30/01/2024 11:05 GMT+7

Những loại đặc sản Phú Yên đang phải 'chạy hết ga hết số' để phục vụ Tết

Những ngày gần đây, các cơ sở sản xuất đặc sản của tỉnh Phú Yên đang phải "chạy hết ga hết số" để sản xuất kịp giao hàng cho khách tiêu thụ trong những ngày Tết.

Nước mắm truyền thống Long Hải (xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) từng bước tiệm cận với khách hàng quốc tế - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Nước mắm truyền thống Long Hải (xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) từng bước tiệm cận với khách hàng quốc tế - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Ông Nguyễn Đình Hội, chủ cơ sở bò một nắng buôn Hai Riêng (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh), cho biết lượng tiêu thụ bò một nắng đã tăng đột biến, sau khi người tiêu dùng tại nhiều địa phương biết đến thương hiệu bò một nắng muối kiến vàng của Phú Yên.

Nhiều loại đặc sản làm quà biếu

Theo ông Hội, nguyên liệu của bò một nắng chủ yếu là giống bò cỏ được nuôi ở huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa. 

"Mỗi con bò chỉ lấy khoảng 20kg thịt đùi, nhưng thịt đùi phải nạc không gân, không mỡ. Thịt bò sau đó sẽ chế biến tẩm ướp các gia vị đặc trưng như xả, ớt... rồi đem phơi nắng", ông Hội nói.

Đang tất bật vận chuyển hàng trăm lít nước mắm cá cơm truyền thống đến các đầu mối ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương..., bà Nguyễn Thị Hương (xã An Phú, TP Tuy Hòa), chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hồng Gia Phúc, cho biết dịp này cơ sở dự kiến sẽ bán khoảng 20.000 lít nước mắm cá cơm các loại trong dịp Tết này.

"Để kịp tiến độ, chúng tôi phải tăng cường thêm nhân công, đồng thời áp dụng nhiều phương pháp chiết mắm nhanh" - bà Hương nói .

  Theo bà Hương, năm nay giá cá không biến động nhiều so với mọi năm, khách hàng mua nước mắm làm quà biếu giảm nhưng các kênh bán hàng tại các siêu thị, chợ, tạp hóa... lại tăng vọt.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Hạ Quyên, chủ cơ sở sản xuất kẹo dừa ở thị xã Đông Hòa (tỉnh Phú Yên), cho biết cơ sở này đã huy động tối đa nhân lực để sản xuất trung bình mỗi ngày gần 2.000 sản phẩm kẹo các loại với tiêu chuẩn chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, đáp ứng đơn đặt hàng và đảm bảo nguồn hàng cung ứng.

Tăng cường quảng bá, bán sản phẩm đặc sản qua kênh online

Theo bà Trần Thị Tú Hà - phó chủ tịch UBND xã An Phú (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), trên địa bàn xã có khoảng 200 hộ sản xuất nước mắm, trong đó có một số cơ sở có sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều địa phương, thậm chí được xuất khẩu.

Đặc biệt, nhiều cơ sở cũng tăng cường bán mặt hàng này trên các trang mạng xã hội nên thương hiệu ngày càng được biết đến rộng rãi.

Bà Lý Thị Thu Hằng, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), cho biết sức mua các mặt hàng bò một nắng muối kiến vàng trên địa bàn đang rất tốt vì đây là sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu tại địa phương với hương vị độc đáo, lạ miệng.

"Thời gian qua, các cơ sở bán bò một nắng trên địa bàn đã tăng cường bán hàng cũng như quảng bá thương hiệu trên các trang mạng xã hội nên thương hiệu bò một nắng huyện Sông Hinh ngày càng được nhiều người biết đến", bà Hằng nói.

Đà Nẵng có "Chợ Tết 0 đồng" dành cho người khó khăn

Sắm Tết ở chợ 0 đồng - Ảnh: Đ.NHẠN

Sắm Tết ở chợ 0 đồng - Ảnh: Đ.NHẠN

Ngày 29-1, Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng tổ chức "Chợ Tết 0 đồng" cho 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, bệnh nhân hiểm nghèo và nhóm các đối tượng yếu thế khác.

Mỗi hộ nhận một phiếu mua hàng trị giá 600.000 đồng để lựa chọn, mua sắm các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu vui xuân - đón Tết tại các gian hàng của chương trình.

Ngoài ra, người dân còn được tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí tại các gian hàng miễn phí như cắt tóc, tặng thư pháp, tư vấn sức khỏe, chụp ảnh Tết...

Chương trình cũng diễn ra hoạt động gói và tặng 1.000 bánh chưng cho sinh viên, công nhân khó khăn, người thu nhập thấp... phải ở lại TP trong dịp Tết 2024.

Dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng cũng trao 100 suất quà Tết (gồm 1 triệu đồng và các nhu yếu phẩm) cho các hộ nghèo và công nhân khó khăn tại các quận Hải Châu, Thanh Khê và Sơn Trà.

Nhu cầu tiêu thụ Tết tăng và nhập lậu giảm, giá heo hơi tăng nhẹ

Sau khi Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng lên tiếng yêu cầu chính quyền các địa phương có đường biên giới với một số nước trong khu vực phải mạnh tay kiểm soát và ngăn chặn heo nhập lậu, giá heo tại thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai có dấu hiệu tăng nhẹ.

Ghi nhận vào ngày 29-1 cho thấy giá heo hơi được thương lái thu mua từ 55.000 - 56.000 đồng/kg, tăng 6.000 - 7.000 đồng so với tháng trước.

Anh Trần Ngọc Phi, chủ trại 200 con heo thịt tại xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), cho biết khoảng 30 - 40 con heo thịt trong trại có thể xuất bán trong dịp Tết này.

"Với giá heo hơi xuất chuồng đang cao hơn giá thành sản xuất 4-5 giá, người chăn nuôi đã thoát lỗ và bắt đầu có lãi, có một cái Tết vui hơn", anh Phi nói.

Theo ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhu cầu tiêu thụ thịt phục vụ cho nhu cầu chế biến các sản phẩm phục vụ mùa Tết tăng, trong khi nguồn heo lậu bị chặn sau khi cơ quan chức năng các địa phương vào cuộc... là những yếu tố giúp cho giá heo hơi nhích lên.

Tuy nhiên, với nguồn cung khá dồi dào hiện nay, ông Công cho rằng giá heo hơi khó tăng mạnh trong những ngày cận Tết.

Tôm, cua, cá... miền Tây sẵn sàng cho TếtTôm, cua, cá... miền Tây sẵn sàng cho Tết

Nhiều nhà vườn, doanh nghiệp ở các tỉnh miền Tây vẫn đang ráo riết chuẩn bị nhiều đặc sản sông nước miệt vườn để cung ứng thị trường trong nước, nhất là TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên