Nữ kiểm lâm người Mường bước ra thế giới

TRỌNG NHÂN 12/06/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Ba năm trước, tốt nghiệp Trường ĐH Lâm nghiệp, Nguyễn Thị Thanh Tâm, người Mường, 26 tuổi, trở về quê hương ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình), làm nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò. Cô gái trẻ vừa nhận được học bổng cao học toàn phần của Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD).

Kiểm lâm Nguyễn Thị Thanh Tâm. Ảnh: CTV

 

Tuần tra trên đỉnh sương mù…

Điều gì khiến chị quyết định gắn bó với những cánh rừng ở vùng núi này?

- Khi còn là sinh viên, tôi đã quyết tâm sẽ có việc đúng ngành. Tốn mấy năm đại học rồi ra làm không đúng chuyên môn, như làm nhân viên văn phòng thì tiếc lắm. Từ năm thứ ba, tôi cộng tác với một tổ chức về giáo dục môi trường, khi tốt nghiệp, thấy tỉnh nhà tuyển kiểm lâm, tôi lập tức nộp hồ sơ. 

Tôi vốn thích thiên nhiên, thích môi trường, công việc lại đúng với những gì được học, là hợp lý quá luôn. Tôi cũng ấn tượng với những tấm gương “sinh ra từ làng”, học xong đại học về quê lập nghiệp.

Từ trồng chuối đến nuôi ốc, nuôi gà… họ thành công trên chính mảnh đất mình lớn lên. Nguyện vọng của tôi cũng vậy, có thể về quê lập nghiệp, không đua chen ở một thành phố đông đúc.

Nói vậy chứ thực tế chẳng dễ dàng. Trước khi nộp hồ sơ làm kiểm lâm, tôi phải vượt qua định kiến của nhiều người, đặc biệt với những ngành lâu nay bị mang tiếng là có nhiều tiêu cực. Họ cho rằng không sớm thì muộn, bạn cũng sẽ tiêu cực. Nhưng tôi nghĩ khác: mình còn trẻ, chỉ nhận đồng tiền xứng đáng với công sức bỏ ra thì ở môi trường nào cũng là lao động và cống hiến. 

Công việc kiểm lâm với một cô gái trẻ diễn ra như thế nào?

- Hiện nay trong Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, các kiểm lâm viên được phân công phụ trách từng địa bàn khác nhau. Mỗi người cần nắm rõ từ đặc điểm thiên nhiên, xã hội đến những sự kiện bất thường như thiên tai hay tình trạng khai thác trái phép ở địa bàn đó. 

Tôi được giao quản lý 436ha. Ở đây sương mù tới 6 tháng trong năm, tầm nhìn hạn chế. Đường rừng lại quanh co, đầy những khối đá tai mèo lớn nhỏ, nên việc tuần tra gặp nhiều khó khăn. Mỗi tuần, kiểm lâm viên thường xuống địa bàn 4 ngày để nắm bắt bất kỳ điều gì bất thường, có dấu hiệu vi phạm hay không. Nhiều hôm, tôi và các anh chị đi tuần cả ngày tới chiều tối mới xuống núi.

Kiểm lâm viên cũng cần nắm rõ tình hình dân bản địa. Trong khu bảo tồn của tôi, chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Mường và Kinh cùng sinh sống, với những phong tục, tập quán khác nhau. Vào mùa giáp hạt là mùa đói, nhiều người thường vào rừng lấy củi, mật ong, hái hoa lan kiếm sống. 

Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò đặc trưng với những khối đá tai mèo. Ảnh: CTV

 

Do trùng với mùa cao điểm du lịch, họ thường tìm cách khai thác rồi bán cho khách tham quan. Đây cũng là giai đoạn tiềm ẩn nguy cơ cao, nên kiểm lâm sẽ tăng cường tuần tra.

Nhưng ở góc độ khác, chính người dân sẽ tạo thành mạng lưới thông tin, giúp kiểm lâm viên bảo vệ rừng. Kiểm lâm phải nhờ những thông tin từ dân mới có thể quản lý một vùng rộng lớn. Từ những đầu mối do dân cung cấp, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo.

Dân địa phương tạo thành mạng lưới của các kiểm lâm viên, 3 năm ở khu bảo tồn, Tâm đã xây dựng mối quan hệ với người dân ra sao?

- Ở địa bàn quản lý của tôi, mỗi dân tộc có nét đặc trưng riêng. Dù có nhiều điểm không tương đồng về tư duy, họ vốn dĩ chất phác và dễ gần, chỉ cần người kiểm lâm thân thiện, hòa đồng. 

Khi cảm nhận được sự chân thành này, họ sẽ không tiếc gì, từ những thứ nhỏ nhất như củ khoai, bắp ngô, đến chuyện báo tin hay đồng lòng tham gia những dự án bảo tồn…

Giữa tôi và người địa phương ban đầu khá xa cách. Những ngày mới nhận việc, khi xuống xóm, tôi được chào “lễ phép” như một cán bộ. Lại có lần, tôi đi trực, gặp một người địa phương chở củi từ bìa rừng ra, tôi vừa hỏi chú chở đi đâu thì bất ngờ nhận một tràng chửi thật dài... 

Nhưng tôi không nản, thường xuyên đến thăm và tiếp xúc với họ. Nếu chúng ta kiên nhẫn và dành thời gian lắng nghe, người dân sẽ cởi mở. Ít lâu sau, họ chịu chia sẻ với tôi nhiều điều, như không có thu nhập ổn định, chuyện con cái đi xuống các thành phố lớn, chuyện phải đặt cọc cả triệu bạc khi muốn phun thuốc trừ sâu…

Những kinh nghiệm của dân bản địa về thổ nhưỡng, dân cư rất quý giá cho một kiểm lâm viên như tôi. Có những đêm muộn, nghi ngờ có người phá rừng, họ báo ngay cho trưởng xóm hoặc cho tôi.

 
 Hoa phong lan trong khu bảo tồn. Ảnh: CTV

 

 Muốn nhiều tiền đã chọn nghề khác

Nghề kiểm lâm gần gũi với thiên nhiên hoang dã, hẳn cũng có những điều thi vị?

- Mỗi ngày đi làm với tôi như hưởng thụ du lịch sinh thái vậy. Tôi gắn bó với rừng xanh, được tận hưởng những giá trị mà rừng mang lại. Trên đường đi, những khối đá tai mèo nhiều hình dạng như thách thức trí tưởng tượng của con người. Hết một quãng xa, bạn lại bắt gặp những con suối, hồ nước trong vắt, ngỡ như một ốc đảo kỳ diệu. 

Ở nơi này, quanh năm dễ chịu, mát mẻ, không cần quạt hay máy lạnh. Về hệ thực vật, khu bảo tồn nổi tiếng với loài thông Pà Cò đặc hữu. Hoa phong lan ở đây cũng phong phú, nở quanh năm trên các núi đá, đẹp vô cùng. Vì hoa lan đẹp nên khu bảo tồn rất sợ người dân đổ xô săn lùng, đặc biệt khi thương lái Trung Quốc tìm đến. 

Có lần, thương lái Trung Quốc đến mua cỏ, vậy là người dân đổ xô tìm cỏ rồi phơi khô đem bán. Trong một khu bảo tồn thiên nhiên, mọi sự thay đổi, dù là loài cỏ, đều gây mất cân bằng sinh thái.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành của Tâm thường làm cho các tổ chức phi chính phủ, vì sao vậy?

- Trong các bạn bè tốt nghiệp, số theo ngành kiểm lâm khá ít ỏi. Đúng là các bạn có xu hướng làm cho các tổ chức phi chính phủ, làm cho các dự án như nghiên cứu loài bản địa, lấy tiêu bản, bảo tồn loài... Với những việc này, họ thường được nhìn nhận như một nhà khoa học, hay ít nhất đang làm một việc liên quan đến học thuật.

Kiểm lâm viên cũng làm tất cả những đầu việc trên, nhưng không được xem là học thuật. Chúng tôi phải đi thu thập, theo dõi thông tin, nghiên cứu các loài, tham gia nhiều dự án như trồng rừng, hợp tác cùng các nhà khoa học trong nước và quốc tế nghiên cứu các yếu tố bản địa... 

 
 Thông Pà Cò đặc hữu tại khu bảo tồn. Ảnh: CTV

 

Đó là chưa kể các công việc như tuyên truyền hoặc tạo sinh kế cho người dân gắn bó với rừng. Vì không được công nhận, một số người dù theo nghề nhiều năm đôi khi không tránh khỏi chán nản.

Có bao giờ Tâm đứng trước những cám dỗ?

Với tôi, những cám dỗ đó không có ý nghĩa. Tôi đã tiếp xúc với nhiều bạn trẻ cũng chọn nghề kiểm lâm hoặc cùng làm việc trong cơ quan nhà nước. Tuy nhiên các bạn không bị cám dỗ. Chúng tôi có lương, có kiến thức, có hiểu biết pháp luật, có nền tảng kỹ năng... nên những cám dỗ ấy không đủ sức thu hút. 

Vả lại, người trẻ đã theo nghề kiểm lâm thường biết rất rõ mục đích của mình, bởi muốn kiếm nhiều tiền hơn, chúng tôi đã chọn công việc khác.

Tuy nhiên áp lực từ gia đình thì có. Bố mẹ tôi không thích con gái đi làm kiểm lâm vì cực nhọc, lại phải xa nhà, lễ tết vẫn đi trực. Chưa kể việc đi tuần khiến tôi đen thùi lùi, không trắng trẻo nữ tính như phụ nữ làm nghề khác. Hy vọng qua thời gian, gia đình sẽ thay đổi cách nhìn. ■

Nguyễn Thị Thanh Tâm trong khu bảo tồn mùa hoa cải. Ảnh: CTV

 

Quả ngọt sau nhiều lần thất bại

Nhờ rèn luyện tốt ngoại ngữ thời sinh viên, Tâm là người hiếm hoi thành thạo tiếng Anh trong số các kiểm lâm viên ở Hang Kia - Pà Cò, nhờ vậy có nhiều cơ hội tiếp xúc với các đoàn nghiên cứu nước ngoài, từ đó ấp ủ ý định du học để mở rộng hiểu biết. Hơn 3 năm qua, Tâm đã làm hồ sơ gửi đến các trường ở Úc, Anh, Nhật, Thụy Điển... nhưng mãi đến tháng 3 vừa qua, Tâm mới chính thức trúng tuyển học bổng toàn phần thạc sĩ từ DAAD.

Dự kiến tháng 8-2021, Tâm sẽ sang Đức bắt đầu hành trình 2 năm học tập, chuyên ngành lâm nghiệp nhiệt đới tại Trường Technische Universität Dresden. Nguyện vọng của Tâm sau khi học xong sẽ về nước và triển khai một số dự án giúp người dân có thể sống cùng với rừng, thoát nghèo từ rừng.

GS Hoàng Văn Sâm - trưởng phòng hợp tác quốc tế Trường ĐH Lâm nghiệp, người từng thực hiện nhiều dự án cùng Thanh Tâm - chia sẻ: “Tâm có đam mê rất lớn với thiên nhiên. Làm việc ở Hang Kia - Pà Cò, em vẫn thường xuyên liên lạc với thầy cô để trao đổi công việc, xin ý kiến về cách bảo tồn thiên nhiên và hỗ trợ người dân địa phương”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận