10/12/2023 12:19 GMT+7

Những người từ chối thành phố - Kỳ 4: Giảm chi tiêu để sống hạnh phúc với thiên nhiên

Ngồi trước hiên nhà và vuốt ve bộ lông mềm mại của chú dê Nigeria mang lại cảm giác bình yên và thư thái cho Katie Jay - người đã cùng với chồng mình, anh Mike Walton chọn rời bỏ kiểu sống tiêu dùng để bắt đầu lại mọi thứ với lối sống xanh, bền vững.

Gia đình Katie chơi đùa cùng chú dê nhỏ ở khu vườn xanh - Ảnh: ABC

Gia đình Katie chơi đùa cùng chú dê nhỏ ở khu vườn xanh - Ảnh: ABC

Cảm giác thật sự rất tuyệt khi được trở về với nhà sau một ngày làm việc, thay vì phải chờ đợi và vật lộn với hàng tá các mặt hàng trong siêu thị. Tôi tự mang một chiếc giỏ, cây kéo và thu hoạch những thứ tôi muốn tại chính cửa hàng tạp hóa là khu vườn của mình.
Katie

Thoát khỏi chồng hóa đơn hằng tháng

Tổ ấm của Katie là một trong số nhiều gia đình khác chọn lựa cho mình cuộc sống bền vững, đơn giản hơn. Có nhiều lý do là động lực thúc đẩy họ đến với quyết định này, trong đó lớn nhất là họ được thoát khỏi guồng quay công việc mỗi ngày đang vắt cạn kiệt sức lực của họ hay việc phải chi tiêu cho quá nhiều khoản trong cuộc sống. 

Họ mong muốn có một cuộc sống thật sự, thoải mái tận hưởng những sản phẩm được thu hoạch từ chính khu vườn của mình canh tác và để bản thân gần gũi hơn với thiên nhiên, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực tới môi trường.

Gia đình của cô sống trên một khu đất rộng chưa tới một héc ta ở Cairns, một thành phố thuộc bang Queensland, Úc. Mảnh đất của họ không chỉ là nơi sinh sống của một đàn gà và những chú dê, mà còn là nơi trồng những loại cây ăn quả tươi tốt và có cả một vườn rau luân canh.

Katie nói: "Cảm giác thật sự rất tuyệt khi được trở về với nhà sau một ngày làm việc, thay vì phải chờ đợi và vật lộn với hàng tá các mặt hàng trong siêu thị. Tôi tự mang một chiếc giỏ, cây kéo và thu hoạch những thứ tôi muốn tại chính cửa hàng tạp hóa là khu vườn của mình".

Katie cũng cho biết thêm với ABC News, gia đình cô chỉ trồng những loại thực phẩm mà họ sẽ ăn thường xuyên và cô luôn lên kế hoạch cho những sản phẩm dư thừa. 

Không có chuyện chúng bị đổ thẳng vào thùng rác, "chúng tôi ngâm và bảo quản, làm mứt và tương ớt, buôn bán cho bạn bè và mọi thứ còn lại sẽ trở thành thức ăn cho động vật nhà tôi hoặc trở thành phân bón dinh dưỡng cho cây".

Việc có những chú dê bên cạnh cũng đem lại lợi ích không nhỏ, sữa dê chứa hàm lượng protein cũng như lượng chất béo cao được sử dụng để làm pho mát và sữa chua cho cả nhà.

Nhưng việc nuôi dê cũng không hề nhàn hạ, họ gặp khá nhiều rắc rối khi một trong những con dê đực, Jagermeister, cứ liên tục nhảy qua hàng rào. "Những gì mà mọi người nói về loài dê quả thật không sai, chúng thật sự là những nghệ sĩ trốn thoát cừ khôi", Mike cười chia sẻ.

Gia đình anh từng nghĩ chiếc hàng rào với chiều cao 1,3m có lẽ là đã vừa đủ để chúng không xổng ra, nhưng hóa ra họ đã xem nhẹ năng lực của những người bạn bốn chân này, chúng có thể dễ dàng nhảy qua được vật cản. 

Thế nên Mike đã phải sửa sang lại hàng rào không biết bao nhiêu lần, cuối cùng, sau những nỗ lực của anh, chiếc hàng rào cao 2m đã được hoàn thành. "Chúng đã không thể trốn thoát kể từ khi chiếc hàng rào đó được dựng lên".

Cả gia đình Katie đều thích dành nhiều thời gian với những chú dê này, dù có đôi lúc nghịch ngợm nhưng chúng thật ra rất tình cảm, thân thiện và thích được âu yếm. Chúng sẽ cảm thấy không vui nếu họ rời đi mà không cưng nựng chúng bằng một cái gãi nhẹ. 

Những chú dê nhỏ đó đã trở thành một phần quan trọng của gia đình cô, như thể là những thành viên thực thụ vậy.

Katie nấu ăn bằng nguyên liệu tự trồng - Ảnh: ABC

Katie nấu ăn bằng nguyên liệu tự trồng - Ảnh: ABC

Thay đổi từ... cái nhà vệ sinh

Không chỉ riêng gia đình của Katie, mà gia đình của Renea James cũng chọn cho mình lối sống bền vững như thế. Cô cùng chồng và các con trai bán tài sản ở Cairns và mua lại mảnh đất tại vùng nông thôn có một nhà kho ở Atherton Tablelands (Úc).

Ước mơ của Renea và các thành viên trong gia đình là muốn xây dựng một cuộc sống bền vững và thân thiện với môi trường. Họ sẽ không còn phải đau đầu về những hóa đơn hằng tháng và sẽ có nhiều không gian hơn để tự mình trồng lương thực, nhưng họ đã không lường trước đến tình huống rằng sẽ có những người bạn hoang dã đến thăm khu vườn của họ.

"Những người bạn đáng yêu đó đã chén sạch sẽ những gì được trồng trong vườn", Renea cười nói.

Renea chăm sóc vườn cây và đàn gà của mình - Ảnh ABC

Renea chăm sóc vườn cây và đàn gà của mình - Ảnh ABC

Cô quyết định lắp hàng rào dây thép xung quanh luống rau, nhưng sự nỗ lực đó là không đủ để ngăn những chú chuột túi bén mảng đến những chiếc lá sung và lúa nếp cẩm mà cô đang trồng. 

Thậm chí có một chú chồn đã ăn hơn 100 quả đào trên cây của gia đình cô, nó liên tục quay trở lại trong nhiều đêm tiếp theo và không để lại gì ngoài những chiếc hạt còn sót lại. Không chỉ thế, dâu tằm trong vườn cũng bị xử lý sạch sẽ bởi người bạn nhỏ này.

Nhưng thay vì bực tức hay cảm thấy nản lòng, Renea lại đón nhận những điều đó như bài học và kinh nghiệm quý báu cho bản thân khi theo đuổi lối sống đặc biệt này.

Gia đình cô còn quyết định nuôi một giống gà đặc biệt - Lavender Sussex, chúng có thể tự do đi lại trong khuôn viên nhà cô thay vì chỉ nuôi nhốt trong chuồng. Renea chia sẻ lý do gia đình chọn giống gà này vì chúng có trọng lượng lớn hơn những giống khác, điều này có lợi trong việc cung cấp nguồn thức ăn là thịt và trứng gà.

Mặc dù không hoàn toàn sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài qua việc họ vẫn sử dụng nguồn điện và nước của thị trấn, nhưng họ có một điểm đặc biệt khác: thay vì sử dụng nhà vệ sinh nối với hệ thống thoát nước của thị trấn, họ chọn nhà vệ sinh khô - hoạt động theo cơ chế thu gom chất thải lỏng và rắn của con người và xử lý thành phân trộn.

Ban đầu các thành viên còn lại trong gia đình không tán thành ý tưởng này của Renea cho lắm, họ muốn có nhà vệ sinh truyền thống như trước đây họ đã dùng. Nhưng khi chuyển tới đây và ở một thời gian, không còn ai phàn nàn về vấn đề đó nữa. 

Bồn cầu ở đây hoàn toàn không có chức năng xả nước, họ sẽ dùng vỏ thông và lá để phân hủy phân trộn. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ sử dụng cánh quạt quay ở ngoài để giúp thông khí và khử mùi hôi.

Với cô, có lẽ thử thách lớn nhất chính là trong quá trình xây dựng ngôi nhà và trang bị nội thất, gia đình cô phải ở nhà kho đã được dựng sẵn. Vì nó khá nhỏ thế nên không có chỗ để cất đồ đạc của gia đình, nhưng đó chính là một phần của cuộc sống mới mà gia đình cô đã chọn lựa, và cô hoàn toàn đón nhận nó với một tâm thế thoải mái nhất.

"Với tôi, mọi thứ nơi đây vô cùng tuyệt vời và không gian này đã mang lại sự yên bình khó cưỡng", Renea vui vẻ nói.

Chia sẻ với ABC News, Renea muốn đóng góp chút sức mình trong công cuộc bảo vệ môi trường. "Tôi nghĩ rằng tại sao mình lại cứ lãng phí nước trong khi mình có thể tái sử dụng nó, thế nên việc nơi ở của chúng tôi có nhà vệ sinh khô là một điểm cộng rất lớn để thuyết phục tôi gắn bó với nơi này".

--------------------

Nhiều người bị thu hút bởi ý tưởng về cuộc sống tự cung tự cấp ở những vùng quê tách biệt với thành phố đông đúc, nhưng không phải ai cũng thực hiện thành công, bởi điều này luôn tiềm ẩn những khó khăn, thậm chí nguy hiểm.

Kỳ tới: Về quê, đâu chỉ có hoa thơm và trái ngọt

Những người từ chối thành phố - Kỳ 3: Những hạt mầm nở hoa ở làng sinh thái SuderbynNhững người từ chối thành phố - Kỳ 3: Những hạt mầm nở hoa ở làng sinh thái Suderbyn

Tại làng sinh thái Suderbyn (Thụy Điển), giá trị cốt lõi được thể hiện qua những kỹ năng từ việc trồng rau hữu cơ đến sản xuất khí sinh học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên