08/02/2024 06:01 GMT+7

Nhất tổ, tam sơn, ngũ quả, lục bình của Nam Bộ Tết xưa

Ngày Tết xưa, người dân Nam Bộ dù nghèo khó cũng ráng sắm sửa đủ mâm lễ: nhất tổ, tam sơn, ngũ quả và lục bình. Những yếu tố đó dần trở thành phong tục đặc trưng, biểu đạt ý nghĩa sâu sắc với con người nơi đây.

Bàn thờ chưng theo kiểu cách Nam Bộ ngày nay - Ảnh: Nguyễn Hữu Kiệm - Đại Nam Hội quán

Bàn thờ chưng theo kiểu cách Nam Bộ ngày nay - Ảnh: Nguyễn Hữu Kiệm - Đại Nam Hội quán

"Nhất tổ" là chiếc bánh tổ, "tam sơn" gồm một bình hương cùng cặp chân đèn, "ngũ quả" là đĩa trái cây có năm thức quả tùy theo ước vọng của gia chủ, và "lục bình" tức bình bông chưng Tết.

Bánh tổ - tam sơn - ngũ quả

Bánh tổ được làm bằng bột nếp, nhào cùng đường tán đâm nát đã được pha thành nước trước đó. Kế đến, người ta cho số bột này vào xửng tre có lót lá chuối rồi mang đi hấp. Sau khi chín, mẻ bánh được rắc thêm một lớp mè rang và đem hong khô dưới nắng.

Đêm giao thừa, người dân đặt bánh vào đĩa, mang lên bàn thờ gia tiên. Mãi đến hôm tạ ông bà (ngày mùng 3 Tết), gia chủ mang bánh xuống cắt từng miếng, có thể ăn trực tiếp, nướng hoặc chiên giòn.

Tam sơn gồm bình hương và cặp chân đèn. Trong đó, bình hương hình tròn, đặt chính giữa, ngoài cùng trên bàn thờ, thường làm bằng sành sứ, đồng hoặc gỗ…

Trong niềm tin dân gian, bình hương là nơi hội tụ linh khí của một ngôi gia. Vì thế, trừ khi lau dọn, họ hạn chế di chuyển bình hương vì sợ những điều không may xảy đến.

Cặp chân đèn xưa được tiện từ gỗ, cao khoảng hơn ba tấc. Ban đầu, người dân thắp đèn bằng dĩa dầu phộng (dầu lạc), giữa có tim bấc giữ lửa.

Sau này, dĩa dầu phộng được thay bằng đèn dầu hỏa, đèn cầy và ngày nay là đèn điện. Chân đèn cũng thay đổi theo thời kỳ, xưa là gỗ, nay dần thay bằng đồ đồng.

Cứ vào dịp cuối năm, người đánh bóng đồ đồng sẽ đi khắp ngõ rao mời, các gia đình khi ấy sẽ mang chân đèn đi đánh bóng như một cách trang hoàng lại bàn thờ gia tiên sau một năm làm lụng, cày cuốc.

Ngũ quả gồm bốn loại thiết yếu, gọi vui là "tứ trụ" và một quả có thể thay đổi tùy vào ước vọng gia chủ. Mâm quả hay nghe thường có: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài sung.

Đại ý biểu trưng rằng khi bày mâm cúng này lên, gia chủ cầu phúc lộc đến nhà vừa đủ tiêu xài và trở nên sung túc. Nhà nào mong phú quý sẽ thay quả sung thành quả quýt. Nhà nào muốn con cháu thơm thảo sẽ thay thành cầu, dừa, đủ, xoài, thơm.

Mâm quả phải đặt bên hướng Tây (phía tay trái của ông bà gia tiên, tức bên phải của gia chủ) theo quan niệm "Đông bình Tây quả".

Vị trí này biểu thị ý nghĩa hoa ở phía mặt trời mọc như ông bà sinh con cháu, quả ở phía Tây mô tả hậu duệ nối tiếp muôn đời.

Bàn thờ chưng theo thế

Bàn thờ chưng theo thế "đông bình tây quả" của người Nam Bộ - Ảnh: Nguyễn Hữu Kiệm - Đại Nam Hội quán

Nhất quả lưỡng bình

Lục bình ý nói đến bình bông. Xưa, vùng Nam Bộ xuất hiện một số loại bình bông sáu cạnh, xuất xứ từ Trung Quốc.

Về sau, đồ sành sứ Đồng Nai phát triển mạnh, ra mắt các loại bình dạng tròn, thân suông, cổ thắt, miệng loa. Một số quan niệm cho rằng gọi "lục bình" là do ban đầu quen dùng bình bông sáu cạnh, biểu đạt ý "lục căn thanh tịnh".

Ngoài ra, một số người lý giải tên gọi này dựa trên quan niệm "Thiên nhất sinh thủy, địa lục thành chi" của Dịch học. Số sáu là con số sinh đầu tiên của trời đất.

Vậy nên gọi "lục bình" biểu thị sự sinh hóa, tiếp diễn không ngừng của gia môn. Bình bông thường đi đôi, trong khi đó, đĩa quả thường có một để theo thế "nhất quả lưỡng bình".

Tùy vào gia cảnh mỗi nhà, gia chủ trang hoàng cho bàn thờ gia tiên thêm những thành tố như câu liễn, hoành phi, đài tam sơn, ống nhang, lư đồng,…

Ngày nay, bánh tổ đã dần ít xuất hiện trên bàn thờ Nam Bộ dịp Tết. Tuy nhiên, các thành tố khác như tam sơn, ngũ quả, lục bình vẫn được người dân nơi đây lưu giữ, trang hoàng thêm với hoa văn, họa tiết sống động.

Đồ thờ nay được phát triển thêm với nhiều kiểu cách, hình dáng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ở thị thành, đa phần là người tứ xứ đến mưu sinh nên hầu như ít có gia đình bày biện bàn thờ tiên tổ. Bàn thờ thường được đặt ở quê nhà, trở thành một góc tâm linh giao kết với người phương xa.

Dù ở nơi nào, người "tha hương cầu thực" cũng dặn dò bản thân rằng mình còn có quê hương, tổ tiên ông bà. Để từ đó, mối tương cảm thôi thúc họ trở về đất quê, thắp hương cho tiên tổ vào các dịp đoàn viên.

Người dân Nam Bộ dù giàu hay nghèo đều chăm lo hết mực cho bàn thờ tổ tiên của mình.

Điều đó biểu thị sự kính trọng, "ẩm thủy tư nguyên" đối với tiền nhân đi trước. Mặt khác, bàn thờ gia tiên còn là nơi giao kết, bày tỏ mối tương quan giữa người sống và kẻ chết - "Thác là thể phách còn là tinh anh" (Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Họ tin rằng, khi bản thân bày tỏ tấm lòng của mình một cách liên lỉ, thành tín, người đã khuất sẽ nghe thấy được những gì bản thân nhắn nhủ, giãi bày.

Nét đẹp của việc thờ phụng gia tiên đã trở thành một phong tục, đi vào nề ăn nếp ở, mang tính giáo dục đạo đức và xây dựng niềm tin mãnh liệt cho con người về mối liên kết giữa hai cõi âm - dương.

Mối liên kết này sẽ mãi mãi vĩnh hằng, tồn tại trong tâm thức người Việt như một điều tôn nghiêm, trang trọng bậc nhất.

------------------------------------------------

* Tài liệu tham khảo

- Bánh tổ, bánh phồng ngày Tết, Nguyễn Minh, Sài Gòn xưa và nay.
- Bàn thờ Tết Nam Bộ, Võ Văn Sổ, Tạp chí Xưa và Nay, xuân Tân Tỵ.

Khoảnh khắc Tết của tôi: Điền Lộc mộc mạc nét xưa nét nayKhoảnh khắc Tết của tôi: Điền Lộc mộc mạc nét xưa nét nay

Tháng chạp về, mưa dầm lạnh buốt cả vùng quê bên phá Tam Giang, lưng chừng lại có nắng ấm. Dịp may hiếm có, tôi đón xe về Điền Lộc, một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế để check-in không khí xuân tràn về…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên