15/11/2023 18:21 GMT+7

Nhựa sống dâng đầy trong trái tim những họa sĩ cao nguyên

Triển lãm 'Nhựa sống dâng đầy' là cuộc gặp gỡ của bốn họa sĩ đến từ vùng đất Tây Nguyên và thành phố biển Nha Trang: Lê Vấn, Hồ Thị Xuân Thu, Bùi Văn Quang, Trương Văn Linh.

Họa sĩ Lê Vấn và tác phẩm tranh lụa “Vệt nắng lưng đèo” - Ảnh: HỒ LAM

Họa sĩ Lê Vấn và tác phẩm tranh lụa “Vệt nắng lưng đèo” - Ảnh: HỒ LAM

Các họa sĩ sáng tác theo phong cách hiện thực nhưng ngôn ngữ tạo hình và chất liệu hoàn toàn khác nhau (sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ).

Cùng xuất thân từ Trường Mỹ thuật Huế nên những bức tranh của họ đem đến cho người xem một phong vị hấp dẫn, đằm thắm.

Triển lãm Nhựa sống dâng đầy trưng bày 20 tác phẩm của bốn họa sĩ, từ nay đến hết ngày 14-1-2024 tại The Workshop Coffee (27 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Bình yên đại ngàn của "Nhựa sống dâng đầy"

Vốn là một người con xứ Huế nhưng họa sĩ Xuân Thu đã gắn bó với vùng đất Gia Lai gần 40 năm. Trong thâm tâm, bà đã xem nơi đây như quê hương thứ hai của mình.

Bạn trẻ ghi lại những mảng màu sắc rực rỡ trong tác phẩm sơn dầu "Thiếu nữ H’Mông" của họa sĩ Bùi Văn Quang - Ảnh: HỒ LAM

Bạn trẻ ghi lại những mảng màu sắc rực rỡ trong tác phẩm sơn dầu "Thiếu nữ H’Mông" của họa sĩ Bùi Văn Quang - Ảnh: HỒ LAM

Bà luôn rung động và cảm thấy mến thương với sự dung dị, bình yên của vùng đất đại ngàn. 

Và bà đã chọn cách tái hiện nó qua những tán thông lớn. Dưới tán cây là những con người đang tâm sự cùng nhau.

Những bức tranh trong triển lãm còn đặc biệt khi được nữ họa sĩ sáng tác trong dịch COVID-19 và thể hiện góc nhìn riêng của bà về sự an yên trong cuộc sống.

“Sự vắng lặng trong mùa phong tỏa cho ta thấy được sự bình yên của những ngày không dịch bệnh đáng quý biết nhường nào”, họa sĩ Xuân Thu tâm sự cùng Tuổi Trẻ Online.

Bà lựa chọn chất liệu sơn mài trong tác phẩm của mình. 

Dù tranh sơn mài là một “cuộc chơi” không phải ai cũng dám theo đuổi nhưng bà vẫn gắn bó với nó như một cái duyên đã định sẵn cho mình.

Còn họa sĩ Lê Vấn lại là “cây cọ” vẽ lâu năm trên tranh lụa. Ông cũng muốn dùng chất liệu này để gửi gắm tình cảm của mình với không gian sống bình yên, tươi đẹp của vùng đất đầy nắng và gió Đắk Lắk.

Ông dùng cái huyền ảo, mềm mại của lụa để tái hiện những khe suối, chân núi, con đường. 

Ấn tượng của Lê Vấn là sự thay đổi về hình và màu của không gian Tây Nguyên.

Họa sĩ giãi bày: “Tôi vẽ lại cảm xúc của chính mình, chứ không hẳn là vẽ cái mình nhìn thấy. Có thể đó là cảm xúc bình yên khi chứng kiến một ngọn đồi hay một cơn mưa của vùng cao nguyên”.

Trân trọng, hoài niệm văn hóa dân tộc

Họa sĩ Trương Văn Linh là người Tày và đến sinh sống tại vùng Đắk Lắk. Ông bày tỏ tình cảm của một người miền Bắc khi đến sống tại vùng cao nguyên.

Ông có ấn tượng sâu sắc với những nét văn hóa từ vùng đất này. Lễ hội bỏ mả, một nghi thức tâm linh độc đáo ở Tây Nguyên là một trong những chủ đề mà ông chọn cho những bức họa của mình.

Họa sĩ giải nghĩa: “Chúng ta thường hay nghĩ bỏ mả là bỏ đi, cái gì bỏ đi đều mang sự thương tiếc. Nhưng ở Tây Nguyên, người ta quan niệm điều này có nghĩa là mong cầu cho người ở thế giới bên kia có một cuộc sống no đủ hơn”.

Tranh sơn mài “Dưới tán thông” của nữ họa sĩ Xuân Thu - Ảnh: HỒ LAM

Tranh sơn mài “Dưới tán thông” của nữ họa sĩ Xuân Thu - Ảnh: HỒ LAM

Tác phẩm Bên Dray Sáp của Trương Văn Linh có thác nước, một dấu ấn của miền đại ngàn. Đến Tây Nguyên thì phải ngắm thác nước. Điều đặc biệt là dưới thác nước lại ẩn hiện bóng dáng của vài con voi.

Với ông, thác nước đại diện cho thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Còn voi như một biểu tượng, gắn bó với lao động sản xuất của người Tây Nguyên. Ông mong muốn thể hiện sự gần gũi, tình cảm giữa con người và thiên nhiên nơi đây.

Họa sĩ Trương Văn Linh chụp cùng tranh khắc gỗ đen - trắng “Ngày hội bỏ mả 2” - Ảnh: HỒ LAM

Họa sĩ Trương Văn Linh chụp cùng tranh khắc gỗ đen - trắng “Ngày hội bỏ mả 2” - Ảnh: HỒ LAM

Tranh của họa sĩ Bùi Văn Quang lại mang chất Á Đông đậm đặc. Đó là những ký ức đã dần bị lãng quên về làng quê Việt Nam.

Ông vẫn luôn khao khát lưu giữ lại những cái đẹp, những giá trị văn hóa dân gian đã dần mất đi.

Tranh kính dân gian dựng bàn thờ gia tiên, trưng bày kiếng xe hủ tiếuTranh kính dân gian dựng bàn thờ gia tiên, trưng bày kiếng xe hủ tiếu

Trưa 21-7, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã khai mạc Triển lãm tranh kính dân gian Việt Nam. Đây là triển lãm tranh kính hiếm hoi do đặc trưng của thể loại này khó vẽ, bảo quản lẫn vận chuyển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên