23/04/2023 12:08 GMT+7

Những cuộc đời trường thọ yên vui - Kỳ 1: Cụ ông 101 tuổi vẫn thương giúp người nghèo

Có cụ đã tuổi trời ngót nghét bách niên xưa nay hiếm, thậm chí đã đến tuổi 103, 104 vẫn yên vui, mê say làm việc và san sẻ thương yêu cho bao cảnh đời nghèo khó.

Cụ Trần Cang tặng gạo giúp người khó nghèo - Ảnh: Y.TRINH

Cụ Trần Cang tặng gạo giúp người khó nghèo - Ảnh: Y.TRINH

Các cụ như những cây tùng cây bách đại thụ để con cháu ngước nhìn và suy ngẫm về lối sống viên mãn cho mình, tốt đẹp cho đời…

Đến xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng, hỏi cụ Trần Cang hầu như ai cũng biết. Năm nay 101 tuổi, cụ Cang được yêu quý không chỉ vì sự minh mẫn, vui tính mà còn ở tấm lòng luôn rộng mở, sẻ chia với bao mảnh đời.

"Thấy ai khổ là tự nhiên tôi chảy nước mắt"

Trong chiếc cặp đi đâu cũng mang theo bên mình, cụ cất một cuốn sổ sờn gáy ghi tên những người mình đã giúp, số tiền quyên được… Chầm chậm mở sổ như nâng niu vật quý, cụ nói: "Chừng nào còn khỏe, tôi còn đi giúp người ta. Tôi sinh năm 1922, mà hồi 99 tuổi tôi vẫn chạy xe máy chở người bảy mấy tuổi đi tặng gạo ngon lành".

Nhấp ngụm trà, vuốt mái tóc trắng như cước trên gương mặt hồng hào, cụ kể mình sống cố cựu ở miệt này. "Hồi xưa cha mẹ làm ruộng nuôi bốn anh em tôi khôn lớn. Dù cảnh nhà cơ cực, cha mẹ vẫn hay dạy ở đời phải cố gắng làm người tốt", cụ trải lòng.

Ngày cụ còn nhỏ, người ta hay đổ về đây đập lúa mướn. Có lần, cậu bé Cang chứng kiến cảnh một người đàn ông vợ bệnh mất nhưng không có đồng cắc nào mua hòm chôn. Thương cảnh ngộ éo le, Cang hồn nhiên chạy xin tiền rồi mua hòm cho. Ký ức ấm áp đã nuôi dưỡng nơi cậu bé tâm niệm giúp người.

Chiến tranh, khó nghèo, cụ học trường làng đến năm 14 tuổi rồi đi làm lúa mướn, không nhớ mình đã lội qua bao ngàn công ruộng. 20 tuổi, cụ lấy vợ. Giỏi làm ăn, hai vợ chồng vừa làm đồng vừa dành dụm mở tiệm tạp hóa ngoài chợ. Rồi họ dần tậu được nhiều ruộng vườn nên "nuôi con đâu có ngán gì đâu".

Cuộc sống dần khấm khá, con cái khôn lớn, cụ "rảnh tay" nên hết lòng với việc thiện từ năm 1986 đến nay. Từng đảm nhận công tác tại hội người cao tuổi địa phương, có ngày cụ đi nhiều cây số, qua những đồng bưng, những ngõ xóm lúc nắng cháy da người, khi mưa gió lấm lem áo quần… để đến với nhiều cảnh đời.

Có điều kiện đi đây đó, cụ nhận thấy bà con mình còn khổ nhiều. "Thấy ai khổ là tự nhiên tôi lại chảy nước mắt. Tôi muốn đem lại sự chia sẻ cho các cụ già không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, học sinh không có điều kiện đến trường... Đáng thương hơn là những người bệnh hiểm nghèo mà nhìn quanh nhà chẳng còn gì bán để chống chọi, để hy vọng tiếp tục sống", cụ xúc động tâm sự.

Là người uy tín trong cộng đồng, cụ miệt mài vận động nguồn tiền, vận động sức người tham gia công tác từ thiện. Ghi chép của cụ từ trước đến nay đã hỗ trợ hàng ngàn cảnh đời khó khổ với tổng cộng gần 19 tỉ đồng. Việc thiện của cụ đa dạng, đúng nghĩa người nghèo cần gì cụ đều cố gắng giúp đỡ. Cụ giúp áo quan cho hộ nghèo có người thân qua đời, cấp học bổng cho học sinh, đưa người đi chữa bệnh, cấp gạo hằng tháng cho 120 người khó khăn. Ngoài ra, cụ cũng phối hợp xây dựng cầu nông thôn, lắp cây nước sạch trên ruộng…

Đang trò chuyện, thấy người phụ nữ bán vé số đi ngang, cụ gọi: "Đây đây, lấy 10 ký gạo về ăn". Nói rồi cụ nhờ cháu bưng túi gạo để cụ trao tận tay. Đến thăm cụ, ông Dương Kỳ Nam, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Thành, cho biết cụ Cang có cách làm thiện nguyện đặc biệt và được mọi người quý mến.

"Cụ luôn chú trọng đúng mục đích, ý nghĩa của việc làm từ thiện. Biết ai có hoàn cảnh khó khăn là cụ đến tận nơi, vừa tai nghe vừa mắt thấy mới được. Cụ cũng là một tấm gương để chúng tôi noi theo và phối hợp trong công tác thiện nguyện", ông Nam nói.

101 tuổi, cụ Cang vẫn cập nhật tin tức qua báo giấy và báo mạng  - Ảnh Y.TRINH

101 tuổi, cụ Cang vẫn cập nhật tin tức qua báo giấy và báo mạng - Ảnh Y.TRINH

"Cảm ơn cuộc đời cho tôi sức khỏe"

Khi được hỏi về cuộc sống thường ngày, cụ cười phúc hậu: "Từ nhỏ tới giờ tôi không bệnh gì, mình mẩy cũng không đau nhức bao giờ. Tới năm 99 tuổi tôi mới biết… nằm viện, tại bị Covid-19 với bị bệnh đường ruột". 11 ngày nằm viện, con cháu cụ gọi hỏi han quá trời nhưng cụ an ủi ngược lại "ôn (ông) không sao đâu, mấy đứa đừng có sợ, ôn không sợ gì hết".

Trải lòng tới đây, cụ bộc bạch: "Ai cũng thương tôi, trong bệnh viện mọi người dặn phải lo cho tôi. Hoặc khi tôi đi làm răng người ta cũng không lấy một cắc nào. Người ta nói tôi giúp người nhiều quá rồi, giờ họ giúp tôi chớ không tiền bạc gì".

Cụ cười kể thêm rằng đi đâu người ta cũng hỏi thăm, rồi chụp hình chung. "Tôi cũng có nhiều bạn bè nhỏ tuổi, lên tiếng một cái là lại đầy nhóc hết. Tôi không hống hách hay nói chuyện trên trời dưới đất. Cái gì tôi cũng muốn hòa đồng, vui vẻ", cụ nói.

Một câu hỏi cụ thường hay nghe đó là "làm sao mà ông sống khỏe vậy?". Tình thiệt, cụ kể rằng hồi trẻ mình từng có lúc là "dân lu bu", có uống rượu, rồi mon men… đánh bài. Nhưng cụ luôn ý thức rằng "sức khỏe mình có sẵn, mình phải giữ gìn" và "mình đừng say xỉn, con cháu nó buồn" và cụ bớt dần. "Về chuyện ăn uống, tôi muốn ăn gì thì ăn, không hà tiện, nhưng không phải ngày nào cũng ăn đồ bổ đâu. Có khi ăn khoai lang, bắp. Tối lên đèn chút là tôi đi ngủ, 4h thức", cụ kể.

Bên cạnh đó, cụ cho biết mình có sức khỏe tốt cũng do từ xưa đã làm việc cần mẫn. Cụ từng một thời chống ghe lườn nặng trịch (làm bằng thân cây sao đục bỏ ruột) chở lúa từ xã này qua xã khác. Là nông dân miệt vườn nhưng cụ rất mê thể dục thể thao. "Tôi đá cầu hay lắm nghe, đi thi khắp tỉnh đó. Bây giờ sáng với chiều tôi đều đi bộ cỡ 15 phút. Hồi trước tôi cũng tập dưỡng sinh", cụ kể. Rồi cụ hóm hỉnh nói chúng tôi dùng ngón tay ấn thử bắp giò của cụ để chứng minh da thịt vẫn săn chắc.

Trong cuộc sống, cụ cũng có lúc giận ai đó một lúc "rồi thôi bỏ, không chất chứa cho nặng lòng". Cụ cho rằng đời mình may mắn đủ mọi mặt. "Con cái có đứa nghèo, đứa giàu nhưng mình vui vì con mình khỏe mạnh là được. Cảm ơn cuộc đời cho tôi sức khỏe để giúp người. Tôi không sợ tuổi già. Từng tuổi này tôi vẫn muốn làm việc hữu ích cho xã hội…", cụ bộc bạch.

Hằng ngày, cụ vẫn lên mạng bằng điện thoại, đọc cả báo giấy Tuổi Trẻ lẫn báo mạng, xài Zalo ngon ơ. Từng ấy tuổi nhưng cụ có đôi mắt tinh anh, đọc viết ngon lành mà không cần đeo kiếng. Ai chụp hình kỷ niệm là cụ dặn "bắn hình qua liền cho ông".

Ngày vui nhất trong năm của cụ thường là ngày sinh nhật. Khi đó con cái tụ về đông đủ, nhiều người chúc mừng cụ. "Có người chúc tôi sống 20 năm nữa, tôi cười nói: Ừ, hứa luôn, mà hổng được thì thôi nghen, có sao đâu!", cụ vui vẻ nở nụ cười chất phác, hiền lành.

Con cháu tiếp nối yêu thương

Cụ Cang có 10 người con, con gái lớn năm nay 80 tuổi. Gia đình từ đời cụ trải qua các đời cháu là 5 thế hệ, tổng cộng cả trăm người. "Tôi là niềm tự hào của đại gia đình. Con cháu tôi mừng lắm vì đã tuổi này mà không phải lo về sức khỏe cho tôi", cụ nói.

Cháu ngoại của cụ -anh Tô Minh Tường (35 tuổi) thường sát cánh cùng ông. Đi và cảm nhận tấm lòng của ông ngoại, anh dần yêu thích việc thiện. Anh nói: "Mỗi khi ôn đi giúp người, tôi đều đi theo nhưng ôn không cho tôi đỡ tay vì ôn tự đi được".

********

Người nhạc sĩ nổi tiếng với bài hát "Vàm Cỏ Đông" đã bước qua tuổi 90, vẫn ngày ngày mê say làm việc để con dốc đời mình nở đầy hoa trái.

>> Kỳ tới: 90 tuổi vẫn trẻ mãi với âm nhạc và tình yêu

Giấc mộng trường sinh: Sống thọ bách niên không khó?Giấc mộng trường sinh: Sống thọ bách niên không khó?

Theo con cái cụ bà Aline Méténier (106 tuổi) và nhân viên viện dưỡng lão, bà sống thọ nhờ tính cách mạnh mẽ và lối sống năng động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên