy A Chừ càng leo núi càng khỏe mạnh, dẻo dai hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, sinh 2 con xong là Liên theo chân chồng mưu sinh bằng nghề porter. "Mình thích nên làm theo chồng" - cô hào hứng.

Ban đầu cô chỉ đi theo hỗ trợ chồng, đến nay sau 5 năm gắn bó với nghề, Liên đã tự tin đảm nhận làm porter "cứng" cho mỗi tour và hướng dẫn thêm các mẹ, các chị porter mới theo nghề. Cô thật thà: "Leo quen rồi nên cứ leo thôi. Leo núi không khó đâu mà".

Nữ porter thoăn thoắt gùi hàng trên đỉnh mù sương Tây Bắc - Ảnh 4.

Bà Sùng Thị Vợi, 47 tuổi, ở bản Nhìu Cồ San cùng các con gia nhập đội porter. Mỗi lần dẫn tour, bà đảm nhận gùi khoảng 20kg hàng lên lán tạm cho du khách - Ảnh: HÀ THANH

Công việc của một porter đúng nghĩa là khuân vác. Tùy vào số lượng khách du lịch đăng ký tour hoặc đi đoàn riêng lẻ, mỗi porter đảm nhận khuân vác khối lượng giới hạn khoảng 25kg, với porter nữ dao động 18 - 20kg. 

Quãng đường leo núi, băng rừng khá dài và mạo hiểm, thông thường những porter nam có lợi thế vì họ khỏe mạnh, thông thạo đường sá, thông thạo tiếng Kinh. Nhưng đổi lại, chị em porter lại có ưu điểm nấu ăn ngon hơn, thường đi kiếm nấm, rau rừng chế biến các món ăn ngon.

Trong suốt quãng đường trekking, dù không nói sõi tiếng phổ thông nhưng bà Sùng Thị Vợi, 47 tuổi, luôn động viên, thúc giục các bạn trẻ cố gắng leo tiếp. Thấy khách mệt, bà sẵn sàng nhận mang vác đồ giúp thêm cho các bạn trẻ mà không nề hà khó nhọc.

Hiện nay theo chân đoàn khách, mỗi porter được trả 400.000 đồng/ngày, với khách lẻ chi phí này rẻ hơn một chút tùy vào số lượng khách hôm đó. Công việc này mang lại thu nhập khá hơn làm nương rẫy, phụ nữ vùng cao thường chịu khó làm, không nề hà vất vả.

"Công việc này vốn là của đàn ông, nhưng chúng mình cố gắng làm sao giúp đỡ được phần nào hay phần đó, tạo công ăn việc làm cho chính mình. Làm porter giúp chúng mình hòa nhập, vui vẻ hơn, học hỏi nhiều hơn từ khách du lịch" - Liên bộc bạch.

Dịp 8-3, chị em phụ nữ Tây Bắc vẫn chăm chỉ nhận tour đưa khách đi leo núi. Ai cũng mong muốn dịch bệnh sớm ổn định, đoàn khách đặt tour nhiều hơn sẽ là món quà tuyệt vời nhất đối với chị em phụ nữ làm nghề porter.

Bác sĩ Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam giúp phụ nữ Nam Sudan bảo vệ thân thể

TTO - Nhân dịp 8-3, các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tận tình hướng dẫn và tặng từng món quà đến những phụ nữ ở Nam Sudan, kèm thêm những lời dặn dò cách bảo vệ bản thân...

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên